Sự nghiệp bảo vệ tổ quốc Việt Nam từ sau năm 1975 đến hiện nay (Phần 1)

Lương Đàm
Sau ngày thắng lợi lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không lâu, tháng 9 năm 1977, quân Khmer Đỏ lúc này đang cầm quyền ở Campuchia với chế độ diệt chủng đã tiến hành khiêu khích Việt Nam.
bien-gioi-tay-nam-8927-1546853761-1705934491.jpg
Các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnôm Pênh. Ảnh: TTXVN.

Ở biên giới Tây Nam, chúng mở các cuộc hành quân lớn đánh vào An Giang và Tây Ninh, phá làng mạc, tàn sát thường dân vô tội. Đó là những vùng đất mà chúng cho là bị Việt Nam lấn chiếm. Với thiện chí hòa bình, Việt Nam đã chủ trương giải quyết vấn đề xung đột biên giới với Campuchia bằng giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, Khmer Đỏ vẫn không từ bỏ dã tâm xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam, tiếp tục tấn công lớn đánh chiếm những làng xã phía tây tỉnh Tây Ninh dọc theo tỉnh lộ 13. Trước tình hình đó, Việt Nam buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Đầu tháng 12 năm 1977, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực của Việt Nam đứng chân trên địa bàn được sự hỗ trợ, phục vụ của các lực lượng dân công, thanh niên xung phong, nhân dân địa phương đã phản công tại các địa bàn bị quân Khmer Đỏ chiếm giữ và đẩy lui chúng về bên kia biên giới. Sau đó, Việt Nam tiếp tục đề nghị một giải pháp ngoại giao hòa bình nhằm thiết lập vùng phi quân sự dọc biên giới Việt Nam - Campuchia.

Nhưng, nhà cầm quyền Khmer Đỏ từ chối và tiếp tục phát động cuộc chiến tranh, điều các sư đoàn chủ lực và một số trung đoàn địa phương liên tục tấn công vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Trong các đợt tấn công, Khmer Đỏ đã thực hiện sách lược diệt chủng đối với người Việt, như đã làm với dân tộc Campuchia. Với thế trận và lực lượng của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, lực lượng vũ trang và nhân dân ta ở địa bàn biên giới Tây Nam đã chống trả quyết liệt và đã kìm bước tiến, đồng thời tiêu hao sinh lực của địch. Các hướng tiến quân của Khmer Đỏ bị chặn lại và không thể phát triển được. Tới đầu tháng 12 năm 1977, quân và dân ta đã đẩy lùi toàn bộ quân Khmer Đỏ về bên kia biên giới.

07012021-mt1-1705934548.jpg
Người dân Campuchia đứng hai bên đường vẫy chào, chia tay quân tình nguyện Việt Nam về nước. Ảnh tư liệu: TTXVN

Nhằm giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, đáp lại lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Giải phóng Campuchia, lực lượng quân tình nguyện Việt Nam đã sang giúp đỡ lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia. Ngày 7 tháng 1 năm 1979, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng. Ngày 8 tháng 1 năm 1979, Hội đồng Nhân dân Cách mạng Campuchia được thành lập, chấm dứt chế độ Khmer Đỏ diệt chủng ở Campuchia.

Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ở biên giới Tây Nam kết thúc thắng lợi. Mặc dù cuộc chiến tranh có quy mô không lớn, mới chỉ diễn ra ở địa bàn một số tỉnh biên giới Tây Nam, song cũng mang đầy đủ tính chất của cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc chống quân xâm lược. Đó cũng là một trong những động thái quan trọng về xử lý quyết đoán vấn đề chiến tranh và hòa bình trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cùng thời gian với cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, nhân dân Việt Nam còn phải tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở biên giới phía Bắc. Từ tháng 10 năm 1978 cho đến ngày 15 tháng 2 năm 1979, đối phương thực hiện hàng loạt vụ tấn công thăm dò các vị trí phòng thủ của ta với mục đích thu thập thông tin tình báo, đe dọa Việt Nam. Tiếp theo, từ ngày 17 tháng 2 năm 1979, đối phương sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn cùng nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không, với khoảng trên 60 vạn binh sĩ, 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối tiến công xâm lược nước ta trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.

Ngay trong thời gian đầu của chiến tranh, với thế trận và lực lượng của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, dân quân và bộ đội địa phương các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam đã chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt và ngăn chặn lực lượng đối phương. Nhằm huy động sức mạnh của cả nước cho cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, ngày 5 tháng 3 năm 1979, thực hiện Nghị quyết số 466 NQ/TVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổng động viên, Chủ tịch nước đã ký Lệnh Công bố Tổng động viên cả nước.

Cùng thời gian đó, trước những thất bại nặng nề về quân sự và ngoại giao, đối phương buộc phải tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam. Ngày 17 tháng 3 năm 1979, thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố sẽ cho phép họ rút quân. Ngày 18 tháng 3 năm 1979, đối phương hoàn tất việc rút quân khỏi Việt Nam, cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến