
Bàn về tục lệ đáng yêu của ngày tết, kể chuyện Hái lộc, Thạch Lam cho thấy “đó là một tục lệ xinh đẹp và ngây thơ làm tươi thắm linh hồn và khiến cho chúng ta trẻ lại”. Nhưng khi nghĩ về Bánh chưng, Thạch Lam lại không quên động đến một nỗi thương tâm: “Nhưng còn bao nhiêu người nghèo, kiếm gạo ăn cũng chưa đủ? Còn bao nhiêu kẻ khốn khó lang thang trên lề đường của thành phố, mà những tiếng kêu xin thảm đạm nổi lên vào các buổi chiều? Họ ăn tết ở đâu? Về ở đâu?” (Ngày nay, số 149; 15-2-1939). Tập ký Hà Nội băm sáu phố phường, cho ta thấy biết bao chăm chút trân trọng của Thạch Lam trước cái đẹp được ẩn giấu và lưu giữ ở những sinh hoạt và sản phẩm bình thường của Hà Nội “nghìn năm văn vật”, khi Thạch Lam bàn về các tên phố xá, biển hàng, các món ăn thanh đạm hoặc đặc sản, các hàng quà rong, các loại quà chỉ Hà Nội mới có, hoặc chỉ của Hà Nội mới quý. Rồi phở (sao mà bỏ sót được!), mà công khám phá đầu tiên có lẽ là của Thạch Lam, để sau này Nguyễn Tuân tiếp tục - “thứ quà thật đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng ở Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon. Đó là thứ quà suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa và phở tối”... Và cũng biết bao là trân trọng đến như thành kính, thiêng liêng trong những dòng về cốm. Với Thạch Lam, nó là “thứ quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam. Ai đã nghĩ đầu tiên dùng cốm để làm quà sêu tết? Không còn gì hợp hơn với sự vương vít của tơ hồng, thức quà trong sạch, trung thành như các việc lễ nghi. Hồng cốm tốt đôi!”.
Khó mà nản mỏi khi cùng Thạch Lam đi sâu mãi vào những vẻ đẹp ấy. Và do vậy, khó mà vui, mà yên tâm được, khi nhìn lại hôm nay, thấy tiếc, thấy xót cho biết bao vị quyến rũ, vẻ đẹp thanh lịch nghìn năm của Hà Nội đã và đang bị mòn đi, mất đi theo thời gian.
Có lẽ không thể không dành vài lời về đặc sắc của câu văn Thạch Lam. Đó là một lối văn nhuần nhị, tinh tế, gọn và gợi được thật là rành rõ những trạng thái của sinh hoạt, xúc cảm và tâm hồn. “Có những ngày mà tự nhiên, không hiểu tại sao, ta thấy khó chịu và hay gắt gỏng, không muốn làm việc gì” - và đó là nguyên cớ gây ra “một cơn giận”, để rồi, từ cơn giận mà diễn biến một quá trình tâm lý đi tới sự sám hối. Tình yêu bước vào hôn nhân với những khó khăn về sinh kế, đối với cặp vợ chồng Trường, Trinh trong Ngày mới: “Cuộc đời bây giờ đối với chàng khe khắt và nhọc quá!” “Một mối cảm động êm đềm và phiền phức” đến với ông bố - người chồng trẻ khi “đứa con đầu lòng” ra đời, làm thay đổi khí hậu gia đình: “Nhìn đứa trẻ ngây thơ trong lòng mẹ, Tâm cảm thấy lần đầu tiên cái thiêng liêng sâu xa của sự sống và nhận thấy cái bé nhỏ hèn mọn hàng ngày nó phá hoại cuộc đời”. Tình yêu hay một cái gì tương tự trong buổi chia tay giữa chàng trai ra tỉnh và cô bạn láng giềng ở quê: “Có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây khiến chàng vương phải”. Rồi, những rung động đến với con người “khẽ như một cánh bướm non”...

Văn Thạch Lam không nặng vì những chữ dùng to tát, hoặc những cấu trúc gấp gáp, vội vàng. Câu chữ chỉ cần đủ cho phô diễn và ôm sát những cảnh ngộ hoặc tâm trạng cần phô diễn. Có lúc, sự diễn tả vượt ra ngoài câu - chữ, vì sức gợi mở và khả năng khơi sâu vào cảm giác, vừa cho ta nhìn, vừa cho ta cảm; và cái sức biểu cảm này mới thật sự đòi hỏi bản lĩnh nghệ sĩ. Đó là cái cảm giác mát lạnh trùm lên hai vai, khi người bộ hành đi vào rặng tre... Cái gánh hàng trên vai “Cô hàng xén” xinh đẹp, lúc còn son rỗi, nhẹ hẳn đi khi cô thấy bóng cây đa và cái quán gạch đầu làng, lộ ra trong sương mù. Cũng gánh hàng ấy trở nên quá nặng trên đôi vai nhỏ bé khi cô đi lấy chồng. Cái cảm giác gió mùa đông đột ngột về, không báo trước, một sáng thức dậy, thấy ngại đặt chân xuống giường, với hơi ấm và ánh hồng của bếp lò và mùi áo quần cũ trong Gió đầu mùa gợi thật tài và rành rõ cái cảnh giao mùa của đồng bằng Bắc Bộ... Rồi cái tiếng trống thu không gọi chiều về, một buổi chiều, như bất cứ buổi chiều nào của miền quê, trong Hai đứa trẻ...
Nếu Tự lực văn đoàn đã có công đóng góp cho sự phát triển của câu văn tiếng Việt theo hướng hiện đại, từ khởi điểm 1932, sau bước ngoặt từ Nho phong, Người quay tơ đến Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, thì Thạch Lam, theo tôi là người giữ được, bảo tồn được tính hiện đại ấy cho đến hôm nay. Nói giữ được, vì sau cái công mở đầu, văn Tự lực văn đoàn nói chung đi vào hướng sang trọng, xa lạ, kiểu cách và nhanh chóng lạc hậu dần trước sự phát triển của văn xuôi hiện thực. Và cho đến hôm nay thì có thể nói, gần như số lớn thứ văn chương đó đã có thể đi vào bảo tàng. Trong khi đó, câu văn Thạch Lam, ở những truyện tiêu biểu vẫn cứ là mềm mại, uyển chuyển, giàu hình ảnh, nhạc điệu mà không mất đi vẻ giản dị, tinh gọn, không thừa thãi lời chữ, không làm duyên làm dáng một cách uốn éo, cầu kỳ. Nửa thế kỷ đã qua mà đọc truyện Thạch Lam, cảm về câu văn Thạch Lam, tôi thấy cứ như là câu văn của hôm nay; và tôi còn dám chắc, chưa hẳn đã có nhiều người viết hiện nay, với số trang ít ỏi, lại nêu được ngần ấy vẻ đẹp chứa trong cốt truyện ấy, tình cảm ấy, tâm trạng ấy, tâm hồn ấy, câu văn ấy của những Nhà mẹ Lê, Cô hàng xén, Tối ba mươi, Hai chị em, Hai lần chết...