Phương thức tiến hành chiến tranh (Phần 1)

Lương Đàm
Phương thức tiến hành chiến tranh là tổng hợp mọi hình thức, cách thức, phương pháp, thủ đoạn hoạt động của thể chế chính trị và đất nước nhằm đạt mục đích chính trị khi tham chiến. Đây là vấn đề lý luận - thực tiễn có tầm quan trọng đặc biệt, nhất là đối với các quốc gia, dân tộc dễ bị rơi vào vòng xoáy của chiến tranh.
hthegioi1-1698159845.jpg
Binh sĩ Afghanistan (trái) và lính Mỹ phối hợp tấn công Taliban năm 2013. Ảnh: NYTimes

Trong thực tiễn chiến tranh, nhiều khi thất bại không phải do sai lầm về chính sách, xác định đối tượng tác chiến, mục tiêu nhiệm vụ tác chiến thiếu minh bạch hoặc do thiếu thốn lực lượng, vũ khí, trang bị kỹ thuật... mà là do không có phương thức tiến hành chiến tranh phù hợp.

Mặt khác, trong nghiên cứu, xem xét phương thức tiến hành chiến tranh thì phương thức đấu tranh vũ trang là nòng cốt căn bản nhất, song cần được tham chiếu với phương thức vận hành nền chính trị và kinh tế - xã hội trong điều kiện thời chiến.

Phương thức đấu tranh vũ trang

Xét về mặt không gian của đấu tranh vũ trang, đó là phương thức tác chiến đồng loạt và phương thức tác chiến chia cắt, thọc sâu. Tác chiến đồng loạt là đánh trên phạm vi không gian rộng lớn, có thể trên cả nước, với tất cả các mục tiêu chính. Tác chiến chia cắt, thọc sâu là đánh thẳng vào trung tâm, chia cắt thế bố trí chiến lược của đối phương, cô lập từng khu vực, giải quyết dứt điểm. Hai phương thức này được thực hiện trong sự kết hợp tùy tình hình cụ thể, song hiện nay thường ưu tiên cho tác chiến chia cắt, thọc sâu, nhằm hạn chế sự lan rộng của đấu tranh vũ trang sang các khu vực dân sự.

Xét về mặt thời gian của đấu tranh vũ trang, đó là phương thức tốc chiến và phương thức đánh lâu dài. Thông thường, bên tiến công cố gắng dùng phương thức tốc chiến, đánh nhanh, giải quyết nhanh nhằm hạn chế tổn thất và không cho đối phương có điều kiện ổn định, phản công.

Ngược lại, phương thức đánh lâu dài thường được các nước bị tiến công xâm lược thực hiện nhằm tiêu hao đối phương, đồng thời hạn chế tổn thất ban đầu và tranh thủ thời gian chuẩn bị, củng cố lực lượng để tiếp tục chiến tranh. Hiện nay, với sự có mặt của vũ khí công nghệ cao, xu hướng rút ngắn các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang ngày càng trở thành xu hướng chính.

Xét về mặt tính chất của đấu tranh vũ trang, đó là phương thức tác chiến đối xứng và phương thức tác chiến phi đối xứng, biểu đạt so sánh lực lượng các bên, nhất là về vũ khí trang bị trong chiến tranh. Nếu so sánh lực lượng tương đối cân bằng thì phương thức tác chiến đối xứng được thực hiện; nếu so sánh lực lượng chênh lệch quá lớn thì phương thức tác chiến phi đối xứng được thực hiện. Phương thức tác chiến phi đối xứng ngày càng trở thành phương thức chủ đạo trong các cuộc chiến tranh hiện đại, nhất là với phía tiến hành chiến tranh xâm lược.

id5507828-gettyimages-1728300598-600x399-1698160040.jpg
Xe quân sự Israel ở gần biên giới với Dải Gaza, ngày 15/10. Ảnh: The Epoch Times

Xét về mặt sử dụng thực lực của đấu tranh vũ trang, có phương thức tác chiến tổng lực và phương thức tác chiến chuyên biệt. Tác chiến tổng lực là sử dụng toàn bộ sức mạnh có thể có để nhanh chóng đạt được mục đích chính trị, quân sự. Tác chiến chuyên biệt là xuất phát từ mục tiêu chính trị trực tiếp, yêu cầu tác chiến cụ thể, tình hình lực lượng quân sự cụ thể để vận dụng linh hoạt. Hiện nay, phương thức tác chiến chuyên biệt ngày càng được chú trọng thực thi trong thực tiễn chiến tranh, nhất là đối với các cường quốc đế quốc khi tấn công các quốc gia độc lập có chủ quyền nhưng không muốn sớm bị lộ mặt.

Phương thức vận hành nền chính trị thời chiến

Do bản chất của nó, nền chính trị thời chiến cũng vận hành theo những quy luật chung nhất, tuân thủ những vấn đề có tính nguyên tắc cơ bản của một nền chính trị. Tuy nhiên, nền chính trị thời chiến có nhiều nét đặc thù so với nền chính trị thời bình cả về tổ chức, cơ chế hoạt động và chức năng, nhiệm vụ. Bản chất và nguyên tắc cơ bản của nền chính trị chủ yếu là hướng vào phục vụ lợi ích của giai cấp cầm quyền, tuy có tính đến lợi ích của các giai cấp khác ở mức độ nhất định.

Song, nếu như nền chính trị thời bình chịu sự chi phối, tác động trực tiếp của quy luật xây dựng đất nước, mà tập trung ở quy luật phát triển kinh tế, thì nền chính trị thời chiến lại chịu sự chi phối, tác động trực tiếp của những quy luật chiến tranh, mà tập trung ở quy luật đấu tranh vũ trang.

Phương thức vận hành nền chính trị thời chiến xét đến cùng vẫn do đặc điểm và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước quy định. Song, khi chiến tranh xảy ra, nền chính trị thời chiến do chịu sự chi phối trực tiếp của các quy luật chiến tranh và đấu tranh vũ trang nên đặt ra đòi hỏi sự nỗ lực và tập trung mọi nguồn lực rất cao với cường độ lớn và thời gian khẩn trương của chính trị cho nhu cầu chiến tranh. Theo đó, phương thức, cơ chế vận hành và tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị trong thời chiến mang tính linh hoạt cao hơn, khẩn trương hơn, không có chỗ cho sự do dự, lừng chừng... khi cần ra những quyết sách chính trị kịp thời.

Tổ chức và hoạt động của nền chính trị thời chiến trước hết hướng mọi nỗ lực tập trung vào tiến hành chiến tranh chống kẻ thù, gìn giữ hòa bình, bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, với những chính trị gia có đầu óc chiến lược thực sự thì vận hành nền chính trị thời chiến còn phải tính đến sự tiếp tục nền chính trị như thế nào khi chiến tranh kết thúc. Do vậy, ngay trong bối cảnh chiến tranh, các quyết sách chính trị cũng cần tính đến sự lãnh đạo duy trì và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội... ở mức độ cho phép.

Đặc biệt, trong điều kiện chiến tranh, hoạt động chính trị đối ngoại là hết sức cần thiết để không những thu hút mọi sự ủng hộ và nguồn lực quốc tế phục vụ nhu cầu chiến tranh, mà còn chuẩn bị cho tái hòa nhập chính trường thế giới với tư thế một nền chính trị chính thống khi kết thúc chiến tranh.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến