Những phẩm chất cao quý của danh nhân (Phần 2 và hết)

Đinh Thảo
Mấy lời nói đầu: Năm 1869, Frencis Galton (1822 – 1911) cho ra đời tác phẩm "Thiên tài được di truyền: Khảo cứu về các quy luật và hậu quả của nó". Bằng phương pháp thống kê để phân loại những con người xuất chúng và họ hàng của họ theo trình độ năng khiếu, Galton đưa ra một luận điểm: “Năng lực và tài năng phụ thuộc cả vào tính di truyền lẫn môi trường xã hội”.
z4436955539356-a96b5f4f564d1f0f715d5ad60adf03a8-1686891366.jpg
Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)

3. Suốt đời học hỏi, tu dưỡng để thực hiện đức liêm chính trong cuộc sống

Trong gần 10 thế kỷ Nho học, những nhà khoa bảng được bổ dụng làm quan thường giữ chữ Liêm hàng đầu. Nhân dân nhìn vào nhà lãnh đạo và đều đánh giá cao những quan thanh liêm.

Liêm là một phẩm chất đạo đức được xã hội coi trọng. Tô Hiến Thành (1102-1179) là quan đại thân qua 2 triều vua nhà Lý: Lý Anh Tông và Lý Cao Tông, là một tấm gương thực hiện chữ Liêm suốt đời mình.

Vua Lý Anh Tông có con là Long Xưởng là Thái tử, nhưng hư hỏng nên nhà vua truất ngôi, cho con thứ là Long Trát (Long Cán) thế vào. Khi Lý Anh Tông mất, mẹ Long Xưởng cho vợ Tô Hiến Thành rất nhiều vàng bạc, châu báu nhằm Tô Hiến Thành làm di chiếu giả, đưa Long Xưởng lên ngôi. Nhưng, vàng bạc châu báu đã không lay chuyển được ông.

Long Cát lên ngôi năm 1 tuổi, hiệu là Lý Cao Tông. Khi Lý Cao Tông lên 7 tuổi, Tô Hiến Thành ốm nặng, Thái hậu đến thăm và hỏi ông người mà ông chọn thay mình (làm Thái phó nhà Lý), ông đã tiến cử Trần Trung Tá, gián nghị đại phu của Triều đình. Thái hậu ngạc nhiên hỏi:

- Sao ông lại chọn Trần Trung Tá, người ít qua lại với ông, trong khi quan tham tri chính sự Võ Tán Đường thường xuyên túc trực thuốc thang cho ông thì ông lại không giới thiệu?

Tô Hiến Thành đã trả lời rằng, “nếu cần người lo đại sự quốc gia thì cần cử Trần Trung Tá, còn nếu cần người phục dịch cơm nước thì không ai hơn Võ Tán Đường”.

Hồ Chí Minh đã giải thích cho cán bộ về chữ Liêm như sau (43):

- Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình là tham danh đạo vị.

- Gặp việc phải mà sợ khó nhọc, nguy hiểm, không dám làm là tham dật úy lao.

- Gặp giặc mà rụt rè, không dám đánh là tham sinh Úy tử.

Những thái độ như thế là bất liêm.

Do bất liêm mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp. Bất liêm tức là trộm cắp.

Ngày nay, tham nhũng đã trở thành quốc nạn, giống như bạo bệnh ung thư đã di căn tới nhiều tổ chức trong xã hội. Chống tham nhũng chính là chống nạn bất liêm đang có nguy cơ tràn lan khắp nơi, đe dọa sự sống còn của quốc gia. Chính vì thế, chúng ta lại càng đòi hỏi ở những người có địa vị cao trong xã hội, những người được nhân dân giao phó công việc phải thật liêm chính, suốt đời trong sạch trong phục vụ nhân dân.

4. Suốt đời cống hiến cho dân, cho nước

Hồ Chí Minh viết:

Sự dân nguyện tận hiếu
Sự quốc nguyện tận trung
(Thờ dân trọn đạo hiếu,
Thờ nước vẹn lòng trung)

“Trung với nước, hiếu với dân” là lẽ sống của danh nhân, của những người thành danh trong xã hội từ lịch sử đến hiện đại. Những danh nhân Việt Nam trong thời đại nào, trong lĩnh vực nào cũng có như Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng v.v... Họ là những người sống trong lòng dân, bởi mỗi việc làm của họ đều vì dâu, vì nước.

Ngày nay, đất nước đã có những đổi mới kỳ diệu mà kết quả đó không thể tách rời với sự đóng góp của những danh nhân. Mấy trăm năm trước, Lê Quý Đôn đã tổng kết những yếu tố cơ bản làm nên sự hưng thịnh quốc gia bằng 4 câu ngắn gọn:

“Phi công bất phú.
Phi thương bất hoạt.
Phi nông bất ổn.
Phi trí bất hưng”

Trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước đẩy mạnh các lĩnh vực sản xuất trong nên kinh tế tri thức theo hướng tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đã có một vị trí được thế giới biết đến và tôn trọng.

Tiếc rằng, trong lúc này, không ít cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, một số doanh nhân lớn, một số nhà chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục, y tế, ngoại giao, an ninh, quốc phòng... đã từng có nhiều đóng góp cho xã hội, lại dính vào vòng lao lý. Điều này bắt nguồn từ sự bất liêm, từ việc lẽ sống của họ đã có sự lệch hướng.

III. Tương lai phát triển những tài năng

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự chuyển đổi số trong xã hội hiện đại đang thai nghén những mẫu người mới, và những lớp người sinh ra trong thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI trở về sau sẽ có những năng lực mới, những phẩm chất đạo đức mới, và từ đó sẽ nảy sinh ra những tài năng có sức mạnh tầm cỡ hành tinh, sức mạnh địa chất làm biến đổi bộ mặt trái đất. Câu nói này của V.I.Vernatsky sẽ rất đúng vào lúc này.

Lực lượng lao động chính trên thế giới hiện nay gồm chủ yếu những người thuộc thế hệ Y (Generation Y – Gen Y). Thế hệ Y còn được gọi là Thế hệ Millennials, tức là thế hệ thiên niên kỷ, trưởng thành trong giai đoạn chuyển giao thế kỷ XX – thế kỷ XXI. Họ là những người đầu tiên tiếp xúc với những công nghệ của thời đại kỹ thuật số. Thế hệ này làm quen dần với thế giới ảo, với mạng xã hội, với các forum hay với blog (44). Ở Việt Nam, vào năm 2020, 37% dân số nằm trong Gen Y (45).

Con em Gen Y là Thế hệ Z (Generation Z, Gen Z) sinh ra trong khoảng thời gian 1997 – 2012. Gen Z được gọi là Zoomer Generation. Tính đến năm 2022, thành viên trẻ nhất của Thế hệ Z vừa tròn 10 tuổi và lớn tuổi nhất mới đạt 27 tuổi. Trên báo chí, thế hệ Z được gọi bằng nhiều tên khác nhau như “Thế hệ công nghệ” (Gen Tech), “Thế hệ mạng” (Gen Net). Thế hệ Z thể hiện một lối sống khác rất nhiều so với thế hệ Y, chẳng hạn, họ say mê Smartphone, qua đó kết nối bạn bè rộng rãi, cập nhật thông tin nhanh chóng, trao đổi quan điểm với nhiều người, bắt đầu sống trên mạng xã hội nhiều hơn đàn anh và thành thạo trong việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến.

Thế hệ Z đang trải nghiệm thế giới VUCA6 và sau những đối đầu với những biến động xã hội, họ sẽ trở nên một thế hệ sắc sảo.

Sau thế hệ Z là thế hệ Alpha (Generation Alpha – Gen A), lớp người ra đời vào khoảng thời gian 2013 – 2027. Các cháu nhỏ đang được gửi vào Nhà trẻ hay đang học Mẫu giáo và Tiểu học hiện thuộc vào Gen A. Vào sau năm 2030 mới bắt đầu có lao động thuộc thế hệ này.

Ở những nước phát triển, trẻ em thuộc Gen A được tắm mình vào môi trường số (Digital environment) ngay lúc lọt lòng. Chúng lớn lên cùng với những thế hệ công nghệ hiện tại nối tiếp nhau để tạo nên xã hội thông minh. Vì thế, nhiều người coi thế hệ Alpha là những Digital Natives – những người có tố chất kỹ thuật số bẩm sinh. Thế hệ Alpha được gọi bằng nhiều tên như thế hệ kính (Glass generation), thế hệ màn hình (Generation Screenager), thế hệ Internet (iGeneration)...

Người lớn tin tưởng rằng, thế hệ Alpha sẽ tạo ra những khác biệt so với thế hệ cha ông như:

- Sự bùng nổ của những công nghệ cao sẽ giúp cho thế hệ Alpha có năng lực kết nối toàn cầu.

- Thế hệ Alpha là những công dân toàn cầu, sống trong ngôi nhà toàn cầu, ở đó không có bất cứ rào cản nào về ngôn ngữ và văn hóa.

- Thế hệ Alpha sẽ định nghĩa lại những thuật ngữ ta đang dùng hiện nay như Quốc gia, biên giới quốc gia, trường học, hệ thống giáo dục v.v...

- Con em thế hệ Alpha sẽ tạo nên một thế giới ảo và một lối sống và văn hóa sống trong đó.

Chắc chắn, trong cái tương lai ấy sẽ xuất hiện những tài năng kiệt xuất, những danh nhân thời đại mới. Nhưng, dù thay đổi thế nào thì những danh nhân trong lịch sử nhân loại từ ngàn năm qua vẫn được tôn thờ và ghi nhớ đời đời.


(43) Hồ Chí Minh –“Cần, kiệm, liêm, chính”. Toàn tập, tập V, Nhà XB Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.231.

(44) Michael Dimock có bài báo “Defining generation: Where Millennials end and Generation Z begins”, Tháng 3/2018, có thể tham khảo để hiểu sâu hơn về Gen Y.

(45) Thế hệ Y sinh ra trong khoảng thời gian 1981 – 1996.

(46) VUCA là cái tên được ghép bằng 4 chữ cái: V (Volatility: biến động), U (Uncertainty: bất định), C (Complexity: phức tạp), A (Ambiguity: mơ hồ)

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Tất Dong (2010). Những phẩm chất nhân cách đặc trưng của người Thăng Long – Hà Nội, Nhà XB Hà Nội, Hà Nội.

2. Phạm Tất Dong (2013). Khuyến tài, Nhà XB Dân trí, Hà Nội.

3. Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh (2005). Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nhà XB Giáo dục, Hà Nội.

4. P.S Taranov (2000), 106 nhà thông thái. Nhà XB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Ngô Đức Thọ, chủ biên (1993). Các nhà khoa bảng Việt Nam. Nhà XB
Văn hóa, Hà Nội.

GS.TS Phạm Tất Dong