
Thế mà sau Cách mạng tháng Tám 1945 bỗng diễn ra cái điều bất ngờ là ông không những không kiên trì tiếp tục các quan niệm cũ mà là tự phủ định nó, với một sự dứt khoát và quyết liệt như chưa từng thấy.
Sự phủ định phong trào Thơ mới và Thi nhân Việt Nam gián tiếp được bắt đầu ngay trong bút ký Dân khí miền Trung (Tiên phong, số 3; ngày 10/12/1945) khi Hoài Thanh viết: “Đoàn thể đã tái tạo chúng tôi và trong bầu không khí mới của giang sơn, chúng tôi, những nạn nhân của thời đại chữ “tôi” hay gọi là tội nhân cũng được - chúng tôi thấy rằng đời sống riêng của cá nhân không có nghĩa gì trong đời sống bao la của đoàn thể”.
Nhớ lại trước đó chỉ mới ba năm, trong Thi nhân Việt Nam, ở bài Mở đầu: Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh đã viết rất sâu và rất say về Thơ mới, cùng với sự cắt nghĩa ngọn nguồn Thơ mới - đó là sản phẩm của một cuộc giao lưu văn hóa Đông Tây: “Không thể xem phong trào Thơ mới là một chuyện lập dị do một bọn dốt nát bày ra để kiếm chỗ ngồi trong làng thơ. Nó là kết quả không thể không có của một cuộc biến thiên vĩ đại bắt đầu từ hồi nước ta sát nhập đế quốc Pháp, và xa hơn nữa, từ hồi Nguyễn - Trịnh phân tranh, lúc người Âu mới đến. Cái ngày người lái buôn phương Tây thứ nhất đặt chân lên xứ ta, người ấy đã đem theo cùng với hàng hóa phương Tây cái mầm sau này sẽ nảy nở thành Thơ mới”.
Tin tưởng vào các giá trị của Thơ mới, tìm đến tận nguồn của nó là mối giao lưu với phương Tây như là xu thế thời đại - cái điều Marx đã đúc kết một cách thiên tài trong Tuyên ngôn của đảng Cộng sản, Hoài Thanh đã đón nhận cái mới đến với lịch sử thơ ca Việt Nam và ghi nhận bước chuyển đột biến để thành “mới” của nó vào những năm ba mươi, trong xã hội thuộc địa. Nhận thức đó của Hoài Thanh dĩ nhiên là có sức thuyết phục. Bởi cách xác định nguyên cớ sâu xa của nó là sự xuất hiện của cái “tôi” như một bước chuyển mang ý nghĩa lạc quan của tiến bộ xã hội: “Ngày thứ nhất, - ai biết đích ngày nào, - chữ “tôi” xuất hiện trên thi đàn Việt Nam, nó thực bỡ ngỡ. Nó như lạc loài nơi đất khách. Bởi nó mang theo một quan niệm chưa từng thấy ở xứ này: quan niệm cá nhân. Xã hội Việt Nam từ xưa không có cá nhân. Chỉ có đoàn thể (...). Bởi vậy cho nên khi chữ “tôi” với cái nghĩa tuyệt đối của nó xuất hiện giữa thi đàn Việt Nam, bao nhiêu con mắt nhìn nó một cách khó chịu”.
Cố nhiên, với Hoài Thanh, ông không khó chịu. Ông đã đón nhận và hoan nghênh nó, rồi trở thành ca sĩ của nó.
Ở trích dẫn trên trong bài Dân khí miền Trung ta được gặp khái niệm đoàn thể. Hai lần Hoài Thanh nói đến chữ đoàn thể, khái niệm đã được ông dùng trong Thi nhân Việt Nam. Đoàn thể, được hiểu là cộng đồng, là cái “ta” trong đối lập với cá nhân. Nhưng nếu sự vùng dậy, sự nổi loạn, và khẳng định cá nhân làm nên cốt lõi tinh thần của một phong trào thơ sớm được gọi là Thơ mới, thì giờ đây, trong Dân khí miền Trung cái “tôi” đó bỗng trở thành nạn nhân, rồi tội nhân. Vậy là chỉ sau ba năm, Hoài Thanh đã làm một cuộc phủ định triệt để đến một trăm tám mươi độ những quan niệm nhân sinh và nghệ thuật của mình.
Lý do, bởi ở giữa đó đã diễn ra cuộc Cách mạng tháng Tám, cuộc cách mạng có ý nghĩa một cuộc đổi đời khiến cho cái cá nhân, cái “tôi” “không còn có nghĩa gì trong đời sống bao la của đoàn thể”.
Vậy là chữ đoàn thể ở đây vẫn ở trong nghĩa cộng đồng, trước hết là cộng đồng dân tộc, và các cộng đồng hẹp hơn, nhưng với nội hàm đã khác, không còn là sức ép, là sự đàn áp mà là sự cảm hóa, cải tạo, bao bọc và chở che cho cá nhân, cho cái “tôi” bỗng trở nên nhỏ bé, tội nghiệp.
Và như sau này ta thấy, Hoài Thanh còn trở đi trở lại nhiều lần ý nghĩa đổi đời này, đối với con người nói chung và văn chương nói riêng, khi văn chương không còn chỉ là nơi biểu hiện và khẳng định cái “tôi” riêng mà là bản hợp ca chung của nhân dân, của cách mạng; khi văn chương không còn là chỗ trốn đời mà trở thành vũ khí giúp đời.
Một cuộc cách mạng trong quan niệm về văn chương đã diễn ra ở một người vốn là chủ tướng của phái “vị nghệ thuật”, đã từng đón nhận và suy tôn cái “tôi”, đúng vào thời điểm Cách mạng tháng Tám.
Nhưng sự phủ định trực diện và gay gắt phong trào Thơ mới và gắn với nó là Thi nhân Việt Nam thì phải đến Nói chuyện thơ kháng chiến, năm 1951, mới chính thức được phát ngôn. Thơ mới rồi được gắn với “nhắm rớt”, “ngắm rớt”, “mộng rớt”, “buồn rớt”, “đạo rớt”... tức là những gì lỗi thời, phải vứt bỏ. Thơ mới còn được gắn với một mối nguy, một cái tội to hơn: “Những câu thơ buồn nản hay vẩn vơ cũng đều là bạn đồng minh của giặc”... Thơ mới, nó là “những vần thơ có tội, nó xui người ta buông tay cúi đầu, do đó làm yếu sức chúng ta, làm lợi cho giặc... Giặc chỉ có thể xây dựng cơ đồ của chúng trên phần bạc nhược của con người. Chúng ta có không dám làm người thì chúng nó mới có khả năng làm giặc”. Ta biết cái vạ, đi kèm với tội này còn dính với nhiều người khác như Quang Dũng với Tây Tiến, Hữu Loan với Màu tím hoa sim,... Không phải ai khác mà chính Hoài Thanh đã dành những lời bình như sau cho Tây Tiến:“nhất định là anh chiến sĩ Tây Tiến ấy đã nhìn bạn mình và nhìn mình qua bức màn ảo mộng”. Ông còn dẫn trích lời Tố Hữu, cho rằng Tây Tiến “đã mắc bệnh yêng hùng theo giọng hát tuồng cổ miền trong”.
Có thể nói sự phủ định Thi nhân Việt Nam ở Hoài Thanh là rất kiên định và kéo dài trên ba mươi năm, kể từ Nói chuyện thơ kháng chiến. Nó được thể hiện gián tiếp trong bài Nhìn lại cuộc tranh luận về nghệ thuật hồi 1935 - 1936 đăng trên tập san Nghiên cứu văn học số 1/1960. Rồi trực tiếp trong bài Một vài ý kiến về phong trào Thơ mới và quyển “Thi nhân Việt Nam”, tháng 11/1964. Rồi sự trở lại cũng nội dung phê phán ấy trong bài Thêm một vài lời về quyển “Thi nhân Việt Nam, tháng 8/1977, khi ông đã về hưu và vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, do nỗi sợ lớp thanh niên mới ở miền Nam sau giải phóng, có thể vì Thơ mới mà nhiễm lối sống buông xuôi, lạc ra ngoài quỹ đạo cách mạng.
Vào năm 1977 này thái độ của ông vẫn rất kiên quyết không khác gì mấy chục năm về trước.
Cho đến năm 1982, khi Nhà xuất bản Văn học làm Tuyển tập Hoài Thanh, ông vẫn nhất quyết không chọn đưa vào Tuyển bài Một thời đại trong thi ca, vì thấy ở thời điểm ấy “vẫn chưa nên”.
Thế rồi một bất ngờ đã xảy ra và cái gì đến đã phải đến. Đó là những ngày trước khi ông mất trên giường bệnh, trong câu chuyện với người con trưởng là anh Từ Sơn: “Cha biết văn chương của cha cũng vầy vậy thôi. Nếu không có cuốn Thi nhân Việt Nam thì không chắc gì người ta đã công nhận cha thực sự là một nhà văn”...
Rõ ràng đối với chúng ta, không phải tất cả văn chương của Hoài Thanh chỉ là “vầy vậy”; nhưng phải nhờ đến chữ “vầy vậy” - cách nói thường ngày của Hoài Thanh - để khẳng định giá trị văn chương nổi trội của Thi nhân Việt Nam mà tác giả của nó vốn là người đã nói câu nói: “Văn chương là văn chương”, đã chủ trương nghệ thuật và phê bình nghệ thuật là đi tìm cái Đẹp. Người có lẽ đã bộc lộ mình rõ nhất trong Thi nhân Việt Nam cốt cách và phẩm chất của một nhà phê bình ưu tú; cũng phải có phẩm chất đó mới nhận thức và tổng kết được “một thời đại trong thi ca”.
Bình sinh, theo như tôi biết, Hoài Thanh là người nhũn nhặn, khiêm nhường. Dường như ông rất sợ sự ồn ào, sự đao to búa lớn. (Cũng lạ, người như thế mà đã tham gia, đã “dấn thân” vào một cuộc tranh luận khá ồn ào; và trong cuộc ấy ông lại đã có một bài mang tên Một lời vu cáo đê hèn!). Trong Thi nhân Việt Nam ông cũng từng nói nỗi sợ có ai đó gọi mình là nhà phê bình: “Phê bình, nghe nó to chuyện quá!”. Nhưng ở câu nói vào tuổi bảy mươi ba, trước khi mất này, ông đã khẳng định lại cái điều ông đã từng theo đuổi để phủ định nó, suốt hơn ba mươi năm!
Một khẳng định trước khi mất. Và vào thời điểm năm 1982. Nghĩa là còn hơn bốn năm nữa mới khởi động công cuộc Đổi mới. Và mười năm sau, năm 1992, mới đến cuộc Hội thảo khoa học nhân năm mươi năm Thi nhân Việt Nam. Cuộc Hội thảo nhận lại giá trị một cuốn sách “chịu được thử thách của thời gian”, “một trong những cuốn sách quý của thế kỷ XX”, với tác giả của nó là nhà phê bình có uy tín nhất trong nền văn học Việt Nam hiện đại thế kỷ XX.
Vấn đề đặt ra ở đây là do đâu mà có sự đột biến, và diễn ra bước ngoặt trong quan niệm, trong thái độ của Hoài Thanh đối với Thi nhân Việt Nam? Đi vào những giải trình về nó chắc chắn ta sẽ tìm thấy những nguyên cớ và động lực đưa tới công cuộc đổi mới đất nước nói chung và đổi mới nhận thức văn học nói riêng trong bối cảnh đất nước và thời đại ngót hai thập niên cuối thế kỷ.
Cuốn sách Di bút và di cảo của Hoài Thanh do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1993 đã soi sáng một phần những chuyển động trong suy ngẫm của Hoài Thanh, và cho thấy đó chính là hệ quả tự nhiên của một người có rất nhiều quan tâm đến thời cuộc. Phần Di bút gồm 23 đoạn, trong đó ở đoạn đánh số 20, Hoài Thanh viết: “Phần lớn tập tùy bút này chắc là không được in và cũng không nên được in (...) Nhưng sao tôi vẫn cứ muốn viết. Có những điều không viết ra thì thấy bứt rứt không chịu được”. Cố nhiên sự cân nhắc của Hoài Thanh là thích hợp với tính cẩn trọng của ông cùng bối cảnh xã hội trước và sau ngày ông qua dời. Việc công bố Di bút của ông vào năm 1993, hơn mười năm sau ngày ông mất, khi công cuộc Đổi mới diễn ra đã trên năm năm lại là cần thiết để giúp hiểu thêm “cuộc đời của Hoài Thanh cùng với các suy nghĩ của ông về đất nước, về sự nghiệp cách mạng, về nghệ thuật, về vũ trụ, nhân sinh... và về thời đại ông đã sống. Lời để lại của một con người trước khi vĩnh biệt cuộc đời bao giờ cũng thiêng liêng và chân thật”. Như vậy là, ở đây, trong tư cách nhà phê bình, qua trải nghiệm của bản thân, Hoài Thanh cũng đã làm cái việc tiên báo mà giới sáng tác cũng có người đã tiên báo vào những năm tám mươi. Điều khiến ta bâng khuâng là ông đã không sống thêm được cho đến ngày khai mạc công cuộc đổi mới để nhận lại đứa con tinh thần được vẹn nguyên trở về trong sự tiếp nhận của nhiều thế hệ bạn đọc