Sau Galton nhiều năm, ta thấy xuất hiện V. Efroimson trong lĩnh vực nghiên cứu di truyền và tài năng. Tại Đại hội toàn Liên bang Xô Viết về di truyền học năm 1978, Efroimson công bố một phần kết quả của mình, đáng chú ý là một tổng kết với một cụm từ: Tam đoạn thức của tài năng (41):
- Sự nảy sinh tài năng tiềm tàng - đó là vấn đề sinh học và di truyền học.
- Sự phát triển và hình thành tài năng - đó là vấn đề sinh học - xã hội.
- Sự thực hiện tài năng - đó là vấn đề xã hội.
Bình luận về “Tam đoạn thức của tài năng”, M.Golubovsky viết: Nếu tinh xấp xỉ đại khái thì tần số sản sinh những người tài năng lớn vào khoảng một trên vài ba nghìn người. Nhưng người có khả năng phát triển thành tài năng thực sự trên thực tế chỉ vào khoảng một trên một triệu người. Và cuối cùng, số tài năng đặc biệt (thiên tài – tác giả chú thích) chỉ có khoảng một trên mười triệu người.
Golubovsky nhấn mạnh: “Bà mẹ tự nhiên” đã gửi đến cho thế giới những tài năng với số lượng khá nhiều. Song các yếu tố sinh học – xã hội và xã hội đã có tác dụng như một cái lọc, một cái van, chỉ để cho một số ít tài năng lọt qua”.
Tuy tạo hóa tỏ ra rất hào phóng ban cho mỗi người khả năng phát triển thành tài, nhưng để thành tài lại chỉ thấy ở một số ít. Trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi đã nói răng, trong thiên hạ, “nhân tài ít như lá mùa thu, tuấn sĩ thưa như sao buổi sớm” là như vậy.
Khi viết tác phẩm về trí thức Việt Nam, tôi nhờ Giáo sư Phan Huy Lê cho ý kiến về sự xuất hiện các thiên tài ở Việt Nam, ông cho biết, nói những thiên tài như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh thì trong gần 10 thế kỷ (tính từ khi xây dựng Quốc Tử Giám đến thời điểm kết thúc nền Nho học ở nước ta) chỉ thấy có 7 người, và các nhà khoa bảng thì chỉ có 2898 vị. Quy luật hình thành và phát triển tài năng trong các nước trên thế giới là hoàn toàn như nhau. Nếu tìm đến những tên tuổi nhu Mozart, Betthoven, Léona de Vinci, Isaac Newton, Gauss, Puskin, Vichto Hugo, Napoléon, Karl Marx... thì vì tất đã đạt con số 500 người!
Cha ông ta dùng từ nói về danh nhân rất chính xác – những bậc Hiền tài những con người tài giỏi và đức độ và khẳng định Hiền tài mới là nguyên khí quốc gia.
Những Danh nhân, những bậc hiền tài là những người học cao, hiểu rộng, nhìn xa..., nhưng lại là người mà thiên hạ biết ơn họ ở sự đóng góp to lớn cho xã hội, ở lòng yêu nước, ở tỉnh thần phục vụ vô điều kiện cho người dân. Danh nhân là người có học, còn những người học nhiều mà không gắn sự nghiệp của mình với sự hưng thịnh quốc gia, với sự tồn vong của dân tộc và với sự đóng góp cho nhân loại thì chỉ là người được học mà thôi.
Xã hội cất công đào tạo nhân tài và kỳ vọng nhân tài mang trí tuệ, sức lực của mình phục vụ xã hội, đúng như Hoàng đế Quang Trung viết trong “Chiếu cầu hiền”: Nhân tài mà ẩn giấu đi thì không đúng với ý Trời sinh ra người tài vậy.
II. Những nét đặc trưng của các bậc hiền tài
1. Suốt đời gắn bó với dân
Những người thành danh trong xã hội đều sống trong lòng dân vì một lẽ dễ hiểu: Họ luôn vì dân. Học được dẫn coi là những trí nhân. Trí là sự hiểu biết, là sự trong sáng, tỏ tường, thông minh. Trí là kết quả học tập, tu dưỡng lâu dài.
Nói một cách khái quát, người thành đạt đến bậc trí giả luôn thấy trước được điều mà người khác chưa thấy, luôn lo trước những việc mà người khác chưa lo.
Họ có được phẩm chất ấy do họ luôn sống vì dân, và biết ơn dân. Daisaku Ikeda – nhà triết học, nhà giáo dục, chủ tịch danh dự của Soka Gakkai (Nhật Bản) – viết này tạo nên lẽ sống của danh nhân. Ikeda nhấn mạnh rằng, người trí thức, bậc trí nhân không gắn mình với nhân dân thì chính họ đã làm mất sự thông tuệ của mình.
2. Suốt đời thực hiện những hành trình hướng tới và kiến tạo tri thức
Hồ Chí Minh là một điển hình về con người thực hiện hành trình hưởng tới tri thức (The Journey to get knowlegde) và hành trình kiến tạo tri thức (The Journey for creating knowlegde): tìm kiếm tri thức cứu nước để tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, tìm kiếm tri thức để tiến hành sự nghiệp thống nhất nước nhà để chỉ đạo cuộc chiến tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất Tổ quốc. Hai hành trình tìm kiếm tri thức và sáng tạo tri thức nối tiếp nhau tạo thành những chu kỳ, và khi chu kỳ này kết thúc thì ngay lập tức lại bắt đầu một chu kỳ mới. Các chu kỳ đó diễn ra trong suốt đời, mà đời nay, nhân loại gọi đó là “Học tập suốt đời” “Lifelong Learning). Hồ Chí Minh đúc kết hành trình hướng tới trị thức và sáng tạo tri thức thành một “tam đoạn thức học tập”.
“Học không bao giờ cùng
Học mãi để tiến bộ mãi
Càng tiến bộ, càng thấy cần phải học thêm (42)"
Mọi danh nhân, mọi nhân tài đều đi trên con đường này. Không ai thành danh mà lại không học, không ai học ít mà thành danh. Học tập trong trường học, học tập tại gia đình, học tập tại nơi làm việc, học tập trong các phòng thí nghiệm, trong các đợt nghiên cứu khoa học... phải là một hành trình tiếp cận, truy cập, chiếm lĩnh, sử dụng và sáng tạo tri thức mới. Đó là cái nghiệp của các người tài (nhân tài), của người thành đạt và thành danh.
Trong lịch sử Việt Nam, những nhà khoa bảng thời Nho học có 2898 vị. Tất cả xuất thân từ sự khổ công học tập – Đoàn Tử Quang (1818 – 1928) là một điển hình: Tính đến khi 66 tuổi, ông đã đi thi 20 lần, nhưng chỉ đỗ Tú tài lần thứ nhất vào năm 49 tuổi và lần thứ hai vào năm 66 tuổi. Đến năm 1990, do yêu cầu của dân làng và của mẹ già, Đoàn Tử Quang đi thi lần thứ 21, khi đó đã 82 tuổi.
Thời hiện đại, ở Việt Nam có hàng nghìn nhà khoa học, nhà văn, nhà chính trị thể hiện nghị lực học phi thường. Điển hình như Phạm Quang Lễ tức Trần Đại Nghĩa (13/9/1913 – 9/8/1997), đã tốt nghiệp cử nhân toán và kỹ sư tại trường Bách Khoa Paris (École Polytechnique), Đại học Mở Paris (École national supérieure des mines), Đại học Điện (École Électrique), Đại học Sorbone, Đại học Cầu - Đường (École de la route et des ponts), sau đó làm việc ở trường Quốc gia Hàng Không và Vũ Trụ của Pháp (École nationale supérieure de l'aéronautique et de l'espace).
Ông là tác giả của súng Bazooka, súng không giật (SKZ), bom bay và nhiều loại vũ khí khác, Ông được Nhà nước ta phong là Viện sĩ và Thiếu tướng quân đội Nhân dân Việt Nam.
(Còn tiếp)
(41) Xem M.Golubovsky – Tạm đoạn thức của tài năng. Bản tiếng Nga, Thế Trường dịch sang tiếng Việt, Phạm Hoàng Gia hiệu đính. Bản tiếng Nga trong Tạp chí “Tri thức”, số 9/1986. Tài liệu tham khảo trong tủ sách của Ban Tâm lý học, Viện khoa học giáo dục Việt Nam.
(42) Hồ Chí Minh. Thư gửi “Quân nhân học báo” (4/1949). Toàn tập, Tập V, Nhà XB Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.213.