Giữ gìn, phát huy giá trị danh nhân văn hóa Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới (Phần 1)

Từ điển từ và ngữ Việt Nam, nêu quan niệm: “Người có tiếng tăm lừng lẫy” (49). Đây là một khái quát trung tính. Cần thấy rằng, bản thân Danh nhân, hiểu theo nghĩa danh giá thì đó phải là người có công trạng to lớn cho cái có ích, theo chuẩn chân, thiện, mỹ, tạo nên động lực thúc đẩy phát triển con người, xã hội theo hướng tiến bộ, nhân văn.
danh-nhan-1694149391.jpg
Giữ gìn, phát huy giá trị danh nhân văn hóa Việt Nam (Ảnh minh họa: internet)

Như thế, không phải cứ có tiếng tăm “lừng lẫy” thì được đều đứng trong hàng ngũ Danh nhân. Ngay cụm từ “tiếng tăm lừng lẫy” cũng đã là một thuật ngữ đâu dễ thống nhất trong nhận thức khi nó là một định vị nội hàm, thước đo để xác nhận danh nhân. Các yếu tố cấu thành danh nhân và chuẩn đánh giá danh nhân luôn hàm chứa trong đó sự chi phối của hệ tư tưởng chính trị, của chuẩn mực đạo đức, phong tục, tập quán trong các dạng cộng đồng người, cộng đồng xã hội ở những thời gian, không gian xác định. Các thành tố của danh nhân và cách xem xét danh nhân vừa có tính lịch sử (sự trầm tích), tính giai cấp, tính cộng đồng, tính nghề nghiệp, tính vùng miền, tính quốc gia - dân tộc, tính nhân loại... Danh nhân theo hệ chuẩn của tư tưởng chính trị này chưa chắc đã là của cộng đồng người khác theo hệ tư tưởng chính trị khác. Điều này cũng dẫn đến tính tương đối trong quan niệm, xác nhận, thừa nhận, công nhận danh nhân của một chủ thể, đối tượng nào đó trong đời sống xã hội nói chung.

Cần thấy rõ tính phức tạp, phong phú, đa dạng... và những khó khăn trong định chuẩn đánh giá và lựa chọn, xác nhận, xếp loại danh nhân sao cho khoa học, tạo được sự đồng thuận cao “tâm phục, khẩu phục” trong các tổ chức chính trị xã hội và mỗi thành viên cộng đồng.

Phạm vi, mức độ tác động, ảnh hưởng của từng danh nhân đến đời sống con người, xã hội tùy thuộc vào tầm vóc mà danh nhân có được; đồng thời chịu sự tác động của môi trường chính trị - xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa, điều kiện kinh tế - xã hội... của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia - dân tộc trong các giai đoạn, thời kỳ lịch sử khác nhau.

Danh nhân cũng chính là những cá nhân tiêu biểu của mỗi cộng đồng, là người đi đầu, tiên phong của mỗi cộng đồng xã hội trong từng lĩnh vực, từng giai đoạn lịch sử mà danh nhân đó xuất hiện. Xét theo chiều lịch đại hay đồng đại của xã hội loài người, các danh nhân hợp thành một lớp người tiêu biểu trong các lĩnh vực của đời sống. Lớp người này có tác động to lớn đến sự phát triển của xã hội Họ chính là một động lực mang tính “đầu tàu”, cao hơn là tính mở đường, tạo nên những bước ngoặt của lịch sử ở những thời khắc có tính quyết định chiều hướng vận động của sự vật, hiện tượng xuất hiện trong lịch sử.

Danh nhân có thể xuất hiện trong tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội của các cộng đồng người, các quốc gia - dân tộc ở mọi giai đoạn, thời kỳ lịch sử. Danh nhân luôn gắn với các lĩnh vực hoạt động sống của con người, xã hội như các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, khoa học, kỹ thuật... Theo đó, đã xuất hiện các cụm từ: Danh nhân văn hóa, danh nhân quân sự, danh nhân ngoại giao, danh nhân khoa học kỹ thuật, danh nhân hội họa,...Đây chính là những người có nhiều cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực gắn với cuộc đời hoạt động của mỗi danh nhân.

Danh nhân văn hóa là một loại hình cụ thể của tập hợp các dạng danh nhân. Tuy nhiên, văn hóa lại là một phạm trù mà cho đến nay được nhận thức hết sức phong phú. Đã có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn quan niệm về văn hóa tùy theo cấp độ, góc nhìn mà các nhà các học giả tiếp cận.

Hiểu theo nghĩa rộng, chung nhất thì văn hóa là cái khác với tự nhiên. Theo hướng này, các danh nhân văn hóa là những người có được những sáng tạo kiệt xuất các sản phẩm văn hóa vật chất, sản phẩm văn hóa tinh thần (vật thể, phi vật thể). Hiểu theo nghĩa hẹp hơn, danh nhân văn hóa là những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, sáng tạo ra nhiều sản phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao, được suy tôn, thừa nhận.

Ở một góc độ khác, danh nhân gắn liền với những sáng tạo sản phẩm vật chất, tinh thần của họ trong những lĩnh vực nhất hay có thể là vài lĩnh vực, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Sản phẩm sáng tạo của danh nhân đạt đến mức nào phụ thuộc vào tầm cỡ của mỗi danh nhân. Về lí thuyết cũng như trong thực tế, không có sự giới hạn sức sáng tạo của bất kỳ ai. Nhưng dù mức độ nào, thì sáng tạo của con người nói chung, trong đó có sáng tạo của các danh nhân đều có thể được trầm tích thành sản phẩm văn hóa. Con người, đồng thời vừa là chủ nhân sáng tạo sản phẩm văn hóa, vừa là “cái” “mang vác” văn hóa. Hơn ai hết, các danh nhân nói chung, điển hình là danh nhân văn hóa là hiện thân rõ nhất của sự “mang vác” này. Càng được thừa nhận (đạt chuẩn) là danh nhân có tính phổ quát rộng, tác động tích cực càng sâu, càng lớn trong đời sống kinh tế - xã hội thì hàm lượng giá trị văn hóa trong các sáng tạo của họ càng hoàn thiện theo địch chân, thiện, mỹ và phổ lan tỏa giá trị văn hóa càng sâu rộng theo cả chiều đồng đại và chiều lịch đại, có sức sống bền bỉ, trường tồn.

(Còn tiếp)


(49) Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2000, tr.481

TS. Nguyễn Danh Hữu (Học viện Quân y)

TS. Nguyễn Thị Kim Oanh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Chủ tịch Sáng lập Viện Nghiên cứu Ứng dụng công nghệ Đào tạo Nguồn nhân lực; Viện Nghiên cứu Ứng dụng công nghệ và Phát triển Nhân lực, Nhân tài Việt Nam; Viện Nghiên cứu Danh nhân)

TS. Nguyễn Danh Hữu - TS. Nguyễn Thị Kim Oanh