Nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị về vấn đề chiến tranh và hòa bình (Phần 3 và hết)

Lương Đàm
Trên cơ sở tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhận thức của các tổ chức trong hệ thống chính trị về quốc phòng toàn dân và xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng đầy đủ hơn.
quan-doi-1710860827.jpg
Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Các khái niệm, đặc trưng, nội hàm của nền quốc phòng toàn dân đã được làm sáng tỏ. Từ chỗ nhận thức được vị trí, vai trò của quốc phòng toàn dân, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật và có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để xây dựng và vận hành nền quốc phòng toàn dân như: Ban hành Luật Quốc phòng, hoạch định và thực hiện các chủ trương, giải pháp để xây dựng tiềm lực, thế trận và lực lượng của nền quốc phòng toàn dân.

Việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh nói chung, kiến thức về quốc phòng toàn dân nói riêng cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đúng mức. Nhờ đó, nhận thức của các tổ chức chính quyền, mặt trận, đoàn thể nhân dân cũng như các tổ chức xã hội ngày càng được nâng lên; các tổ chức đã phát huy được trách nhiệm trong việc quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Nhận thức của các tổ chức chính quyền, đoàn thể trong hệ thống chính trị về nền quốc phòng toàn dân còn nhiều hạn chế, bất cập: chưa thấy hết được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân; còn có biểu hiện coi nhẹ công tác quốc phòng; chưa phân biệt rõ, còn đồng nhất quốc phòng với quân sự; phó thác hoặc cho rằng công tác quốc phòng là trách nhiệm của quân đội, của lực lượng vũ trang, chưa thấy hết trách nhiệm của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội; có trường hợp còn để lợi ích kinh tế ảnh hưởng đến thế trận quốc phòng toàn dân; nhận thức về tính toàn dân, toàn diện của nền quốc phòng toàn dân chưa đầy đủ nên chưa coi trọng phát huy quyền và nghĩa vụ của nhân dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân... Do đó, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân còn có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

h3-bai-1-1710860827.jpg
Bộ đội khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng biên. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Về nhận thức, trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, các tổ chức trong hệ thống chính trị cũng đã nhận thức đúng đắn và phát huy trách nhiệm cao từ trong điều kiện thời bình và luôn có tâm thế sẵn sàng khi chuyển sang điều kiện thời chiến. Trước hết, vận dụng sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, kế thừa, phát huy truyền thống giữ nước của dân tộc, Đảng ta luôn luôn nhận thức đúng đắn về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, và tư duy về bảo vệ Tổ quốc của Đảng ngày càng đầy đủ, toàn diện hơn. Từ đó, Đảng đã đề ra đường lối, quan điểm đúng đắn trong lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đảng ta đã xác định rõ mục tiêu của bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là: Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hoá; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ mục tiêu đó, Đảng khẳng định việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân; bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ phải gắn chặt với yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, khoa học - công nghệ, đối ngoại, văn hóa - xã hội...; bảo vệ Tổ quốc gắn liền với bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đảng cũng khẳng định phải phối hợp chặt chẽ hoạt động quốc phòng và an ninh với hoạt động đối ngoại, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế với quan điểm “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình và phát triển”, và “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”. Đảng còn khẳng định, để bảo vệ Tổ quốc còn phải kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng với đấu tranh quốc phòng nhằm giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

3-1-1710860827.jpg
Cán bộ Vùng Cảnh sát biển 2 tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Từ nhận thức rõ về vị trí, vai trò quan trọng của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, từ nhận thức đúng về mối quan hệ biện chứng giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Nhà nước đã tiến hành các giải pháp đồng bộ để triển khai thực hiện việc kết hợp đó, đặc biệt là triển khai các chương trình, kế hoạch để thực hiện chủ trương kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh và đối ngoại, cùng với đó là triển khai các giải pháp bảo đảm đồng bộ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thấy rõ tầm quan trọng của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Việc nhận thức đúng đắn và phát huy trách nhiệm cao của các tổ chức trong hệ thống chính trị đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc còn thể hiện rõ ràng ở sự phân định đúng đắn giữa nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện thời bình với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện thời chiến.

Bên cạnh những mặt tốt, vẫn còn có biểu hiện nhận thức chưa đúng về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, như: xem nhẹ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cho rằng thời bình hiện nay chỉ cần tập trung phát triển kinh tế, xây dựng đất nước; nhận thức về bảo vệ Tổ quốc một cách chung chung, chưa thấy rõ bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam bao gồm cả bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa; hoặc cho rằng bảo vệ Tổ quốc chỉ hoàn toàn là trách nhiệm riêng của lực lượng vũ trang, không thấy rõ vai trò của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến