
Công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, yếu kém; việc định hướng đào tạo, ngành nghề, lĩnh vực, số lượng, chất lượng, cơ cấu lao động của các cơ quan chức năng còn bất cập, dẫn đến tình trạng một số ngành nghề, lĩnh vực mở mới tràn lan, vượt quá nhu cầu của xã hội, làm cho ngành thừa, ngành thiếu, nhiều doanh nghiệp phải tiến hành đào tạo lại... gây lãng phí lớn cho xã hội và người học. Đây là nguyên nhân khách quan tác động đến hiệu quả Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá là nhiệm vụ mới, kinh nghiệm quản lý và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự chưa nhiều. Công tác tổ chức, quản lý đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự có sự khác biệt so với nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quân sự đòi hỏi các cơ sở đào tạo trong Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự phải điều chỉnh cả về nội dung, chương trình, phương pháp và cách thức quản lý phù hợp với đối tượng đào tạo. Mặc dù các cơ sở đào tạo trong Quân đội được giao nhiệm vụ tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự đã có nhiều cố gắng; nhưng thời gian tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự chưa nhiều nên khó khăn là tất yếu, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là điều khó tránh khỏi. Đội ngũ nhà giáo quân đội vừa tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự, vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quân sự, nên trong quá trình thực hiện, đòi hỏi đội ngũ nhà giáo phải điều chỉnh về nội dung, phương pháp cho phù hợp với đối tượng đào tạo. Ngoài ra, một số cơ sở đào tạo trong Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các đối tượng chính sách xã hội nhằm thực hiện các mục đích cần đạt được cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... như: cử tuyển, quân nhân xuất ngũ, con em đồng bào các dân tộc thiểu số, nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cùng một nhiệm vụ nhưng lại phải thực hiện với những mục đích khác nhau là nguyên nhân không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự.
Cơ chế, chính sách đối với việc Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá còn bất cập; có sự phân biệt giữa cơ sở đào tạo trong Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá với các cơ sở đào tạo khác. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tài chính, ngân sách, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đào tạo, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, quyền lợi của người học, nhất là các đối tượng chính sách xã hội rất hạn chế. Đặc biệt, khi thực hiện Quyết định số 121/2009/QĐ-TTg ngày 9-10-2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hoạt động của cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Quân đội chưa được đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đào tạo nghề nghiệp. Mặc dù Quyết định số 121/2009/QĐ-TTg quy định các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng được thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính, nhưng trên thực tế các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng chỉ được tự chủ chi mà không tự chủ thu.
Cơ chế quản lý tài chính và việc thu học phí thấp không đủ chi phí giúp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Quân đội tạo được nguồn vốn tái đầu tư; trong khi đó, các trường phải tự hạch toán, cân đối thu chi. Mặt khác, nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thấp hơn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc các bộ, ngành khác; quân nhân xuất ngũ được đào tạo nghề nghiệp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Quân đội không được tham gia chương trình xuất khẩu lao động có ưu đãi ở một số thị trường lao động như các đối tượng khác. Chỉ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, trong đó có quy định “Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được hỗ trợ đào tạo nghề khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định này” thì những hạn chế, bất cập nêu trên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Quân đội đã cơ bản được giải quyết.
Tổ chức, biên chế ở một số cơ sở đào tạo trong Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước chưa phù hợp; chế độ, chính sách đãi ngộ cho lực lượng tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự còn nhiều bất cập. Các cơ sở đào tạo trong Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự với lưu lượng học viên ngày càng tăng, trong khi tổ chức, biên chế hầu như không thay đổi, một số cơ sở đào tạo trong Quân đội đã phải chủ động hợp đồng thuê người giảng dạy để thực hiện nhiệm vụ, tình trạng này tập trung chủ yếu ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Năm 2008, Bộ Tổng tham mưu ban hành biểu tổ chức, biên chế cho các trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề quân đội. Trường cao đẳng nghề được biên chế cao nhất 80 người; trường trung cấp nghề được biên chế 25 đến 35 người, trong khi đó lưu lượng đào tạo của các trường cao đẳng nghề từ 8.000 đến 11.000 học viên và các trường trung cấp nghề từ 3.000 đến 8.000 học viên. Với lưu lượng đào tạo như trên so với biểu biên chế Bộ Tổng tham mưu ban hành chưa đáp ứng yêu cầu dạy nghề, các trường phải thuê, mượn, hợp đồng lao động với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chế độ, chính sách đãi ngộ lực lượng tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự nhiều bất cập, chưa thật sự khuyến khích, động viên, tạo điều kiện tốt cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.