Thạch Lam: Một tâm hồn văn chương lặng lẽ nhưng sâu thẳm của Tự lực văn đoàn (Phần 2)

Những “khoảng tối” và sức gợi của nó, thường trở đi trở lại nhiều lần trên văn Thạch Lam. Có phải đây là một cách nhìn cuộc sống có hơi bị? Cái đó chưa chắc chắn lắm! Thật chưa dễ dứt khoát khẳng định điều này, khi cái không khí “vui vẻ trẻ trung” không phải là không còn để sót ít nhiều dư vị. Nhưng ở những trang hay, những truyện hay của Thạch Lam, chưa bao giờ tôi thấy có một kết thúc “lạc quan”, theo hướng bôi hồng.
42-1747906612.jpg
Thế giới của Thạch Lam ngập trong mảng tối: đường làng lặng lẽ, bóng tre chìm dần khi đêm xuống. Ảnh: Internet

Thạch Lam nhìn sâu vào cuộc sống ở các mặt khuất của nó và do vậy mà ít có ánh sáng, mà làm ta bồi hồi hoặc khắc khoải lo âu. Những mảng tối trên đường làng mấp mô chân trâu, dưới bóng những rặng tre sẫm đen dần khi đêm xuống, trên con đường về nhà của “cô hàng xén”. Những khoảng tối trên đường phố huyện dưới ánh sáng le lói và cách quãng của những ngọn đèn dầu. Và những khoảng tối trong đêm giao thừa như tràn ngập cả dãy phố hẻm có ngôi nhà xăm, chỉ còn hai phụ nữ, hai chị em là Liên và Huệ trong Tối ba mươi. Nếu cái buồn, những nỗi niềm hắt hiu, xao xác như chan hòa trên các trang Cô hàng xén, Hai đứa trẻ thì ở Tối ba mươi lại là cả một nỗi quặn thắt của những giọt nước mắt muốn nén lại nhưng vẫn không thể lặn vào trong của chính nhân vật và cũng là của Thạch Lam, và rồi là của chúng ta. Cái “tối ba mươi” đen kịt đó, nơi cái nhà xăm giữa Hà Nội đã hết khách đó, chỉ còn lại hai cô con gái, với tràn ngập cả một nỗi niềm tha hương, hồi nhớ lại quá khứ tổ tiên, ông bà, hồi nhớ lại những ngày thanh sạch, thơ trẻ. Bao chi tiết như được huy động nhằm đắp nổi lên hình hài căn gác tồi tàn, bẩn thỉu... để đối lập với cái giây phút nghiêm trang nhất của một năm đang nhích dần lại, của cái khắc năm cùng tháng tận, nó đòi hỏi, nó gợi thức con người biết bao là nỗi niềm: từ cái lư hương được chọn (ở nhà xăm làm gì có bàn thờ tổ tiên, để mà có lư hương), nó là cái cốc bẩn thỉu đến khách làng chơi cũng không thèm dùng, đến lời chúc năm mới (biết chúc gì?) của bác bồi xăm khi giao chùm chìa khóa cho hai chị em, rồi lời khấn tổ tiên (khấn ra sao?) của hai chị em khi giờ giao thừa điểm... Bao chi tiết chứng tỏ một sự từng trải và thông cảm của Thạch Lam. Những chi tiết không thể nói ra, hoặc có nhỡ buột nói ra, thì như bị chặn lại ở cổ, để thành một sự im lặng nửa vời, ăn năn hoặc tủi hổ mà lại có sức chứa biết bao điều cần nói. Để từ khung cảnh đó, thời điểm đó mà làm hiện lên gương mặt và tâm trạng hai con người bị nhấn chìm xuống tận đáy sự bần hàn về nhân cách nhưng vẫn cứ le lói bao khoảng sáng của tâm người, tình người.

Nhân vật Thạch Lam, trong những truyện ngắn hay nhất như đã kể trên đều có cảnh ngộ, có tâm trạng và tính cách điển hình. Bên cạnh thế giới phụ nữ và trẻ em, còn phải kể đến những ông chủ gia đình, những ông bố là đồ nho thất thế, lạc lõng, không vui với thời cuộc, sống dựa vào sự tần tảo của vợ con, không dám quyết bất cứ điều gì, suốt ngày ngồi bên cái ống điếu, ra dáng nghĩ ngợi, nhưng thật ra là không nghĩ gì... Đó là một hình ảnh bổ sung để hoàn chỉnh bức tranh sinh hoạt một thời, trong giao lưu và giao tranh mới - cũ. Cái hình ảnh những ông đồ thất thế, trong Cô hàng xén, Hai lần chết và tiểu thuyết Ngày mới chỉ thấp thoáng mà gợi cho ta một nỗi u hoài về thời cuộc, về một quá khứ chưa thật xa nhưng cứ thăm thẳm mất hút, không còn chút vang bóng.

Cũng không thể không nhắc đến nhân vật “tôi”, là tác giả được hóa thân khi thì trong đám trẻ của Gió lạnh đầu mùa, khi thì anh học sinh nghỉ trọ, anh thanh niên đi tìm việc, hoặc anh công chức về thăm quê. Đấy là loại nhân vật, tuy có khoảng cách, nhưng không thật cách bức với người lao động, có tấm lòng thương yêu, trân trọng và hiểu cái khổ của sự túng nghèo. Một sự túng nghèo có lúc dồn con người lao động vào thảm trạng của cái chết; và đối với người trí thức, cũng là nguyên cớ gây cho họ bao eo xèo, phiền muộn, khiến nhân cách trở nên hèn mọn. Nhưng với Thạch Lam, cũng vẫn chỉ là sự túng nghèo và ở cảnh nghèo, con người mới biết đến cái đáng giá nhất ở cuộc đời là lòng trắc ẩn, tình thương yêu, là sự trong sạch và cao thượng. Nhân vật chính của Ngày mới là Trường chê trách một người bạn giàu hợm của và muốn tỏ ra đứng cao hơn anh ta, ở cái nhận xét này: “Chàng nghĩ rằng những người như Quang chỉ có một cái của quý nhất là sự nghèo nàn, của quý ấy, bây giờ Quang đã đánh mất rồi. Anh ta đã trở nên giàu”.

Nhân vật trí thức kiểu Thạch Lam không chịu được cái ác. Nếu có lúc gây ra điều ác, thì sớm biết ân hận, như trong Một cơn giận. Hoặc khi cái ác, hay cụ thể hơn, sự bội bạc, ích kỷ chi phối như tính cách chàng trai được ăn học và lấy vợ giàu mà trở nên khá giả, đánh ô tô về thăm nhà trong Trở về, thì thái độ của người viết rõ là một thái độ không đồng tình và chê trách. Nhưng vẫn là một cách chê trách kiểu Thạch Lam, không ồn ào, không nặng lời mà thâm trầm, thấm thía. Trong hơi văn dừng dưng, lãnh đạm của sự trần thuật, ta cảm nhận một sự phẫn nộ im lặng, hay sự im lặng của phẫn nộ: “Tâm nhận thấy ở thôn quê người ta không thay đổi mấy và tính tình vẫn giữ được y nguyên. Nhưng chàng thì chàng thay đổi khác rồi. Những kỷ niệm cũ đối với chàng bây giờ thành ra trẻ con và vô nghĩa lý. Tâm không thấy có sự tha thiết giữa chàng và cảnh cũ nữa.

Bây giờ chàng không khi nào có cái ý tưởng điên rồ đi lấy một cô gái quê như Trinh để sống một cuộc đời tối tăm nghèo khổ. Cái đời ở thôn quê với cái đời chàng chắc chắn giàu sang không có gì liên lạc với nhau cả”. Có thể nói như một người phê bình đương thời: “ông đem hết tâm hồn ra để ghét nhưng chỉ lãnh đạm nói đến họ”. Nhưng rồi, cả sự lãnh đạm và ghét giận ở tác giả sẽ bung ra trong đoạn kết truyện, khi Thạch Lam đặc tả cái cảnh đứa con phóng ô tô ra tỉnh như chạy trốn, để lại sau xe đám bụi mù phả vào mặt người mẹ và cô gái đứng ngơ ngác bên đường và ngẩn ngơ nhìn theo. Rồi, có thể như là một cách phản ứng ngược lại với Trở về, Thạch Lam viết Dưới bóng hoàng lan, cũng kể chuyện một chàng trai làm ở tỉnh về thăm quê. Nhưng cảnh quê ở đây, với ngôi nhà tĩnh lặng, với khu vườn râm mát, phảng phất hương hoa ngọc lan thật đậm tình người: tình bà cháu, tình trai gái, bè bạn, tình quê. Soi vào đấy, đối chiếu với hiện thực thấy có phần thơ mộng, nhưng theo tôi đấy là một hương vị thơ mộng không tiêu cực, nó mong muốn cho sự thủy chung và gợi thức ở ta tình người và niềm vui sống.

cay-ngoc-lan-1-1747906865.jpg
“Dưới Bóng Hoàng Lan” – không gian thơ mộng dịu dàng, mang hương vị nhân hậu và niềm hy vọng về tình người. Ảnh: Internet

Văn phái Tự lực văn đoàn đóng góp vào sự phát triển của văn xuôi Việt Nam những năm ba mươi, trước hết là tiểu thuyết, thuộc nhiều loại: trinh thám, lãng mạn, luận đề, tâm lý - xã hội.

Là thành viên của Tự lực văn đoàn, Thạch Lam cũng viết tiểu thuyết, nhưng chỉ với một cuốn duy nhất: Ngày mới. Trên mục Theo dòng của báo Ngày nay, Thạch Lam dành nhiều kỳ bàn về tiểu thuyết, là thể loại, theo ông, xuất hiện cùng với nhu cầu tìm hiểu và chiêm nghiệm thế giới bên trong con người; là thể loại hướng vào sự phân tích và phô diễn các trạng thái tâm hồn của con người. Tiểu thuyết “giúp cho đời sống bên trong được dồi dào, sâu sắc thêm”...“Người đọc tiểu thuyết là một người đọc yên lặng, hay nghĩ ngợi, suy xét và tìm trong tâm lý các nhân vật của truyện những tư tưởng và ý nghĩ của chính mình”

Đây là những quan niệm mới về tiểu thuyết, nhằm đưa dần nền văn xuôi quốc ngữ Việt Nam thoát ra khỏi sự khô cứng của luân lý, đạo lý, của văn chương giáo huấn và tải đạo mà hòa nhập vào nền văn xuôi thế giới hiện đại. Thần tượng mới về tiểu thuyết được Thạch Lam sùng bái là các nền tiểu thuyết Pháp, Anh, Nga, trong đó ông đặc biệt ca ngợi tên tuổi các tiểu thuyết gia Anh và Nga. Với tiểu thuyết Nga, đó là Lev Tolstoy và Dostoyevsky, nhất là Dostoyevsky, người mà theo Thạch Lam, “có lẽ là nhà viết tiểu thuyết có giá trị nhất của thế kỷ và trên hoàn cầu”.

Nhưng yêu cầu đối với tiểu thuyết và nhận thức về khả năng của tiểu thuyết, nếu chỉ giới hạn trong khuôn khổ như vậy thì còn hẹp, thậm chí là quá hẹp. Bên cạnh việc đi sâu vào thế giới bên trong con người, tiểu thuyết còn là cả một bức tranh đời rộng rãi - một tấn trò đời, với những ba động hoặc xung đột xã hội, với những tính cách và số phận con người như là sản phẩm, là hiện thân, là phát ngôn cho xã hội. Nếu chỉ hướng tới đời sống bên trong với những phân tích và cảm nhận về tâm hồn, tình cảm con người thì chỉ là một mặt và cũng chưa dễ đem lại một sức hấp dẫn đặc biệt. Có lẽ do bị giới hạn trong quan niệm ấy, nên tiểu thuyết Ngày mới của Thạch Lam không gây được chú ý trong hàng loạt tiểu thuyết với rất nhiều xu hướng, làm thành bộ mặt văn xuôi Việt Nam trong giai đoạn chuyển biến quan trọng những năm ba mươi.

GS. Phong Lê