Đặc biệt, tác động của chiến tranh công nghệ cao với thời gian cực ngắn làm cho phương thức vận hành và cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị trong thời chiến đòi hỏi phải được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thời gian dài trước chiến tranh song lại gắn với khả năng ra những quyết sách hết sức đột ngột. Các chính sách của nhà nước không những phải đáp ứng được nhu cầu bảo vệ đất nước trong chiến tranh, bảo vệ được độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc, mà còn phải tính đến nhanh chóng khôi phục và tiếp tục gìn giữ được môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển đất nước khi chiến tranh kết thúc.
Hơn nữa, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, việc ngăn chặn những yếu tố, nguy cơ chiến tranh đối với đất nước phụ thuộc rất lớn vào độ mở của nền chính trị đối ngoại. Tạo được liên minh chính trị, nhất là với những cường quốc, không chỉ tăng cường khả năng răn đe quốc phòng từ thời bình, mà còn có hậu thuẫn chính trị khi chiến tranh xảy ra.
Phương thức phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện chiến tranh
Do bản chất của nó, sự phát triển kinh tế - xã hội thời chiến trước hết chịu sự quy định gắt gao của quy luật kinh tế, bảo đảm tính hiệu quả trong xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, nền kinh tế thời chiến không thể không chịu tác động của quy luật chiến tranh, thậm chí toàn bộ sự phát triển kinh tế - xã hội bị phá vỡ nghiêm trọng khi chiến tranh xảy ra.
Sản xuất bị đình đốn, đời sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, nguồn dự trữ quốc gia phải được tung ra cho chiến tranh, nguồn tài nguyên, môi trường, cơ sở vật chất - kinh tế bị huỷ hoại hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng, nhân tâm ly tán, loạn lạc... Trong hoàn cảnh thời chiến, sự phát triển kinh tế - xã hội buộc phải chuyển mục đích và phương hướng phát triển từ phục vụ trực tiếp và chủ yếu cho yêu cầu dân sinh sang phục vụ trực tiếp và chủ yếu cho yêu cầu của chiến tranh.
Phương thức phát triển kinh tế - xã hội thời chiến theo đó có những điểm khác biệt nhất định so với phương thức phát triển kinh tế - xã hội thời bình. Cơ chế quản lý kinh tế tập trung, bao cấp theo mệnh lệnh nhà nước trở nên ưu trội; thành phần kinh tế nhà nước được tập trung phát triển tối đa để trực tiếp phục vụ nhu cầu chiến tranh, thậm chí các thành phần kinh tế tư nhân bị hạn chế hoạt động hoặc được trưng dụng vào nhà nước. Ở những quốc gia mà nhu cầu chống xâm lược là nhu cầu thường trực thì phương thức phát triển kinh tế - xã hội ngay từ thời bình cũng phải tính đến nhu cầu thời chiến nếu chiến tranh xảy ra.
Trong phương thức ấy, cơ chế mệnh lệnh - phục tùng mang tính chất tập trung, bao cấp để vận hành nền kinh tế - xã hội thời chiến là phù hợp, bởi lúc đó mục tiêu chung và lớn nhất của cả nước là tập trung sức người, sức của bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả xây dựng. Thực hiện được điều đó luôn tạo nên sức mạnh to lớn để tiến hành chiến tranh. Mọi sự chậm trễ, sai lầm trong vấn đề chuyển nền kinh tế đất nước sang thời chiến đều có thể dẫn đến hậu quả nguy hại đối với độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và nền hòa bình đất nước.
Trong bối cảnh hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ hiện đại và kinh tế tri thức, toàn cầu hóa, thì bản chất, tính quy luật chung của sự phát triển kinh tế - xã hội thời chiến, cũng như phương thức phát triển kinh tế - xã hội thời chiến có những khía cạnh mới. Các định chế quốc tế về hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, khoa học công nghệ, nguồn lực phát triển, khủng hoảng nợ công, khủng hoảng kinh tế xã hội, suy thoái kinh tế... trên thế giới và ở các khu vực trong không gian toàn cầu hóa hiện nay đang tạo sự đan cài lợi ích kinh tế giữa các nước.
Theo đó, nếu quốc gia nào có quyết sách kinh tế đúng đắn sẽ tận dụng được để duy trì phát triển kinh tế - xã hội thời chiến, tạo ra những “vùng phi chiến địa”, thậm chí là “vùng cấm chiến sự” ngày càng dày đặc trên lãnh thổ quốc gia. Đó vừa là một phần quan trọng của hậu phương chiến tranh giữ nước, vừa là “di sản sống” cực kỳ có ý nghĩa để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội sau chiến tranh.