Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới (Phần 2)

Trên cơ sở đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng luôn có những chủ trương, chính sách tổng thể phù hợp nhằm định hướng phát triển những tư tưởng chiến lược của quốc phòng Việt Nam.
sach-trang-qp-157469315920087462928-1716976727.png
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam được công bố hôm 25/11/2019. Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019, Nhà nước ta đã xác định mục tiêu, quan điểm chủ yếu của quốc phòng: “Việt Nam luôn coi việc giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là lợi ích cao nhất của đất nước, là mục tiêu xuyên suốt của chính sách quốc phòng Việt Nam”; “Việt Nam xây dựng sức mạnh quốc phòng dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt nam lãnh đạo, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng quân sự và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân. Việt Nam chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đồng thời tăng cường khả năng quốc phòng, phối hợp chặt chẽ hoạt động quốc phòng, an ninh với hoạt động đối ngoại thành một thể thống nhất để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nhanh, bền vững”.

Thấy được tầm chiến lược của sự phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới của đất nước, trước bối cảnh có nhiều biến động rất phức tạp, năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát: “Tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”, Chính phủ đã xác định một hệ thống những quan điểm chỉ đạo, trong đó có quan điểm nổi bật: “Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội”.

Trong các định hướng ưu tiên nhằm phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020, trên lĩnh vực quốc phòng an ninh, Chính phủ xác định: “Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”; “Bảo đảm an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội; tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường”; “Tăng cường hợp tác quốc tế, thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế; tích cực, chủ động hội nhập để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”...

ttxvn-xe-1716976855.jpg
Xe tăng quân Giải phóng tiến qua cổng sắt đánh chiếm Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân địch. Ảnh: TTXVN

Từ cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng ta, có thể khái quát hệ thống quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình bao gồm lấy giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển bền vững làm mục tiêu cao nhất của việc nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình.

Đây là quan điểm chiến lược, thể hiện tư duy sáng tạo, tâm nhìn thấu suốt có giá trị định hướng lâu dài để phát triển bền vững, là quan điểm xuyên suốt về bản chất, nguồn gốc và sức mạnh của quốc phòng, an ninh, đồng thời là phương châm chỉ đạo hàng đầu cho các nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Quan điểm này thể hiện tư duy phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại nhằm thực hiện từng bước các mục tiêu trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việc phát triển bền vững đất nước chính là thực hiện một trong những mục tiêu chiến lược của cả nước, không chỉ hướng đến phát triển bền vững toàn diện của quốc gia mà còn thực hiện một trong những mục tiêu, nội dung chương trình phát triển bền vững của khu vực và thế giới. Phát triển bền vững còn là bài học thực tiễn, là nhu cầu tự thân của bản thân nền kinh tế - xã hội được đúc rút trong những năm đổi mới và là hướng chủ đạo phát triển trong tương lai.

Việc lấy giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường hòa bình và ổn định cho sự phát triển bền vững làm mục tiêu cao nhất của nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình là mục tiêu mang tính toàn diện, tổng quát, bao trùm và chi phối các lĩnh vực, các mặt của phát triển bền vững. Đó cũng chính là một nội dung đặc biệt quan trọng của phát triển bền vững - làm cho quốc phòng và an ninh không ngừng được củng cố, tăng cường vững chắc và gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cho các mục tiêu chiến lược của bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới được thực hiện triệt để.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến