Vì vậy, các quốc gia, dân tộc đều tìm cách huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; trong đó, quân đội được nhiều quốc gia khai thác, sử dụng như một nguồn lực quan trọng; sử dụng Quân đội tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự vừa đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước, vừa trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quân sự. Do đó, một số quốc gia như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc... đã giao cho quân đội thực hiện nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hoa Kỳ rất thành công với chiến lược phát triển đất nước, khi họ chuyển từ triết lý kinh doanh coi công nghệ là trung tâm sang triết lý kinh doanh lấy con người là trung tâm, ưu tiên phát triển con người về trình độ tri thức, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, động cơ lao động, năng lực cạnh tranh, tinh thần trách nhiệm... Trên cơ sở đó, Hoa Kỳ đã xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố tạo nên sự thành công của Hoa Kỳ về khả năng cạnh tranh đối với các nước phát triển khác. Do đó, Hoa Kỳ đã đặt trung tâm của hệ thống giáo dục vào bậc đại học (đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao). Bên cạnh nguồn nhân lực chất lượng cao, Hoa Kỳ cũng đặc biệt quan tâm đến đầu tư phát triển đào tạo nghề nghiệp. Sự thành công này do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng là Hoa Kỳ đã có quan niệm, nhận thức đúng về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Các nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy “Luật giáo dục bắt buộc không phải là nguyên nhân chính làm tăng số học sinh và số trường học vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX mà chủ yếu là do nhận thức của con người, của xã hội trước nhu cầu nguồn nhân lực đang tăng lên để phục vụ quá trình công nghiệp hoá”.
Để nhận thức biến thành hành động thực tiễn, đem lại kết quả cao cần phải được pháp luật hoá với hệ thống cơ chế, chính sách thiết thực nhằm tạo cơ sở pháp lý, điều kiện và môi trường thuận lợi để các chủ thể tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự và huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước cho phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là hệ thống cơ chế, chính sách và hệ thống các quy phạm pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi để quân đội Hoa Kỳ tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự cho đất nước. Quốc gia Hoa Kỳ sử dụng quân đội của mình tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự như một nguồn lực đặc biệt quan trọng của đất nước. Ngay từ những năm 50 của thế kỷ XX, quân đội Hoa Kỳ đã trực tiếp tham mưu cho Chính phủ nhiều vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực quốc gia; nhất là những nội dung liên quan mật thiết giữa nguồn nhân lực dân sự và nguồn nhân lực quân sự, về mối liên hệ và sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa nguồn nhân lực dân sự và nguồn nhân lực quân sự trong việc xây dựng nền quốc phòng vững mạnh, kế hoạch của quốc gia về nguồn nhân lực để đối phó với những tình huống khẩn cấp.
Nhiệm vụ chính của Quân đội Hoa Kỳ là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quân sự cho đất nước và quân đội các nước đồng minh; bên cạnh đó, quân đội Hoa Kỳ còn được giao nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự; tham mưu cho chính phủ và các cơ quan chức năng có liên quan giải quyết một số vấn đề như: Kiểm soát nguồn nhân lực, phân bổ nguồn nhân lực dân sự, nhu cầu nguồn nhân lực quân sự và kế hoạch quốc gia về nguồn nhân lực để đối phó với những tình huống khẩn cấp. Mục tiêu của đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước. Trong hệ thống nhà trường của Quân đội Hoa Kỳ tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự, Trường Quân sự West Point là một điển hình. Trường Quân sự West Point tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự với nhiều chuyên ngành quan trọng thuộc các lĩnh vực “Chính trị, xã hội, giáo dục, thám hiểm, văn học, nghệ thuật”.
Giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong số các trường đại học, cao đẳng ở Hoa Kỳ là Đại học Quốc phòng, nơi đào tạo các sĩ quan được bổ nhiệm cương vị chỉ huy, tham mưu và đối tượng dân sự thực hiện các nhiệm vụ quản lý hành chính cao cấp; thực hiện nhiệm vụ đào tạo các chuyên gia quân sự, dân sự trình độ cao về quản lý công nghệ truyền tin cũng như việc sử dụng tài nguyên thông tin quốc gia. Trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, thông tin truyền thông, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin ở Hoa Kỳ cũng đang trong tình trạng thiếu hụt, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia đầu ngành. Mặt khác, thời gian qua nhiều quốc gia đã sử dụng hệ thống internet để xâm nhập, tấn công phá huỷ và lấy cắp thông tin của các quốc gia khác. Thực trạng đó đã và đang đặt ra nhu cầu lớn về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao. Đáp ứng nhu cầu này, Trường Đại học Quốc phòng của Quân đội Hoa Kỳ đã đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quân sự và dân sự ngành công nghệ thông tin chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho quân đội và đất nước.
Hệ thống nhà trường luôn quan tâm đến chất lượng đào tạo, đặc biệt chú ý đến phương pháp tự học kết hợp với học ngoại khoá và chú trọng đến đời sống văn hoá, tinh thần của người học. “Thông qua các loại hình hoạt động này có thể bồi dưỡng nhân cách cho học viên, đồng thời rèn luyện ý chí, điều tiết áp lực học tập, giúp học viên phát triển toàn diện”.
Quân đội Hoa Kỳ cũng tích cực đẩy mạnh hợp tác, liên kết quốc tế về giáo dục và đào tạo; trong đó, ưu tiên là các đồng minh. Quân đội Hoa Kỳ không ngừng mở rộng ảnh hưởng của mình đến nhiều quốc gia trên thế giới, vì vậy hợp tác, liên kết về giáo dục và đào tạo với các nước được Hoa Kỳ quan tâm và tổ chức thực hiện rất hiệu quả. Ngoài ra, quân đội Hoa Kỳ còn tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự cho các nước đồng minh mà đối tượng chủ yếu là quan chức phục vụ trực tiếp yêu cầu xây dựng, phát triển ở các quốc gia đó. Trong nước, quân đội Hoa Kỳ đã đẩy mạnh hợp tác, giao lưu giữa hệ thống nhà trường Quân đội với hệ thống nhà trường dân sự trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm nâng cao khả năng, năng lực của các nhà trường Quân đội, nhất là tăng việc ứng dụng các thành tựu khoa học mới trong giáo dục và đào tạo trong hệ thống nhà trường Quân đội. Đồng thời, qua hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo ở trong và ngoài quân đội mà tăng cường sự gắn kết, liên kết, hợp tác, tận dụng năng lực ở các cơ sở đào tạo dân sự và quân sự trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục và đào tạo chung của quốc gia.