Đôi điều về chiến tranh và hòa bình trong thời trung đại (Phần 1)

Lương Đàm
Thời trung đại xuất hiện kiểu chiến tranh tiếp xúc thế hệ thứ hai, theo đó, mối quan hệ giữa chiến tranh và hòa bình có sự thay đổi lớn trên rất nhiều phương diện.
screenshot-6-1701268908.png
Một cuộc chiến thời trung cổ. Ảnh: Wikipedia.

Vũ khí nóng là thành phần không thể thiếu trong sức mạnh quân sự quốc gia, dẫn đến cuộc chạy đua sức mạnh quân sự giữa các nước, đồng thời còn dẫn đến những biến chuyển lớn về cả chính trị và kinh tế - xã hội ngay từ thời bình, nhất là ở châu Âu và châu Á. Ở Tây Âu đã hình thành hệ thống quân sự kiểu mới với đặc trưng là nhà nước độc quyền sử dụng sức mạnh quân sự, xây dựng quân đội thường trực có sự phân công lao động rõ ràng, tương tự như quá trình chuyên môn hóa trong sản xuất công nghiệp. Cách thức điều hành đất nước trong bối cảnh chiến tranh hoặc hòa bình, cũng như việc nhận thức và xử lý giữa chiến tranh và hòa bình ngày càng vươn tới trình độ luận lý và hướng tới phát triển thành một lĩnh vực khoa học khá độc lập.

Đặc điểm nổi bật của mối quan hệ chiến tranh và hòa bình thời kỳ này là liên quan trực tiếp đến thể chế chính trị và nhà nước, gắn kết trực tiếp với những điều kiện cụ thể và những thay đổi trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa... Thời trung đại đánh dấu những bước tiến lớn của con người về tổ chức xã hội, song cũng là thời kỳ mà các cuộc chiến tranh diễn ra liên miên gắn với thể chế phong kiến tập quyền cấu kết cùng tôn giáo. Sự tham dự của yếu tố tôn giáo có thể nói đã đẩy “tinh thần tự ái quý tộc” lên đến mức thậm chí tiến hành chiến tranh chỉ để vinh danh thể chế, vinh danh tín ngưỡng. Sự cấu kết giữa giáo hội và nhà nước thần quyền còn khoác lên mối quan hệ chiến tranh và hòa bình những chiếc áo bào “danh dự hiệp sĩ”, nhân danh “bảo vệ đức tin”, “bảo vệ công lý”, “tử vì đạo”, “thay trời hành đạo”...

Vấn đề quân sự, đấu tranh vũ trang cũng phát triển đến độ chuyên biệt hoá. Chiến tranh và quân đội trong nhiều trường hợp thậm chí còn được coi là cứu cánh. Việc nhà nước lựa chọn chiến tranh hay hòa bình không chỉ có cơ sở từ nguồn lực quân sự vững mạnh, mà còn gắn rất chặt với trình độ phát triển tổng thể của nền kinh tế xã hội. Tuy nhiên, sự nỗ lực chạy đua quân sự của các bên tham chiến vẫn có xu hướng ngay từ thời bình đã phải tìm mọi phương cách để đi trước đối phương.

Đồng thời, khi bước vào cuộc chiến tranh thì việc đưa các lực lượng vũ trang mạnh nhất vào tham chiến cũng thường được tập trung cao độ, và trên thực tế đều diễn ra với một nhịp độ vô cùng căng thẳng. Việc kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình chủ yếu do thắng lợi về quân sự quyết định, song thường gắn với trách nhiệm của triều đình và người đứng đầu là nhà vua. Thêm vào đó, ngay từ thời đại này, vấn đề liên minh quốc gia để tiến hành chiến tranh hoặc cam kết hòa bình cũng đã bắt đầu xuất hiện bằng hình thức hiệp ước.

Trong thời trung đại, ở phương Đông, các cuộc chinh phục của Thành Cát Tư Hãn (tiếng Mông Cổ là Chinghis Khan), vua Mông Cổ, là một hiện tượng nổi bật mà trong đó, chiến tranh và hòa bình tương tác, chuyển hóa với những động thái hết sức phức tạp. Thành Cát Tư Hãn, tên thật là Thiết Mộc Chân, bắt đầu sự nghiệp bằng cách liên kết với các thủ lĩnh địa phương, lần lượt đánh bại các kẻ thù chính là Nãi Man ở phía tây, Miệt Nhi Khất ở phía bắc, Đảng Hạng ở phía nam, người Kim cùng người Tatar ở phía đông.

10-ky-tich-lam-nen-ten-tuoi-thu-linh-mong-co-thanh-cat-tu-han-tchth-2-1643168574-74-width650height413-1701268996.jpg
Thành Cát Tư Hãn từng làm nên những kì tích mà ở thời bấy giờ chưa ai làm được, là một trong các nhà quân sự lỗi lạc và có ảnh hưởng nhất lịch sử thế giới. Ảnh: Internet.

Trong các bộ lạc chiếm được, ông thực hiện việc cai trị theo phương thức khác với truyền thống của người Mông Cổ bằng cách ủy quyền cho những người xứng đáng và trung thành chứ không dựa trên quan hệ gia đình. Ông ban hành bộ luật bằng văn bản cho người Mông Cổ, gọi là Yassa, và ra lệnh phải tuân thủ bộ luật này một cách nghiêm ngặt để xây dựng tổ chức quyền lực trong phạm vi lãnh thổ của mình.

Ông cam kết dành cho thần dân và binh lính sự giàu có từ chiến lợi phẩm thu được. Khi đánh bại các bộ lạc thù địch, ông đặt các bộ lạc đó dưới sự bảo hộ, đồng thời hợp nhất các thành viên bộ lạc đó vào bộ lạc của mình. Động thái này đã gây dựng được niềm tin và lòng trung thành từ những người bị chế ngự, làm cho Thiết Mộc Chân trở nên mạnh hơn sau mỗi chiến thắng. Với những phẩm chất cá nhân và ý chí mạnh mẽ, Thiết Mộc Chân cuối cùng đã thống nhất được các bộ lạc trong một hệ thống duy nhất, một nét vĩ đại của Mông Cổ vốn là đất nước điển hình có lịch sử lâu dài về kinh tế nghèo nàn kèm theo nạn “huynh đệ tương tàn”. Năm 1206, tại Hội nghị Kurultai (hội đồng các thủ lĩnh Mông Cổ), ông được phong là Thành Cát Tư Hãn (tiếng Mông Cổ có nghĩa là vua của cả thế giới), công cuộc “bình thiên hạ” bắt đầu.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến