Những điều cơ bản về chiến tranh và hòa bình trong thời cận đại

Lương Đàm
Khi đời sống xã hội các quốc gia dân tộc đang chuyển mình từ chế độ phong kiến sang chủ nghĩa tư bản thì vấn đề chiến tranh và hòa bình với tính cách kế tục của chính trị bắt đầu bộc lộ rõ ràng, đầy đủ và xuất hiện những đặc trưng mới.

screenshot-2-1701703642.png

Tàu hỏa hơi nước là một trong những sản phẩm tiêu biểu của những cuộc cách mạng công nghiệp đầu thế kỷ 19. Ảnh: Free/image

Giai cấp tư sản gắn với sản xuất lớn đại công nghiệp lúc này bước lên vũ đài chính trị, đem đến cho quan hệ chiến tranh và hòa bình những bước nhảy vọt. Sự hình thành và phát triển quân đội thường trực của nhà nước với đạo quân đông đã nảy sinh một loạt vấn đề về kinh tế - xã hội và chính trị - quân sự rất phức tạp. Giới chức cầm quyền dù muốn hay không cũng phải trả lời các câu hỏi: làm thế nào để ngay trong điều kiện thời bình có thể duy trì được đội quân đông; đầu tư trang bị, huấn luyện để chuẩn bị cho nó bước vào chiến tranh như thế nào; sử dụng nó ra sao trong chiến tranh... Đối với hòa bình cũng vậy, duy trì nền hòa bình hay hy sinh nó không còn tùy thuộc hoàn toàn vào ý chí chủ quan của người đứng đầu, mà bắt buộc phải trên cơ sở những toan tính chính trị mà đằng sau nó dĩ nhiên là lợi ích kinh tế. Đúng như các nhà kinh điển mácxít khái quát: chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế.

Hơn nữa, việc hình thành quân đội thường trực dẫn đến tất yếu phải thu hút vào đó những tinh lực quản lý nhà nước của giai cấp thống trị, trong khi lực lượng lao động quân sự chuyên biệt lại ngày càng được mở rộng thành phần ra các giai cấp bị thống trị, bóc lột. Việc các giai cấp bị thống trị, bóc lột được thu hút vào quân đội thường trực, được chính giai cấp thống trị, bóc lột buộc phải trang bị vũ khí và buộc phải rèn giũa khả năng chiến đấu vũ trang, đến lượt nó, tất sẽ nảy sinh mối nguy cơ lớn cho sự sống còn của chính thể chế chính trị do giai cấp thống trị, bóc lột nắm giữ. Một bài toán hết sức nan giải khi các nhà nước tư sản ra đời là làm thế nào để sử dụng quân đội thường trực của mình, mà thành phần lực lượng chủ yếu lại là con em nhân dân lao động, đúng với chức năng một công cụ đắc lực trước hết là đàn áp nhân dân nhằm duy trì chế độ chính trị xã hội trong nước, đồng thời mở rộng xâm lược các nước khác.

Duy trì và thường xuyên tăng cường quân đội thường trực là một gánh nặng vô cùng to lớn về kinh tế đối với bất kỳ một nhà nước nào, vì phải thu hút hẳn vào đó một số lượng người lao động trẻ khỏe, dẫn đến phá vỡ cơ cấu lực lượng sản xuất trực tiếp. Hơn nữa, do nhu cầu chiến tranh nên việc trang bị và chi phí cho quân đội thường trực ngày càng đòi hỏi phải tiêu tốn khoản ngân sách khổng lồ rút từ nền kinh tế đất nước. Để giải quyết gánh nặng ấy, nhà nước tư sản buộc phải ra sức tăng cường bóc lột nhân dân lao động trong nước đi đôi với tìm cách rút gọn biên chế quân đội thường trực trong thời bình.

Nhưng mặt khác, chính nhu cầu tăng cường bộ máy đàn áp bạo lực trong nước, cũng như nhu cầu mở rộng thị trường ra ngoài nước và tranh chấp thị trường thế giới bằng bạo lực vũ trang lại buộc các nhà nước ấy phải tìm cách chạy đua vũ trang, phát triển quân đội thường trực. Sự phát triển nhảy vọt của nền sản xuất tư bản theo hướng đại công nghiệp đã đem lại đặc trưng mới cho quan hệ chiến tranh và hòa bình. Không chỉ những mâu thuẫn về chính trị - kinh tế - xã hội mà ngay sự tích tụ quá đáng các nhân tố quân sự cũng có thể hâm nóng bầu không khí chiến tranh, kể cả khi các điều kiện đòi hỏi động thái hòa bình, hòa hoãn... đã hội đủ.

1280px-lejeune-bataille-de-marengo-1701703515.jpg

Chiến tranh Liên minh thứ hai. Minh họa của Louis-François, Baron Lejeune

Dưới chế độ tư bản, các đặc trưng cơ bản của chiến tranh cũng như của hòa bình liên quan trực tiếp đến lĩnh vực chính trị - nhà nước bộc lộ ngày càng rõ ràng, có tính luận thuyết. Thậm chí ở thời kỳ này đã rất phát triển hình thức “chiến tranh quy ước”, nghĩa là để tiến hành chiến tranh, người ta thường tuyên ngôn rất rõ mục tiêu chính trị, có tuyên chiến, có luật lệ về đối xử với tù, hàng binh, về tổn thất dân sự, về bồi thường thiệt hại trong chiến tranh...

Vấn đề hòa bình cũng được xử lý bằng các cam kết song phương hoặc công ước quốc tế, tuyên ngôn hòa bình, nguyên tắc chung sống hòa bình..., tất nhiên là theo lập trường tư sản. Việc quyết định chiến tranh hay hòa bình không còn quá lệ thuộc trực tiếp vào ý chí người cầm quyền, càng không thể theo ý thích tùy hứng của người đứng đầu. Trong thời bình, việc xây dựng, phát triển đất nước luôn có nội dung chuẩn bị cho chiến tranh; và ngay trong điều kiện chiến tranh, người ta đã phải tính đến động thái chính trị sẽ được tiếp tục khi hòa bình lập lại.

Riêng đối với động thái chiến tranh, ở vào giữa thế kỷ XIX, khi bắt đầu tuyên bố có chiến tranh, đối với các nước tham chiến lập tức nảy sinh một loạt vấn đề, trong đó có vấn đề tổ chức tổng động viên, tập trung và triển khai các lực lượng chiến lược trên những hướng đã được lựa chọn sẵn từ trước. Yếu tố có ý nghĩa quyết định ở giai đoạn này thực chất vẫn là yếu tố thời gian. Vì vậy, kể từ lúc tuyên bố chiến tranh, phải thật nhanh chóng tiến hành tổng động viên, triển khai các lực lượng và cơ động đến các khu vực dự kiến sẽ hoạt động chiến đấu. Đồng thời, các bên tham chiến cũng phải nỗ lực cao nhất trong việc tiến hành cung cấp cho lực lượng quân đội đang cơ động tác chiến mọi nhu cầu vật chất cần thiết như vũ khí, phương tiện cơ động, lương thực,...

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội thời đó, phương tiện vận chuyển quân sự còn chủ yếu là sức kéo động vật (sức ngựa), cho nên tốc độ tổng động viên và tập trung quân trên các chiến trường để hoạt động tác chiến rất thấp. Điển hình là cuộc đối đầu Pháp - Italia năm 1800 trong Chiến tranh Liên minh thứ hai, từ khi bắt đầu khai chiến đến khi bước vào các chiến cục đầu tiên đã mất 4 tháng vì Napoleon lúc này phải tổ chức thêm quân đội, tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược và phải tiến hành cơ động từ miền Nam nước Pháp sang đất Italia. Riêng cuộc hành quân cơ động của quân đội Nga sang đất Italia do Xuvôrốp chỉ huy năm 1799 có thể được coi là tiêu biểu về tốc độ hành quân cao ở thời kỳ này. Với tốc độ trung bình trên 30 cây số mỗi ngày, quân Nga đã vượt qua chặng đường dài 400 cây số trong 12 ngày đêm bằng hành quân bộ.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến