Đường lối của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh (Phần 2 và hết)

Hiện nay, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo. Hợp tác kinh tế toàn cầu với nội dung cơ bản là thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ... tiếp tục được đẩy mạnh.
090514bien-dong-1713800631.jpg
Tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam bằng vòi rồng. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch vẫn không ngừng từ bỏ tham vọng bá quyền, trắng trợn can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền; chủ nghĩa khủng bố vẫn đang tồn tại; do vậy nguy cơ xảy ra chiến tranh cục bộ trên quy mô lớn chưa bị loại trừ.

Đối với Việt Nam, sau nhiều năm thực hiện chính sách bao vây, cấm vận, chống phá không đạt kết quả, các thế lực thù địch vẫn đã và đang tăng cường thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với chính sách hai mặt, vừa ve vãn lôi kéo, vừa gây sức ép nhằm tạo sự mơ hồ trong xác định đối tác và đối tượng, chuyển hóa tư tưởng, lối sống trong xã hội, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, làm chệch định hướng xã hội chủ nghĩa; hỗ trợ, chỉ đạo các lực lượng phản động, chống đối tiến hành các hoạt động chống phá, gây bạo loạn, lật đổ.

Bên cạnh đó là sự tranh chấp chủ quyền biển, đảo, khai thác tài nguyên ở Biển Đông giữa Việt Nam với một số nước láng giềng sẽ diễn biến ngày càng phức tạp. Vì vậy, để tăng cường mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới, phát triển đất nước với tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta kiên định thực hiện chủ trương phát triển kinh tế xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn.

Đây là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt và xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh theo chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành và địa phương mình.

Đồng thời cơ quan quân sự, công an các cấp phải tham gia thẩm định các kế hoạch, quy hoạch và dự án kinh tế xã hội của bộ, ngành liên quan đến quốc phòng, an ninh, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lập kế hoạch động viên nhân lực, phương tiện, vật chất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh và xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh cả về lực lượng, tiềm lực và thể trận, thật sự phát huy tác dụng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ địa phương.

1-1713800707.jpg
Mục tiêu xây dựng khu kinh tế - quốc phòng nhằm củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo hình thành thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, tạo vành đai vững chắc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Với chủ trương phát triển kinh tế xã hội gắn với quốc phòng - an ninh, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã nêu rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 là: Quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh ở các vùng, địa bàn trọng điểm; lồng ghép các chương trình để xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng ở vùng biên giới, hải đảo.

Trên thực tế, chúng ta đã tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả việc tổ chức nhiều đơn vị kinh tế - quốc phòng và quốc phòng - kinh tế trên các địa bàn chiến lược trọng yếu, các địa bàn còn khó khăn, phức tạp.

Phát huy thành quả ấy, việc xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng cần được đẩy mạnh và lồng ghép với các chương trình quy hoạch, phân bố lại dân cư, xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh của từng địa bàn.

Việc phát triển mạnh kinh tế biển, đảo, khai thác hải sản xa bờ gắn với tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và giữ vững chủ quyền vùng biển quốc gia đòi hỏi phải tổ chức, phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng quần chúng nhân dân với các lực lượng vũ trang trong tham gia quản lý, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, sẵn sàng ứng phó mọi bất trắc về thiên tai, địch họa, góp phần ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hành động xâm phạm chủ quyền, bảo vệ lợi ích kinh tế biển, đảo của Tổ quốc.

Chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng an ninh còn thể hiện ở việc bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quốc phòng an ninh bằng mở rộng phương thức huy động nguồn lực xây dựng công nghiệp quốc phòng, phát triển khoa học kỹ thuật quân sự, tiến tới tự sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Nhà nước phải chú trọng đầu tư để hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng, khuyến khích phát triển những ngành công nghiệp, khi thời bình tập trung sản xuất phục vụ dân sinh, nhưng khi chiến tranh xảy ra thì chuyển nhanh sang sản xuất phục vụ nhu cầu quốc phòng. Đồng thời, Nhà nước phải có chế tài và kế hoạch huy động các nguồn lực của đất nước cho xây dựng công nghiệp quốc phòng.

Như vậy, phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh là một chủ trương chiến lược nhất quán, gắn xây dựng với bảo vệ Tổ quốc, là bước phát triển mới trong tư duy của Đảng ta về nội hàm phạm trù phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh.

Đó là sự gắn kết đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực đời sống xã hội; trong xây dựng và tăng cường nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; trong phát triển lực lượng, tạo thế bố trí chiến lược để làm chủ về kinh tế, quốc phòng, an ninh ở từng địa phương, các bộ, ngành trên phạm vi cả nước.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến