Suy nghĩ về việc đẩy mạnh khai thác giá trị của các danh nhân văn hóa trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Việt Nam (Phần 1)

Đinh Thảo
Trong lịch sử của mỗi dân tộc, các danh nhân là những đại diện xuất sắc cho nền văn hóa, bản sắc dân tộc. Thế giới biết đến danh tiếng của mỗi quốc gia, một phần là nhờ tầm ảnh hưởng, sự lan tỏa các giá trị mà danh nhân trên các lĩnh vực khác nhau (văn hóa, quân sự, khoa học, nghệ thuật v.v... ) lan tỏa ra bên ngoài biên giới quốc gia.
the-he-tre-1699332373.jpg
Suy nghĩ về việc đẩy mạnh khai thác giá trị của các danh nhân văn hóa trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Việt Nam (Ảnh: Internet)

Những thập niên đầu thế kỷ XXI, nhân loại đang chứng kiến sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, toàn cầu hóa trở thành một xu thể không thể đảo ngược. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế. Càng hội nhập quốc tế sâu rộng, việc giữ gìn bản sắc dân tộc của các quốc gia nói chung, Việt Nam nói riêng trở thành mối quan tâm hàng đầu, không chỉ của các nhà lãnh đạo, mà còn của cả những người tâm huyết với lịch sử, văn hóa dân tộc.

Làm thế nào mà trong tiến trình phát triển, Việt Nam vừa tiếp thu tối đa những thành tựu văn hóa, văn minh của nhân loại, lại vừa không mất đi bản sắc dân tộc, nhận diện được bản sắc Việt Nam trên thế giới, luôn là một việc không dễ, nhưng phải làm cho được. Trong các danh nhân, Danh nhân văn hóa luôn có tầm ảnh hưởng rất lớn, lâu dài đối với đất nước, có lợi thế khi quảng bá các giá trị vô giá đến cộng đồng quốc tế.

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả muốn góp phần làm sáng rõ một số nội dung liên quan đến Danh nhân văn hóa như: (1) Khái niệm “Danh nhân” và “Danh nhân văn hóa”; (2) Tầm quan trọng của các Danh nhân văn hóa; (3) Sự cần thiết phải đẩy mạnh khai thác giá trị của tầm ảnh hưởng của Danh nhân văn hóa trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay và mai sau, phục vụ cho sự phát triển của nền văn hóa dân tộc, trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

2. Nội dung

Theo tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Liên hợp quốc (UNESCO), thuật ngữ “danh nhân thế giới” (“great personalities”) để chỉ những nhân vật nổi tiếng, kiệt xuất góp phần xây dựng, phát triển nền văn minh nhân loại. Những nhân vật này có nhiều đóng góp quan trọng cho nền Văn hóa, Giáo dục, Khoa học thế giới. Còn theo cố GS. AHLĐ Vũ Khiêu, “Danh nhân là những người trong lúc sinh thời đã có nhiều đóng góp cho đất nước, cho quê hương. Từ khi qua đời, họ vẫn tiếp tục sống trong lòng mọi người, được mọi người quý trọng và noi gương” (75).

Còn cố GS.TS Phan Ngọc Liên thì có quan điểm cho rằng “Danh nhân là người có tài, đức nổi tiếng trong lịch sử, được ghi công và nhân dân truyền tụng” (76).

Có thể thấy, Danh nhân là những người kiệt xuất, tài năng, có nhân cách đảng kính, nổi tiếng trong lịch sử. Danh nhân văn hóa là những người có nhiều công trình để lại cho hậu thế, các nghiên cứu hay sư sáng tạo của họ có ảnh hưởng lâu dài, lớn lao đối với nền văn hóa dân tộc. Những đóng góp của họ nhiều khi không chỉ dùng trong biên giới quốc gia mà còn cả ở tầm khu vực hay quốc tế. Những cách, sự nghiệp của các danh nhân được cộng đông ghi nhận, nhân dân kính trọng và tôn vinh.

Về phân loại danh nhân lịch sử, có thể tạm xếp loại danh nhân theo loại hình hoạt động/lĩnh vực nghề nghiệp gồm: danh nhân văn hóa, danh nhân giáo dục danh nhân quân sự, danh nhân khoa học v.v... Còn nếu xét danh nhân lịch sử theo tầm ảnh hưởng thì có thể xếp danh nhân theo cấp độ như Danh nhân thế giới; Danh nhân quốc gia; Danh nhân địa phương và Danh nhân dòng họ. Dù ở mức độ nào, danh nhân lịch sử trên các lĩnh vực luôn là những người có ảnh hưởng trong xã hội, người đời sau nhớ về họ, noi gương theo họ, họ cũng là những người truyền cảm hứng cho những giá trị đẹp đẽ, nhân văn.

Danh nhân văn hóa là tác giả của những trước tác văn học, sử học, triết học, nghệ thuật, phương pháp chữa bệnh hoặc công nghệ nổi tiếng v.v..., có giá trị nhân văn sâu sắc, có ảnh hưởng lớn tới đời sống nhân dân qua nhiều giai đoạn lịch sử, được lịch sử ghi nhận và đánh giá cao. Cuộc đời và sự nghiệp của họ có những đóng góp to lớn trong xây dựng và phát triển tri thức, nền văn hóa dân tộc, góp phân phát triển văn hóa, văn minh nhân loại.

(Còn tiếp)


(75) Dẫn theo GS Vũ Khiêu, Hội thảo các Phương pháp sử dụng tiêu sử danh nhân phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các nước châu Á, NXB Đại học Sư phạm, 2003, trang 55.

(76) Dẫn theo Phan Ngọc Liên (chủ biên), Từ điển thuật ngữ lịch sử phổ thông, NXB Giáo dục, 2005, trang 1

PGS.TS Đào Tuấn Thành (Trường ĐHSP Hà Nội)