Tính chất xã hội của chiến tranh (Phần 1)

Tính chất xã hội của chiến tranh khi được xác định đúng đắn luôn có ý nghĩa quan trọng với tính cách là tiền đề cần thiết để giải quyết vấn đề thái độ của các chủ thể chính trị - nhà nước và nhân dân đối với chiến tranh.

Trong lịch sử tư tưởng nhân loại đã có nhiều người căn cứ vào những đặc trưng ngẫu nhiên, bên ngoài để xác định tính chất xã hội của chiến tranh. Arixtốt và Platôn đã đề cập tính chất chính nghĩa và phi nghĩa của chiến tranh, song xem xét dưới góc độ pháp quyền, cho rằng chiến tranh hợp với pháp luật nhà nước là chính nghĩa. Kinh thánh Thiên Chúa giáo giải thích chiến tranh là công cụ của thượng đế để chống lại cái xấu và trừng phạt kẻ phạm tội, phù hợp với giáo luật Thiên Chúa, biểu lộ lòng trung thành với “đấng tối thiêng liêng”, nên là chính nghĩa...

barricade-voltaire-lenoir-commune-paris-1871-1697636604.jpg
Công sự phòng thủ trong cuộc nổi dậy của Công xã Pari 1871. Ảnh: Wikipedia.

C.Mác và Ph.Ăngghen quan tâm đặc biệt tới vấn đề tính chất xã hội của chiến tranh khi phân tích Nội chiến ở Mỹ và cuộc Chiến tranh Pháp - Phổ. Các ông sử dụng những thuật ngữ “chiến tranh tấn công” và “chiến tranh phòng ngự” để thể hiện nội dung, tính chất xã hội của chiến tranh, luôn ủng hộ “chiến tranh phòng ngự” với ý nghĩa là chiến tranh tự vệ và phản đối “chiến tranh tấn công” với ý nghĩa là chiến tranh xâm lược, chống lại nhân dân: “Nếu giai cấp công nhân Đức để cho cuộc chiến tranh hiện nay mất tính chất thuần túy phòng thủ của nó và thoái hóa thành một cuộc chiến tranh chống lại nhân dân Pháp, thì chiến thắng hay chiến bại cũng đều tai hại”.

Các ông chỉ rõ: “Trong cuộc chiến tranh phòng ngự thuần túy, tất cả bọn họ sẽ lên đường không chút do dự; nhưng trong cuộc chiến tranh xâm lược và vào lúc mà thành công của chính sách xâm lược ấy trở thành đáng hoài nghi thì không thể trông mong ở họ điều đó”. Khi giai cấp công nhân cùng toàn thể quần chúng cần lao Pari đứng lên cầm vũ khí, lập Công xã Pari, thì các ông lần đầu tiên đã đưa ra thuật ngữ chiến tranh chính nghĩa để chỉ cuộc chiến tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Pháp chống lại chế độ tư bản, “cuộc chiến tranh của những nô lệ chống lại bọn áp bức họ, trong cuộc chiến tranh chính nghĩa duy nhất từ khi có lịch sử đến nay". 

Để bảo vệ và phát triển toàn diện hệ thống quan điểm mácxít về chiến tranh, V.I. Lênin đã đưa ra hàng loạt thuật ngữ đánh giá tính chất xã hội của chiến tranh, “có chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa, có chiến tranh tiến bộ và chiến tranh phản động”. Ông khẳng định tính chất xã hội của chiến tranh chỉ sự đánh giá của một lực lượng xã hội đối với từng bên tham chiến, và khẳng định tiêu chuẩn để đánh giá tính chất xã hội của chiến tranh chính là vai trò của bên tham chiến đó đối với tiến bộ xã hội, bất kể cuộc chiến tranh đó do giai cấp nào lãnh đạo, bất kể là tấn công hay phòng ngự về mặt tìm bị quân sự.

54489508-jpg-1697636998.jpg
V.I. Lênin. Ảnh: Swissinfo.

“Trong lịch sử, đã từng nhiều lần có những cuộc chiến tai tranh tiến bộ - mặc dù những cuộc chiến tranh này, cũng như bất cứ cuộc chiến tranh nào khác - không tránh khỏi đem lại những nỗi khủng khiếp, tai họa, đau khổ - nghĩa là những cuộc chiến tranh có ích cho sự phát triển của nhân loại, góp phần tiêu diệt những chế độ đặc biệt có hại và phản động...”. Ông cũng chỉ ra điều kiện, căn cứ cụ thể để đánh giá đúng tính chất xã hội của chiến tranh, cũng như ý nghĩa của việc khẳng định tính chất xã hội của chiến tranh đối với việc phòng thủ đất nước, với tiến trình và kết cục chiến tranh.

Từ quan điểm của các nhà kinh điển, có thể khẳng định: Tính chất xã hội của chiến tranh là sự đánh giá của một lực lượng xã hội đối với từng bên tham chiến về vai trò của nó đối với tiến bộ xã hội, dựa trên một hệ thống tiêu chuẩn chính trị xã hội đặc trưng, để xác định đó là chiến tranh chính nghĩa, tiến bộ, hay phi nghĩa, phản động. Như vậy, tính chất xã hội của chiến tranh là một phạm trù giá trị; lập trường quan điểm, lợi ích, phương pháp đánh giá khác nhau thì kết quả đánh giá khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Mặt khác, tuy mang hình thức chủ quan, nhưng nội dung đánh giá tính chất xã hội của chiến tranh, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, lại mang tính khách quan, khoa học sâu sắc, thể hiện ở tổng thể các tiêu chỉ về chính trị, đạo đức, pháp quyền, thẩm mỹ...

Tiêu chí về mặt chính trị là cơ bản nhất, được đánh giá theo những khía cạnh: Một là, mục đích và nội dung chính trị mà chiến tranh thực hiện, vì chính trị quyết định chiến tranh về mọi phương diện, cả về tính chất, nội dung, hình thức, diễn tiến... và về ý nghĩa xã hội của chiến tranh. Khi mục đích, nội dung chính trị thay đổi thì tính chất xã hội của chiến tranh cũng thay đổi. Mục đích, nội dung chính trị mà chiến tranh theo đuổi, thực hiện là tiến bộ, cách mạng thì chiến tranh có tính chất tiến bộ, thúc đẩy xã hội phát triển, là chiến tranh chính nghĩa, và ngược lại. Hai là, vai trò xã hội của giai cấp lãnh đạo tiến hành chiến tranh. Nếu giai cấp lãnh đạo tiến hành chiến tranh là giai cấp tiến bộ, cách mạng, đại biểu cho xu thế phát triển hợp quy luật của thời đại thì cuộc chiến tranh có tính chất tiến bộ, chính nghĩa, và ngược lại. Ba là, hoàn cảnh lịch sử nổ ra chiến tranh và diễn biến của cuộc chiến tranh. Mọi cuộc chiến tranh luôn trải qua nhiều giai đoạn nối tiếp nhau có sự thay đổi cả về đặc điểm, mục tiêu chính trị cụ thể, thậm chí địa vị của giai cấp lãnh đạo.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến