Một số phân tích về các cuộc chiến tranh giữ nước thời phong kiến tự chủ

Lương Đàm
Trong suốt kỷ nguyên độc lập của nước Đại Việt, việc nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình đã mang ý nghĩa động thái cơ bản bậc nhất của quốc gia có chủ quyền. Theo đó, ý chí chiến đấu kiên cường, bền bỉ và sức sống mãnh liệt của truyền thống yêu nước trong tổ chức và hoạt động quân sự được phát huy.
dinh-bo-linh-duoc-nhan-dan-ton-xung-la-a-van-thang-vuong-0704144349-1704815823.jpg
Đinh Bộ Lĩnh được nhân dân tôn xưng là Vạn Thắng Vương. Ảnh: Internet

Dù lịch sử dân tộc ta đã trải qua rất nhiều biến cố, lúc thịnh, lúc suy, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì lòng yêu nước trong tổ chức và hoạt động quân sự của người Việt vẫn bộc lộ sức sống kỳ lạ. Nhờ biết phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào và tự tôn về nguồn cội dân tộc nên các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Tây Sơn... đã quy tụ được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân dưới ngọn cờ đại nghĩa cùng giai cấp cầm quyền để lo việc giữ nước bằng các cuộc kháng chiến chống xâm lược, cũng như các cuộc chiến tranh giải phóng giành lại quyền tự chủ.

Trong những thời kỳ hòa bình, các triều đại phong kiến cũng đã đưa được truyền thống yêu nước ấy vào mọi mặt của công cuộc dựng nước, nhất là ở thời điểm triều đại đang lên. Đó là cái gốc để một dân tộc nhỏ bé có thể đường hoàng “cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên đều chủ một phương”. Ngay cả ở những thời điểm lịch sử khi giai cấp phong kiến bỏ rơi ngọn cờ lãnh đạo, đất nước đứng bên bờ vực của thảm họa thì người dân Việt vẫn vươn lên tự đảm đương sứ mệnh của dân tộc chống ngoại xâm và các tập đoàn phong kiến phản động. Ở những thời điểm lịch sử ấy, tổ chức và hoạt động quân sự gắn với yêu nước làm một. Lựa chọn con đường tiến hành chiến tranh hay con đường đấu tranh hòa bình đều trên cơ sở phát huy tinh thần yêu nước và phấn đấu hết mình vì “nền thái bình muôn thuở”.

Ý thức cố kết cộng đồng của người Việt trong thời đại này cũng phát triển lên một chất mới - cố kết cộng đồng với tính cách quốc gia tự chủ. Cả dân tộc tạo thành một khối vững chắc, “vua tôi đồng lòng anh em hòa thuận, cả nước góp sức”, “cử quốc nghênh địch”, “tận dân vi binh”... Đó chính là động lực có ý nghĩa quyết định để quân dân Đại Việt đánh bại nhiều đạo quân xâm lược khét tiếng: nhà Lý đánh tan giặc Tống, nhà Trần ba lần dẹp giặc Mông - Nguyên.

Sự “tụ tập khắp bốn phương manh lệ”, “tướng sĩ một bụng cha con”, “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” đã đưa “đốm lửa Lam Sơn” của Lê Lợi - Nguyễn Trãi phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đập tan hàng chục vạn viện binh của quân Minh, buộc Vương Thông ở thành Đông Quan phải quỳ gối đầu hàng, lật đổ ách thống trị ngoại bang, đem lại “nền thái bình muôn thuở, rửa mối hận nghìn thư”.

phong-trao-tay-son-co-vai-tro-nhu-the-nao-doi-voi-su-nghiep-thong-nhat-dat-nuoc-so-1-1704815990.jpg
Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc. Ảnh: Internet

Ngọn cờ đào của Nguyễn Huệ - Quang Trung đi đến đâu thì “chật đất người theo”, đã làm cho phong trào Tây Sơn phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đánh bại 29 vạn quân Thanh, làm nên khí phách “Sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chử”. Cũng chính từ ý thức cố kết cộng đồng nên trong điều kiện thời bình, các nhà nước phong kiến tiến bộ đã có nhiều kế sách để vừa trị nước vừa an dân; vừa lo công cuộc kiến thiết đất nước, sắp xếp giang sơn vừa chăm “sửa sang binh khí, liệu việc binh nhung”, xây dựng thế nước mạnh, quốc phòng vững để “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.

Về nghệ thuật dựng binh và dụng binh, ngay từ buổi đầu của kỷ nguyên tự chủ, các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, trên cơ sở duy trì các hình thức lực lượng tự vệ ở thôn, xã theo truyền thống đã chú trọng xây dựng quân đội thường trực, manh nha tổ chức lực lượng vũ trang nhiều thứ quân đã xuất hiện. Đến các thời kỳ sau, lực lượng vũ trang được phân chia thành các loại quân: quân triều đình (cấm quân), quân các lộ (hoặc đạo) và hương binh (ở miền núi còn gọi là thổ binh).

Trong xây dựng, tổ chức lực lượng vũ trang, các vương triều phong kiến đã thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” - một chính sách tiến bộ, tối ưu ở nước ta thời bấy giờ nhờ kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng. Cách thức tổ chức lực lượng vũ trang như vậy vừa phù hợp với điều kiện của một nước vốn dân số không lớn, tiềm lực kinh tế có hạn, vừa tạo thuận lợi để thực hiện “cử quốc nghênh địch”, “tận dân vi binh”, “bách tính giai binh”, “động vi binh tĩnh vi dân” và phát triển nghệ thuật đánh giặc đặc sắc của chiến tranh nhân dân.

1-11aanb-1704815695.jpg
Ngụ binh ư nông là nét đặc sắc trong nghệ thuật tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang có từ thời Lý - Trần. Ảnh: Internet

Nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Đến thời kỳ quốc gia phong kiến độc lập, chiến tranh toàn dân của người Việt đã định hình rõ nét và có bước phát triển toàn diện, sâu sắc hơn. Từ thực tiễn vai trò của nhân dân trong lịch sử dựng nước, giữ nước, nhiều nhà lãnh đạo chính trị - quân sự như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi... đã có tầm nhìn sâu rộng, biết kế thừa trí tuệ người xưa, tích hợp “đông - tây - kim - cổ” để khái quát nhiều bài học mang tính chân lý về tìm sức mạnh nơi dân, về nghệ thuật đánh giặc của chiến tranh toàn dân.

Chiến tranh toàn dân ở thời kỳ chế độ phong kiến phát triển theo con đường độc lập, tự chủ, đã kế thừa những tinh hoa văn hóa giữ nước của dân tộc ở thời kỳ lịch sử trước đó và có sự tiếp thu sáng tạo trí thức quân sự của nhiều nước khác. Đó là phương thức toàn dân vũ trang khởi nghĩa - phương thức giành lại nền độc lập khi chủ quyền quốc gia, dân tộc đã rơi vào ách áp bức của kẻ thù nhằm lật đổ bộ máy thống trị do chúng thiết lập. Đó là phương thức quốc phòng toàn dân - phương thức mà công cuộc xây dựng tiềm lực giữ nước bao gồm tổng thể hoạt động về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... của nhà nước và nhân dân để tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, nhằm giữ vững hòa bình, đẩy lùi, ngăn chặn các hoạt động gây chiến của kẻ thù và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức, quy mô. Đó là phương thức tác chiến “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều” - phương thức trực tiếp thể hiện nghệ thuật quân sự Việt Nam truyền thống trong sử dụng lực lượng tác chiến với kẻ địch khi chiến tranh xảy ra, không chỉ thể hiện ở từng trận đánh cụ thể mà còn mang tầm chiến lược và trở thành tư tưởng chủ đạo trong hầu hết các cuộc chiến tranh.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến