Nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị về vấn đề chiến tranh và hòa bình (Phần 2)

Trước đây, tư duy về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của chúng ta chủ yếu tập trung vào các giải pháp quân sự, trực tiếp chuẩn bị để đánh thắng chiến tranh xâm lược quy mô lớn.
vzuwxw9d-1710859999.jpg
Xe tăng huấn luyện vượt cửa mở tấn công địch. Ảnh: Tuổi trẻ

Tư duy về quốc phòng, về xây dựng nền quốc phòng toàn dân của ta cũng chủ yếu tập trung vào các giải pháp quân sự để đối phó với các cuộc tiến công xâm lược từ bên ngoài. Việc xây dựng tiềm lực quốc phòng và huy động tiềm lực đó trước hết để phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, chiến tranh... Ngày nay, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải lấy việc ngăn ngừa, không để xảy ra chiến tranh, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định làm phương thức chủ đạo để giành thắng lợi trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các tổ chức trong hệ thống chính trị đã tỏ rõ trách nhiệm không chỉ trong xây dựng tiềm lực quốc phòng, thế trận quốc phòng và xây dựng lực lượng quốc phòng, mà còn trong đấu tranh quốc phòng trên mọi lĩnh vực. Xây dựng lực lượng của nền quốc phòng toàn dân đã coi trọng xây dựng cả lực lượng chính trị (lực lượng toàn dân) và lực lượng vũ trang nhân dân (lực lượng nòng cốt); gắn xây dựng tiềm lực mọi mặt của đất nước với xây dựng tiềm lực quốc phòng. Xây dựng lực lượng của quốc phòng toàn dân còn kết hợp với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân để có đủ khả năng răn đe, ngăn ngừa và sẵn sàng đối phó thắng lợi với các tình huống.

vna-potal-ngay-truyen-thong-bo-doi-bien-phong-viet-nam-03031959-03032022-chu-trong-cong-tac-bien-phong-xay-dung-the-tran-long-dan-vung-manh-noi-bie-5978640-1710860422.jpg
Thắm tình quân dân. Ảnh: TTXVN

Đấu tranh quốc phòng đã thực sự là cuộc đấu tranh toàn dân, toàn diện trên mọi lĩnh vực, lấy biện pháp phi quân sự là chủ yếu nhằm tạo thế chủ động chiến lược, đẩy lùi, ngăn chặn, làm thất bại các chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, vô hiệu hóa mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá hoặc tạo cớ để can thiệp vũ trang của các thế lực thù địch. Để đấu tranh quốc phòng có kết quả tốt, các tổ chức trong hệ thống chính trị đã kết hợp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân vững chắc và kết hợp chặt chẽ với mặt trận đối ngoại.

Luật Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2005) khẳng định: “Nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của đất nước được xây dựng trên nền tảng nhân lực, vật lực, tinh thần mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường”. Về sức mạnh của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX nêu rõ: “... sức mạnh của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là sức mạnh tổng hợp. Trong đó sức mạnh bên trong của đất nước, sức mạnh của chế độ chính trị, sự trong sạch đội ngũ cán bộ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định”.

Quán triệt tinh thần đó, các tổ chức trong hệ thống chính trị đều nỗ lực xây dựng cho được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh ở ngoài nước, yếu tố truyền thống với yếu tố thời đại; kết hợp sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân luôn giữ vai trò nòng cốt.

Đặc biệt, trách nhiệm của hệ thống chính trị thể hiện ở việc tập trung xây dựng “thế trận lòng dân”, làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; đồng thời, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường sức mạnh quốc phòng trên cơ sở phát huy tiềm năng của đất nước, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững chắc, nâng cao chất lượng tổng hợp các lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

vna-potal-tinh-quan-dan-noi-bien-cuong-xu-nghe-104437741-4513438-1710860422.jpg
Bộ đội Biên phòng Đồn Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An giúp nhân dân dựng nhà. Ảnh: TTXVN

Đó chính là cơ sở để các lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân luôn nhận thức đúng tình hình, nắm vững quy luật và xu thế phát triển của yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, tiếp tục đổi mới, từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức, biên chế, trang bị; không ngừng nâng cao bản lĩnh, tri thức và khả năng lãnh đạo, chỉ huy thực hành chiến đấu để sẵn sàng đánh thắng quân xâm lược cả trong điều kiện chiến tranh thông thường và chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong thời kỳ mới đòi hỏi phải tăng cường vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Thấu triệt tinh thần ấy, Đảng và Nhà nước đã nỗ lực không ngừng hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực quốc phòng; bổ sung quy chế phối hợp hoạt động trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại và sự phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan trong phân tích, dự báo tình hình và làm tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các giải pháp thực hiện; bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách xã hội có quan hệ đến nhiệm vụ quốc phòng; tổ chức cho toàn dân quán triệt và thực hiện tốt Luật Quốc phòng; từng bước xây dựng và ban hành chiến lược quốc phòng Việt Nam trong tình hình mới...

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong thời kỳ mới là nhu cầu khách quan, bức thiết của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực luôn có những biến động phức tạp, đầy bất trắc, khó lường, các thế lực thù địch lại hết sức tinh vi, xảo quyệt trong sử dụng chiến lược “diễn biến hòa bình” để chống phá cách mạng Việt Nam, thì vấn đề xây dựng nền quốc phòng toàn dân đang đặt ra những yêu cầu mới rất cao. Đó không chỉ là tạo ra sức mạnh để ngăn ngừa và sẵn sàng đánh thắng bạo loạn lật đổ, xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược ở mọi quy mô, mà trước hết còn là tạo ra sức mạnh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, làm thất bại cuộc chiến tranh “không có tiếng súng” của chúng.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến