Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 và bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ

Lương Đàm
Tháng 1 năm 1968, Hội nghị Trung ương 14 (khóa III) đã thông qua Nghị quyết của Bộ Chính trị, đồng thời xác định mục đích chiến lược của đợt tổng công kích - tổng khởi nghĩa là: Thứ nhất, tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Thứ hai, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, làm cho quân Mỹ không thực hiện được các kế hoạch quân sự và chính trị của chúng. Thứ ba, trên cơ sở đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh với miền Bắc.
4dc5cc76-8dcb-4b2a-9cfa-11b77307b59a-1690883063.jpg
Quân giải phóng miền Nam tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu.

Trung ương đã nhận định rằng, cuộc tổng công kích của ta sẽ diễn ra trong điều kiện địch còn hơn một triệu quân và có tiềm lực chiến tranh lớn, vì vậy sẽ là quá trình tiến công chiến lược rất ác liệt và phức tạp. Trung ương cũng xác định rõ các chiến trường quyết chiến trọng điểm, đồng thời yêu cầu phải đưa chiến tranh vào thành thị để tạo ra hiệu quả toàn diện và có ý nghĩa chiến lược. Trung ương còn dự kiến những khả năng phát triển của tình hình, nhất là những khả năng bất lợi để tập trung lãnh đạo.

Thực hiện quyết tâm của Đảng, đêm 29 rạng sáng 30 tháng 1 năm 1968, trước đêm giao thừa Tết Mậu Thân, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta nổ ra đồng loạt ở nhiều thành phố, thị xã, thị trấn miền Nam. Tại Sài Gòn, ta tiến công mãnh liệt các cơ quan đầu não của địch như: Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Bộ Tư lệnh hải quân ngụy, Tổng Nha cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất, Trại thiết giáp Phù Đổng Đài phát thanh,...

Cùng lúc đó, lực lượng tự vệ và nhân dân nổi dậy cướp chính quyền và đã làm chủ nhiều nơi. Các căn cứ ngụy quân và trụ sở ngụy quyền ở các vùng lân cận Sài Gòn cũng bị tiến công mãnh liệt. Đêm 30 rạng sáng 31 tháng 1, tại Khu V và Tây Nguyên, ta tiến công đồng loạt vào Tân Cảnh, Nha Trang Buôn Ma Thuột, Plâyku, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tuy Hòa.

Ngày 1 và ngày 2 tháng 2, ta tiếp tục kết hợp tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Kiến Tường, Định Tường, Gò Công, Biên Hòa, Kon Tum, Mỹ Tho, Vĩnh Long và nhiều thành phố, thị xã khác. Phối hợp chặt chẽ với tổng tiến công của các lực lượng vũ trang cách mạng, quần chúng nhân dân các vùng nông thôn, miền núi và cả đô thị đã đồng loạt nổi dậy phá kìm, diệt ác, giành quyền làm chủ. Hàng ngàn xã, ấp với hàng triệu dân được giải phóng.

thumb-660-c015e21f-e533-4c50-bf68-63fcc9b7ff61-1690883063.jpg
Đòn tiến công Mậu Thân 1968 đã gây kinh hoàng cho cả nước Mỹ. Trên hầu hết các bang nước Mỹ rộ lên những cuộc biểu tình chống chiến tranh, đặc biệt là của giới sinh viên, học sinh. Nhiều người trong chính giới Mỹ đòi xét lại chính sách của Mỹ đối với cuộc chiến này. Ảnh tư liệu.

Bị tiến công bất ngờ, mãnh liệt và rộng khắp trên phạm vi toàn miền Nam, đặc biệt là bị đánh vào các căn cứ đầu não ngay tại các sào huyệt ở Sài Gòn, Mỹ - ngụy choáng váng kinh hồn, hoang mang và rối loạn. Nhưng sau đó, chúng đã tổ chức lực lượng để phản kích. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch trong các thành phố, thị xã, thị trấn diễn ra vô cùng ác liệt. Trước lực lượng quá mạnh của địch, các lực lượng chủ lực ta phải rút ra khỏi thành phố nhằm trụ sát các vùng ven đô để giữ vững bàn đạp tiến công.

Hơn nữa, trong chỉ đạo Tổng tiến công và nổi dậy, ta cũng vấp phải một số thiếu sót, nhất là chủ quan trọng đánh giá tình hình nên đề ra yêu cầu chưa sát với thực tế; Việc phát hiện và thực hiện chuyển hướng chiến lược không kịp thời; Chưa thấy hết âm mưu, thủ đoạn của địch, nên cố tiếp tục tiến công khi các yếu tố thuận lợi không còn và lực lượng đã bị tiêu hao nặng nề. Vì vậy, khi địch phản công từng đợt, ta mất dân, mất đất và bị lộ nhiều cơ sở cách mạng. Đây là những bài học kinh nghiệm xương máu mà chúng ta đã nghiêm túc nhận ra để đưa cách mạng đi lên.

Mặc dù còn có nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm, nhất là về phương diện chiến lược quân sự, song cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của cách mạng miền Nam. Có thể coi đây chính là cuộc tập dượt lớn cho Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau gần hai tháng thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương, quân và dân miền Nam đã đánh thẳng vào 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 bộ tư lệnh sư đoàn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ và 30 sân bay của chúng, làm tổn thất nặng nề lực lượng và phương tiện chiến tranh của địch.

Gần 20 vạn quân ngụy hoang mang đào ngũ, hệ thống ngụy quyền ở nhiều vùng bị phá vỡ, “chương trình bình định” bị phá sản một bước nghiêm trọng. Từ tiếng súng mở màn Tết Mậu Thân 1968, các đợt tổng tiến công và nổi dậy tiếp theo trong năm 1968 (vào tháng 5 và tháng 8) đã làm lung lay tận gốc ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo nên bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Đó là những đòn tiến công tiếp nối tiến công từ khi những tên lính viễn chinh Mỹ đặt chân lên đất nước ta, làm cho chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ phá sản, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pari.

chan-trang-fullsizerender-1517588975794358481732-1690883063.jpg
Quân giải phóng miền Nam năm 1968. Ảnh tư liệu.

Thực tế lịch sử ghi nhận: Kể từ thất bại Mậu Thân (1968), Mỹ buộc phải chấp nhận xu thế không thể đảo ngược: Rút quân Mỹ về nước, dù cố tìm mưu tính kế lâu dài để kéo dài chiến tranh. Nếu không có những cuộc tập dượt lớn trong giai đoạn 1965 -1968 mà đỉnh cao là Tổng tiến công và nổi dậy 1968, thì chúng ta không thể có thắng lợi buộc Níchxơn phải ký hiệp định rút hết quân về nước, cam kết chấm dứt mọi dính líu về quân sự ở Việt Nam. Tổng tiến công và nổi dậy 1968 cũng đã chứng tỏ rằng, quân và dân ta đã đủ sức tổng công kích - tổng khởi nghĩa, đồng thời chuẩn bị tiền đề cả về thế, thời và lực để chúng ta giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 có thể được coi như chiến dịch - chiến lược kết thúc thời kỳ đầu chiến tranh giải phóng của ta trên chiến trường miền Nam, mở ra bước ngoặt mới của chiến tranh, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy, buộc chúng phải chuyển hướng chiến lược sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến