Nguồn gốc cuộc chiến tranh Pháp - Phổ (Phần 2 và hết)

Lương Đàm
Cùng với sự hình thành và phát triển đạo quân đông của nhà nước thì sự nhảy vọt của lực lượng sản xuất trong nền kinh tế công nghiệp và đặc biệt là mạng đường sắt vào cuối thế kỷ XIX đã tạo ra những đặc điểm mới trong nhận thức và giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình.
frenchfleet1870-1702313463.jpg
Hạm đội Pháp năm 1870. Ảnh: Wikipedia.

Quá trình phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật tạo nên sự thay đổi lớn cho phép rút ngắn thời gian chuẩn bị trước khi bước vào cuộc chiến tranh. Khoảng cách kể từ lúc tuyên bố chiến tranh cho tới khi các lực lượng chủ yếu của hai bên bước vào những trận giao chiến quyết định rất ngắn. Các bên tham chiến đều có thể từng bước rút ngắn thời gian tổng động viên, triển khai và tập trung quân đội với một thời gian ngắn hơn nhiều so với các cuộc chiến tranh trước kia.

Chính nhịp độ hoạt động chiến đấu nhanh hơn, thời gian bước vào những trận đánh lớn của các lực lượng chủ yếu được rút ngắn kể từ khi bắt đầu có chiến tranh đã khiến cho bên nào chủ động triển khai được trước đối phương thì có thể giành được những thắng lợi lớn về mặt chiến lược. Đối với vấn đề hòa bình cũng vậy. Khi thoát ra khỏi cuộc chiến, bên tham chiến nào có đủ tiềm lực kinh tế sẽ nắm lợi thế rõ ràng trong khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định xã hội và chính thể nhà nước.

Chiến tranh Pháp - Phổ là cuộc chiến tranh mà các động thái xử lý giữa chiến tranh và hòa bình theo xu thế nói trên chi phối lớn đến toàn bộ chiến cục. Chiến tranh Pháp - Phổ diễn ra từ ngày 19 tháng 7 năm 1870 đến ngày 10 tháng 5 năm 1871. Nguyên nhân trực tiếp xảy ra chiến tranh là vấn đề ngai vàng nước Tây Ban Nha khi vương triều Bourbon sụp đổ vào năm 1869, Nữ hoàng Tây Ban Nha phải chạy trốn sang Pháp. Người Tây Ban Nha muốn chọn vị hoàng thân Đức là Leopold kế vị, nhưng Pháp không chấp thuận vì ngại bị kẹt trong thế hai gọng kìm Phổ - Tây Ban Nha.

1024px-francoprussianwarfrontierjuly1870-1702313463.jpg
Bố trí quân Đức và Pháp gần biên giới ngày 31/7/1870. Ảnh: Wikipedia.

Lời qua tiếng lại trên bàn ngoại giao càng làm căng thẳng gia tăng ở cả hai phía. Pháp lớn tiếng đe dọa chiến tranh. Vua Phổ cương quyết bác bỏ Tối hậu thư của Pháp. Chính phủ Pháp nhanh chóng nhóm họp và tuyên bố tiến hành ngay tức khắc các biện pháp để bảo vệ quyền lợi, an ninh và danh dự của nước Pháp. Nước Pháp tổng động viên quân đội vào ngày 14 tháng 7 năm 1870, một ngày trước khi nước Phổ ban lệnh này, tuy nhiên quân Pháp không những tổng động viên chậm hơn quân Phổ mà còn rối loạn.

Thể theo các hiệp ước bí mật được ký với nước Phổ và theo đòi hỏi của dân chúng, các tiểu vương quốc Đức như Bavaria, Baden và Württemberg tổng động viên quân đội để tham chiến chống Pháp. Tầm nhìn xa trông rộng của Thủ tướng Phổ Bismarck đã mang lại lợi ích cho Phổ bởi khi tuyên chiến với nước Phổ, nước Pháp ở trong tình trạng chiến tranh với toàn thể dân tộc Đức. Thành thử, việc Napoleon III tuyên chiến với nước Phổ bị xem là một quyết định hoàn toàn sai lầm, ngu ngốc.

battle-mars-le-tour-large-1702313463.jpg
Kỵ binh thiết giáp thuộc trung đoàn 7 Phổ xung phong vào trận địa pháo của Pháp, ngày 16/8/1870. Ảnh: Wikipedia.

Nước Pháp bước vào chiến tranh trong điều kiện thua kém nước Phổ về mọi mặt. Trong khi đó, về đối nội, Chính phủ Pháp còn phải căng đầu ứng phó với nạn đói, dịch bệnh cùng những biến động chính trị hết sức phức tạp. Do vậy, sau hàng loạt chiến dịch và trận đánh, quân Đức tiến sát Pari và mở cuộc vây hãm kéo dài. Cuối cùng, Pari thất thủ, chính quyền Pháp phải đầu hàng vào ngày 28 tháng 1 năm 1871. Mười ngày trước đó, ngay tại cung điện Versailles, các tiểu vương quốc Đức đã tuyên bố hợp nhất thành Đế quốc Đức do nước Phổ làm minh chủ dưới sự trị vì của vua Phổ.

Đây là thắng lợi quyết định của Otto von Bismarck, Thủ tướng Đức, đánh dấu chiến thắng toàn diện về mặt chính trị của ông. Nước Đức thắng trận còn đủng đỉnh để mặc Chính phủ Pháp căng mình đối phó với Công xã Pari. Mãi đến ngày 10 tháng 5 năm 1871, Hiệp ước Frankfurt chấm dứt chiến tranh mới được ký kết giữa nước Đức trỗi dậy với nước Pháp thất trận với những điều khoản khắt khe áp đặt cho Pháp. Pháp phải đóng một khoản chiến phí khổng lồ, nhục nhã hơn là phải nhượng hai tỉnh Alsace và Lorraine cho Đức. Chiến thắng lớn lao trong cuộc chiến tranh này đưa Đế quốc Đức trở nên vô cùng hùng mạnh, phá vỡ hoàn toàn cán cân quyền lực ở châu Âu. Sự thảm bại của Pháp cũng đánh dấu sự sụp đổ của Napoleon III và Đệ nhị Đế chế để thay thế bằng Đệ tam Cộng hoà, chấm dứt chế độ quân chủ Pháp.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến