Đôi điều về chiến tranh và hòa bình trong thời trung đại (Phần 2)

Lương Đàm
Đối với phần lãnh thổ Trung Nguyên, Thành Cát Tư Hãn mở cuộc tranh chấp với Tây Hạ - vốn là quốc gia từng bắt người Mông Cổ phải phục tùng và nộp cống phẩm hằng năm. Ông đã chiếm được một số thành trì của Tây Hạ và đến năm 1209, hòa bình với Tây Hạ được ký kết, song về thực chất ông đã thu phục được Tây Hạ, được vua Tây Hạ thừa nhận là chúa tể, tự nhận là chư hầu và chịu cống nộp.
10-ky-tich-lam-nen-ten-tuoi-thu-linh-mong-co-thanh-cat-tu-han-mong-co-1643168703-191-width945height530-1701269244.jpg
Dưới thời Thành Cát Tư Hãn, đội quân Mông Cổ bách chiến bách thắng. Ảnh: Internet.

Năm 1226, Thành Cát Tư Hãn lại tấn công Tây Hạ với cớ là trừng phạt tội phản bội của họ khi chứa chấp kẻ thù của Mông Cổ. Các tướng Tây Hạ đã đánh một trận lớn với quân Mông Cổ gần dãy núi Hạ Lan Sơn. Quân Tây Hạ đại bại. Năm 1227, ông tấn công kinh đô Tây Hạ. Vua Tây Hạ chính thức đầu hàng. Tây Hạ bị diệt sau khi đã tồn tại 190 năm. Cùng thời kỳ, nước Tây Liêu cũng bị ông đánh bại và sáp nhập vào Mông Cổ.

Với nhà Kim, để trả thù những thất bại trước đây và giành lấy tài sản cùng sự giàu có của miền bắc Trung Quốc, ông tuyên bố chiến tranh ngay từ năm 1211. Kết quả, ông đã xâm chiếm và hợp nhất phần lãnh thổ nhà Kim đến tận Vạn lý trường thành vào năm 1213. Tiếp đó, Thành Cát Tư Hãn chỉ huy ba cánh quân tiến vào phần trung tâm lãnh thổ nước Kim, nằm giữa Vạn lý trường thành và sông Hoàng Hà. Sau này, đại quân Mông Cổ căn cứ vào di ngôn của Thành Cát Tư Hãn trước lúc mất đã ồ ạt mở cuộc tấn công chưa từng thấy vào nước Kim, cuối cùng Kim bị tiêu diệt vào năm 1235.

Đối với các nước Tây Á cũng không ngoại lệ. Đến năm 1218, đế quốc Mông Cổ mở rộng về phía tây tới hồ Balkhash và tiếp giáp với đế quốc Khwarezm, một quốc gia Hồi giáo trải dài từ biển Caspi ở phía tây và vịnh Ba Tư, biển Ả Rập ở phía nam. Thành Cát Tư Hãn gửi một đoàn sứ giả sang tỉnh phía đông của đế quốc Khwarezm nhằm mục đích thảo luận khả năng buôn bán với quốc gia này. Viên Thống đốc tỉnh đã giết chết đoàn sứ giả khiến Thành Cát Tư Hãn nổi trận lôi đình, cho 200.000 quân tràn sang để trả thù. Quân đội Mông Cổ với chiến lược và chiến thuật hơn hẳn đã nhanh chóng hạ thành phố này và hành hình viên Thống đốc bằng cách đổ bạc nóng chảy vào tai và mắt ông ta.

Cùng thời điểm này, Thành Cát Tư Hãn quyết định mở rộng ảnh hưởng của Mông Cổ đối với thế giới Hồi giáo. Quân đội Mông Cổ lần lượt đánh hạ các thành phố chính của Khwarezm như Bukhara, Samarkand và Balkh. Hoàng đế Khwarezm chuẩn bị lực lượng chống lại, song đã phải liên tục rút lui. Cuối cùng, đế quốc Khwarezm sụp đổ. Sau đó, quân đội Mông Cổ chia làm hai đạo, một đạo tràn vào Ápganixtan và bắc Ấn Độ, một đạo tiến vào Cápcadơ và Nga, tuy không chiếm thêm lãnh thổ nhưng đã đánh bại mọi đội quân mà họ gặp. Năm 1225, cả hai đạo quân cùng trở về Mông Cổ, sau khi thu phục thêm Transoxianan và Ba Tư vào đế chế.

toc-bat-dai-2-1701269429.jpg
Tốc Bất Đài - Mãnh Tướng của đế chế Mông Cổ. Ảnh: Internet.

Đối với châu Âu, sau khi tiêu diệt đế quốc Khwarezm, Thành Cát Tư Hãn tập hợp lực lượng ở Ba Tư và Ácmênia, dẫn phần lớn quân chủ lực về Mông Cổ bằng cách tấn công xuyên qua Ápganixtan và bắc Ấn Độ. Cánh còn lại do Tốc Bất Đài chỉ huy hành quân qua vùng Cápcadơ, tấn công sâu vào Ácmênia và Adécbaidan, phá hủy Grudia, chiếm trung tâm thương mại và quân sự Caffa ở Crưm của Cộng hoà Genova, tiến sát biển Đen. Trên đường trở về Mông Cổ, cánh quân này bị liên quân Cuman - Kipchak và lực lượng lớn quân Nga Kiev chặn đánh. Tốc Bất Đài gửi sứ giả đến đề nghị hòa bình nhưng các sứ giả bị hành quyết.

Nổi giận, ông ra lệnh tấn công vào đội quân Nga Kiev và đã đánh tan đội quân này tại trận sông Kalka năm 1223. Quân Mông Cổ tiếp tục càn quét lãnh thổ Nga. Các vương công Nga không còn cách nào khác ngoài đề nghị cầu hòa mà thực chất là đầu hàng nhục nhã. Tuy họ không bị tước đi quyền lực, nhưng phải chịu thần phục và triều cống cho Thành Cát Tư Hãn. Hai năm sau khi Thành Cát Tư Hãn chết, quân Mông Cổ một lần nữa trở lại vào năm 1237, chinh phục hoàn toàn lãnh thổ Nga Kiev và Volga Bulgar.

Các hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn đã mở rộng quốc gia rộng hơn về phía nam Trung Quốc, Nga, Irắc, Triều Tiên và Tây Tạng. Cuối cùng, người Mông Cổ đã tiến đánh Ba Lan và Hunggari dưới triều đại của Hãn vương Bạt Đô, thanh toán Ba Lan và Hunggari chỉ trong thời gian khoảng một vài tháng và lẽ ra đã có thể xâm chiếm toàn bộ châu Âu. Nhưng họ hoàn toàn thất bại trong các cuộc xâm lược Xyri, Nhật Bản và Việt Nam.

kiem-mong-co-1701269364.jpg
Lưỡi kiếm cong đặc trưng của đế quốc Mông Cổ. Ảnh: Internet.

Vào thời cực thịnh, đế chế Mông Cổ là quốc gia lớn nhất trong lịch sử loài người, trải dài từ Đông Nam Á tới châu Âu trên một diện tích 35 triệu kilômét vuông. Theo một số nguồn tài liệu, đế chế này chiếm tới gần 50% dân số thế giới lúc đó, bao gồm các dân tộc đông dân và văn minh nhất như Trung Quốc và phần lớn các quốc gia Hồi giáo ở Irắc, Ba Tư và Tiểu Á. Cũng không thể phủ nhận rằng những cuộc chiến tranh của Thành Cát Tư Hãn mang đặc trưng “phá hủy toàn bộ”, tuy nhiên vẫn nằm trong mức độ chưa làm thay đổi lớn phân bố dân cư châu Á.

Không chỉ siêu việt trong tiến hành chiến tranh, Thành Cát Tư Hãn còn thể hiện tư duy lớn trong những động thái chính trị hòa bình. Để giữ vững và bổ sung các chi phí cho quân đội cũng như các hoạt động khác, ông đã cho phép các thủ lĩnh duy trì quyền lực khi mà họ còn cung cấp được sức mạnh quân sự, nộp cống phẩm và cung cấp nhân lực một cách tương đối ổn định. Chiếm đóng được một khu vực đất đai rộng lớn, ông đã khuyến khích phát triển thương nghiệp và trao đổi hàng hóa, nhờ đó người Mông Cổ nhận được hàng hóa và dịch vụ từ những dân tộc khác. Các thương nhân, giáo sĩ, đặc sứ được bảo đảm an toàn và sự hướng dẫn cần thiết khi hoạt động trong phạm vi đế chế Mông Cổ. Dưới thời Thành Cát Tư Hãn, “mọi cá nhân và tôn giáo là bình đẳng trước pháp luật Mông Cổ”.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến