Trước đó, Khúc Thừa Dụ (năm 905) và Dương Đình Nghệ (năm 931) đã từng giành được quyền tự chủ nhưng mới chỉ dám xưng Tiết độ sứ. Năm 938, Ngô Quyền đánh tan giặc Nam Hán, rồi vứt bỏ chức danh Tiết độ sứ do ngoại bang áp đặt, xưng Vương và bắt tay xây dựng lại đất nước, định đô ở Cổ Loa thành. Trong tình thế đất nước vừa mới giành lại nền độc lập thì Cổ Loa vẫn có địa hình thuận lợi và an toàn để lập kinh đô của đất nước tự chủ. Tại Cổ Loa, Ngô Quyền thiết lập triều đình với bộ máy hầu như hoàn chỉnh. Rất tiếc về sau, khi Ngô Quyền mất, đất nước rơi vào tình trạng “đau ốm” tạm thời là “loạn 12 sứ quân” - điều không nên có đối với một quốc gia tự chủ mới được định lập, bởi nó phá vỡ thể thống nhất của nền hòa bình, tạo cơ hội cho kẻ thù tiến hành chiến tranh xâm lược.
Sau khi dẹp “loạn 12 sứ quân”, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi (năm 968) và Lê Hoàn tiếp nối (năm 980) đã củng cố nền độc lập tự chủ, xây lại nền hòa bình trong sự thống nhất của đất nước. Song, do vị thế đất nước lúc bấy giờ đang là bước quá độ, cần đến sự ổn định nên các triều đại này đều định đô ở Hoa Lư một vùng địa - quân sự thiên hiểm. Nhờ đó mà Lê Hoàn đã lập công lớn bằng chiến thắng quân Tống xâm lược lần thứ nhất (năm 981), tạo tiền đề trực tiếp cho triều Lý dời đô lên miền Đại La, chính thức mở nền văn hiến hòa bình.
Cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất dưới triều Tiền Lê và lần thứ hai dưới triều Lý đã cho thấy, ngay từ đầu kỷ nguyên độc lập, các nhà nước phong kiến tự chủ của nước ta đã phải thực sự đối đầu với bài toán nan giải chiến tranh - hòa bình. Đặc biệt là với cuộc kháng chiến chống Tống dưới triều Lý, sự nghiệp bảo vệ đất nước đã bước sang một trang mới: Không còn phải cố thủ ở vùng Hoa Lư chật hẹp mà hiên ngang định đô ở đất Thăng Long “xâm dị trì nan” (dễ chiếm khó giữ), hiên ngang thực hành “tiên phát chế nhân” và xây dựng phòng tuyến sông Cầu để chặn giặc từ xa. Có thể nói đây chính là thể hiện của cách xử thế chiến tranh hòa bình sánh ngang cùng các nhà nước phong kiến phương Bắc, “cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên đều chủ một phương”.
Tuy đại bại trong lần xâm lược năm 981, nhà Tống vẫn nuôi tham vọng và chuẩn bị cuộc chiến tranh mới bằng việc xây dựng căn cứ quân sự và hậu cần lớn ở Ung Châu, Liêm Châu và Khâm Châu, đồng thời xúi giục Chiêm Thành quấy phá phía Nam nước ta để tạo thế “hai gọng kìm” tiến công Đại Việt. Với tinh thần kiên quyết và chủ động, nhà Lý tăng cường lực lượng quốc phòng và củng cố khối đoàn kết dân tộc, tranh thủ tù trưởng các tộc người thiểu số.
Để loại bỏ mối uy hiếp từ phía Nam, năm 1069, nhà Lý tiến công đánh tan quân Chiêm. Để chủ động tiến công trước đẩy kẻ thù vào thế bị động, cuối mùa thu năm 1075, nhà Lý cử 10 vạn quân tiến công sang đất Tống, đánh chiếm các trại biên giới, chiếm Khâm Châu, Liêm Châu và công phá Ung Châu trong 42 ngày đêm, đồng thời chặn đánh tan một vạn binh mã của nhà Tống tại Côn Luân quan. Sau đó, quân ta đã tiêu huỷ các kho lương thực, vũ khí của địch và lấp sông ngăn chặn địch vận chuyển đường thuỷ. Khi quân Tống còn bị bất ngờ, chưa kịp điều viện binh, ta rút về xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu), đồng thời triển khai lực lượng, bố trí thế trận đánh địch từ xa để bảo vệ đất nước.
Cuối năm 1076, nhà Tống cho 30 vạn quân do Quách Quỳ và Triệu Tiết chỉ huy theo hai đường thuỷ, bộ tiến vào nước ta. Đạo bộ binh và kỵ binh bị chặn lại bởi phòng tuyến kiên cố sông Như Nguyệt. Các đợt tổ chức vượt sông đột phá quy mô lớn đều bị tiêu diệt, địch buộc phải “án binh bất động” đợi thuỷ quân. Trong khi đó, đạo thuỷ quân địch vừa tiến đến cửa sông Đông Kênh (Quảng Ninh) đã bị tướng Lý Kế Nguyên của ta đánh tan.
Kế hoạch phối hợp tác chiến thuỷ - bộ phá sản, địch rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, quân lính bị tiêu hao, lương thực thiếu thốn, bệnh dịch, ốm đau hoành hành vì không hợp thuỷ thổ. Chớp thời cơ, tháng 2 năm 1077, quân nhà Lý chuyển sang phản công. Các hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn dùng 400 chiến thuyền đổ bộ vài vạn quân đánh thu hút ở quãng sông Khao Túc, gây cho địch tổn thất lớn. Đồng thời, đại quân ta vượt sông, bất ngờ đánh mãnh liệt vào cụm chủ lực của địch, khiến chúng bị tiêu hao lớn và tan rã hoàn toàn về tinh thần chiến đấu vốn đang bại hoại. Nắm chắc tình hình, ta cử biện sĩ sang trại địch “bàn hòa”, thực chất buộc chúng chấp nhận thất bại. Cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi, nền hòa bình, tự chủ được giữ vững.
Nhận thức và giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình dưới triều Trần lại mang một sắc thái mới. Từ năm 1226, triều Trần thay thế triều Lý lãnh đạo công cuộc dựng nước và giữ nước. Lúc đó, quân viễn chinh Mông Cổ đã chiếm được phía bắc Trung Quốc và âm mưu tiến xuống Đại Việt để từ đó vu hồi đánh Nam Tống. Thái tử Mông Cổ là Hốt Tất Liệt sai sứ sang dụ hàng Đại Việt, nhưng vua Trần Thái Tông đã tống giam sứ giặc và ra lệnh cho cả nước khẩn trương chuẩn bị tiến hành kháng chiến chống xâm lược.