Nhà thơ không chủ định Nguyễn Ái Quốc

Nguyễn Ái Quốc từng nói đã học L. Tolstoy cách viết văn và việc vận dụng cách viết của Tolstoy đã đem lại thành công đầu tiên ở truyện ngắn Pari, được đăng báo khiến Nguyễn rất vui.
nhat-ky-trong-tu1-1725677612.jpg
Nhật ký trong tù được viết khi tác giả ở tuổi ngoài năm mươi. Ảnh: Internet

Nhưng việc thực hiện nguyện vọng viết, ở tư cách nhà văn, với chủ định làm văn chương, ông chưa có hoàn cảnh thực hiện. Vào đời viết bằng việc làm tờ Người cùng khổ (Le Paria), chuyện cấp bách nhất, cái Nguyễn Ái Quốc phải dốc tâm huyết và thời gian nhiều nhất để làm, là viết báo, viết những phóng sự, bút ký, tiểu phẩm nhằm lên án chủ nghĩa thực dân; và cuốn sách đầu tiên có tên Bản án chế độ thực dân Pháp là tổng hợp sức mạnh của báo chí, nhằm thức tỉnh thế giới thuộc địa, và cảnh tỉnh những người chính quốc, do ngây thơ, hoặc do bị bưng bít mà không hiểu được thực chất vấn đề thuộc địa.

Giới báo chí, người làm báo Việt Nam có thể tự hào về người khai sinh báo chí cách mạng Việt Nam là Nguyễn Ái Quốc, là Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. Người làm báo có thể có thêm niềm tự hào, và rút ra bao bài học quý báu, khi trong sự nghiệp báo chí đó, Nguyễn Ái Quốc đã triệt để huy động ưu thế của văn học để cho ra đời những trang văn đầy sức mạnh của hình ảnh và sự truyền cảm. 

Cũng từ những năm hai mươi, Nguyễn Ái Quốc đã có làm thơ, nhưng chưa phải thơ của một nhà thơ, mà là thơ của nhà cách mạng. Và thật ra không phải là thơ mà chỉ là cách nói vần vè, hoặc thơ điểm xuyết vào văn để thực hiện nhiệm vụ báo chí cách mạng. Đó là thơ theo kiểu Việt Nam yêu cầu ca, để diễn ra tiếng ta, trong cách nói vần vè, nội dung tám yêu sách Nguyễn Ái Quốc nêu ở Hội nghị Vecxây. Và thơ, như trong tờ truyền đơn cổ động cho báo Việt Nam hồn, Nguyễn Ái Quốc có dự định làm bằng tiếng Việt cùng với tờ Le Paria cho đồng bào đọc: “Cũng vì nghĩ thế. Tôi muốn làm ra. Một báo tiếng ta. Cho đồng bào đọc”. Cũng như vậy là những câu lục bát mở đầu các chương trong Nhật ký chìm tàu. 

Loại thơ này Nguyễn Ái Quốc có dịp trở lại vào đầu những năm bốn mươi, khi về nước, sau ba mươi năm xa quê hương xứ sở. Cùng với diễn ca Lịch sử nước ta (1941) gồm trên hai trăm câu, với mở đầu: “Dân ta phải biết sử ta...”, và kết thúc với tiên đoán: “Việt Nam độc lập - 1945”, Nguyễn Ái Quốc còn làm dồn dập hàng mấy chục bài, mà ngay tên gọi như Ca sợi chỉ, Nhóm lửa, Con cáo và tổ ong... đã thể hiện rõ mục đích, nội dung là nhằm tuyên truyền cách mạng, cổ động cho phong trào Việt Minh, đưa quần chúng xốc tới cao trào khởi nghĩa. 

Đây là loại thơ mà người làm ra nó không nghĩ đó là thơ. Không phải là thơ phô bày cảm xúc tâm tình, hoặc những nghĩ suy về thế sự, mà là thơ nhằm trực tiếp trò chuyện với quần chúng đông đảo về những gì bức thiết nhất; và là quần chúng còn trong tình trạng tối tăm và đói khổ cùng cực, sau gần một thế kỷ dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân. Tuôn chảy và có lúc gấp gáp vào đầu những năm bốn mươi, trong mấy chục bài ca Việt Minh, và sau này, khi đất nước được độc lập, nó trở nên bình thản, hiền hòa, lúc ấm áp, lúc trang trọng, trong dạng thơ Xuân, thơ chúc Tết, thơ vào những dịp quan trọng, thơ gửi các giới đồng bào. Phần thơ này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một nguồn vui, một nếp quen, một nỗi chờ đợi trong sự tiếp nhận và cảm thụ của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. 

1-3-1725677611.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Internet

Như vậy, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã viết trong suốt cuộc đời mình, đã viết đủ loại văn, và bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài. Nhưng chưa bao giờ ông lấy viết làm một sự nghiệp - cho dù là báo, là văn, là thơ. Lẽ tự nhiên Hồ Chí Minh không xem mình là nhà báo, nhà văn, nhà thơ. Ông chỉ nhận vào mình nhà cách mạng. Thế nhưng rồi có lúc, bất ngờ, không có chủ định, không chuẩn bị, Hồ Chí Minh đã bộc lộ mình là nghệ sĩ. Ấy là khi tác giả viết Nhật ký trong tù ở tuổi ngoài năm mươi, với trên một trăm ba mươi bài thơ, làm trong mười bốn tháng bị giam cầm, bị giải tới giải lui trên mấy chục nhà lao của Tưởng ở Quảng Tây. Những bài thơ nói cảnh các nhà giam, nói quang cảnh làng mạc, thiên nhiên trên con đường của tù nhân, nói sinh hoạt và nỗi khổ của người tù... Tất cả như một cuốn phim quay chậm, lặng lẽ, không hoặc ít có thuyết minh. Tất cả bình thường, dung dị, và trần trụi như sự sống.

Thế nhưng, thật sửng sốt, trước mắt ta, bỗng hiện ra chân dung Hồ Chí Minh, một hình ảnh về Hồ Chí Minh, một gương mặt tinh thần của Hồ Chí Minh... Ta hiểu con người đó đã gắn bó với dân, với nước thân thiết biết bao! Ta hiểu con người đó đã phải chịu những khổ hình như thế nào, đã buồn và mềm yếu, đã lạc quan và tin tưởng ra sao! Con người đó trong thơ cứ ẩn hiện, thấp thoáng, vừa như gần vừa như xa... Cùng với con người đó, ta đi suốt tập thơ, cho đến khi, với hình ảnh tác giả “ra tù tập leo núi” ta chợt thấy sâu xa và đúng biết bao cái nhận định của một bạn thơ nước ngoài: Qua Nhật ký trong tù, đã hiện ra, “một con người đặc biệt - nhà cách mạng, nhà chính trị, nhà thơ, mà cuộc đời của ông chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng không có tầm cao nào mà con người không vươn tới được”. 

Con người ấy, từ là Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất thành, rồi Nguyễn Ái Quốc, và biết bao tên gọi khác trong thân phận người dân nô lệ, đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã bận rộn cho đến hết tuổi 79, và tính đến những câu thơ cuối cùng tác giả làm, có dễ vẫn chưa phải là những câu nằm trong chủ định làm thơ. Thế mà đã có lúc bộc lộ mình như một nhà thơ đích thực. Nghịch lý tự nhiên mà thú vị: Đã có một hoàn cảnh không thơ tí nào - hoàn cảnh tù với mọi nỗi khổ cực và đau đớn hành hạ, với cái chết đe dọa, cho đến khi ra tù, gần như kiệt sức, mắt mờ, chân liệt... lại đã cho ra đời dồn dập hàng trăm bài thơ, trong đó có hàng chục bài thơ rất hay. Một nghịch lý tự nhiên nữa: Cái hoàn cảnh tù đã cho ra đời những bài thơ có chất thơ thực sự, mà tác giả - người làm thơ vẫn không nghĩ, không tự nhận mình là nhà thơ. Hồ Chí Minh đã làm hết bài này qua bài khác, và rồi lại quên ngay. Sau khi ra tù, bao việc lớn dồn dập, ông không còn có lúc nào làm thơ, nghĩ đến thơ đã đành; mà ngay những gì đã được viết ra cũng bị thất lạc. Mười bốn tháng trong tù đã cho ra đời 133 bài thơ, để rồi hơn mười tám năm sau, tập Thơ mới đến được với công chúng đông đảo.

GS. Phong Lê