
Nhân tập Thơ Sóng Hồng ra mắt bạn đọc, Trường Chinh có dịp trình bày những ý kiến của mình về thơ, trong Lời nói đầu: Cùng bạn đọc. Điều đáng chú ý là trong các loại hình nghệ thuật, ông đánh giá rất cao vị trí của thơ, khi cho rằng: “Thơ là nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất của trí tưởng tượng”. Chữ “bậc nhất” này trong lần tái bản Thơ Sóng Hồng năm 1967 vẫn còn, nhưng đến bộ tuyển Về văn hóa và nghệ thuật, tập II, năm 1986, ông mới lược bỏ, để chỉ còn là “nghệ thuật kỳ diệu của tưởng tượng”. Như vậy vẫn là một đánh giá cao. Người yêu thơ và thích làm thơ đó cố nhiên là rất mê Truyện Kiều. Hồi kháng chiến chống Pháp, ở Việt Bắc, Trường Chinh luôn có một bản Kiều ở bên mình, để thỉnh thoảng ngâm ngợi; và đoạn thơ ông thích nhất là đoạn Kim - Kiều thề thốt dưới trăng. Ông đã từng có lần bàn về Kiều rất say sưa, suốt đêm với Hoài Thanh; sáng ra khi chia tay vẫn còn níu lại để nói thêm một lúc nữa... Cái sự yêu mến Truyện Kiều và Nguyễn Du này ở Trường Chinh rồi còn được phát triển thêm, còn đi xa hơn, trong dịp kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du, năm 1965. Với tư chất và thiên hướng của nhà lý luận, Trường Chinh còn có dịp triển khai mạch suy nghĩ và sự khái quát của mình lên tầm một Chủ nghĩa hiện thực phê phán nơi Nguyễn Du. Nhưng rồi ông đã không cho công bố văn bản này. Và như vậy xem ra là thích hợp với phong cách thận trọng của ông - thận trọng trên tất cả mọi lĩnh vực nói và viết; và một sự thận trọng như thế lại càng cần thiết khi đi vào các lĩnh vực quá cụ thể, quá chuyên sâu của học thuật, để tránh khó khăn, lúng túng cho các giới chuyên môn, và cố nhiên cho cả người có tư cách phát biểu là lãnh đạo ở cấp rất cao, là đại diện của lãnh đạo.
Người mê Truyện Kiều cũng là người từng đọc, từng sống với phong trào Thơ mới. Cũng ở đây, ta có dịp chứng kiến một tiếp nhận “phức điệu” ở Trường Chinh. Trong bút danh Sóng Hồng, năm 1942, Trường Chinh đã có bài Là thi sĩ nổi tiếng, đứng trên quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh để đối thoại và phê phán Xuân Diệu - người từng viết: “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió. Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Tác giả Là thi sĩ - người chủ trương: “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ. Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” quả không chút nhân nhượng và thật rạch ròi trên hai tuyến vị nghệ thuật và vị nhân sinh cũng là người đã nêu một ý kiến nổi tiếng về văn học lãng mạn: “Đối với trào lưu văn nghệ lãng mạn, chúng ta không nên mạt sát, vơ đũa cả nắm, mà cần đi vào phân tích những dòng tiến bộ trong những thời kỳ khác nhau”. Chính người nhất quán và triệt để trên quan điểm cách mạng và văn nghệ cách mạng ấy đã có lúc nói đến một nỗi niềm riêng rất xao xuyến, bâng khuâng được gợi lên từ một số khổ thơ trong bài Tràng giang của Huy Cận. Cái nỗi niềm yêu quê hương trong hoàn cảnh nước mất của người cách mạng quả đã tìm được sự trang trải, chia sẻ trong cảnh trời rộng, sông dài, với bèo dạt mây trôi trong một bài thơ lãng mạn tiêu biểu; điều đó nói rằng, dẫu thuộc phạm trù văn thơ lãng mạn, phong trào Thơ mới vẫn để lại trong di sản những giá trị mà ta - “không nên mạt sát, vơ đũa cả nắm”. Từ ý tưởng này, Trường Chinh còn phát triển thành một luận điểm khái quát cho một nhìn nhận văn học sử: “Các tầng lớp tư sản dân tộc và tiểu tư sản trí thức Việt Nam tìm thấy trong chủ nghĩa lãng mạn một tiếng thở dài chống chế độ thuộc địa”. Cái “tiếng thở dài” này đã trở thành một niềm an ủi cho những ai không “may” thuộc trào lưu lãng mạn. Riêng nhân vật Dũng cùng đám bạn bè đồng chí của anh ta, trong Đôi bạn, Đoạn tuyệt và Thế rồi một buổi chiều của Nhất Linh hẳn được sự chia sẻ nhiều nhất để không bị đẩy vào hệ nhân vật... phản diện. Và chính Tự lực văn đoàn, rồi cũng nhận được một sự đánh giá công bằng của Trường Chinh: “Hoạt động của nhóm Tự lực văn đoàn cũng đã góp phần đẩy phong trào văn nghệ nước ta tiến lên một bước”.
Cũng cần nhắc thêm ý kiến của ông về Hoàng Ngọc Phách, nhân ngày nhà văn họ Hoàng mất, năm 1973; đối với ông, Hoàng Ngọc Phách không phải chỉ ở tư cách một người thầy cũ mà còn là một thanh niên yêu nước và là tác giả của Tố Tâm, cuốn sách mở đầu cho trào lưu văn học lãng mạn ở Việt Nam.
Ngoài Đường lối văn nghệ của Đảng được ông phát biểu trực tiếp như một sự tổng kết vào tháng 12 năm 1968, trong Đại hội văn nghệ toàn quốc (trên miền Bắc) lần thứ IV, các ý kiến như được nêu trên của Trường Chinh phát biểu rải rác trong một thời gian dài, ngót bốn chục năm, từng là cơ sở, là điểm tựa cho giới nghiên cứu, phê bình khi nhìn lại các trào lưu văn học được xem là lãng mạn - cả trong nước và trên thế giới. Trong bối cảnh căng thẳng của cuộc chiến tranh lạnh giữa hai phe trên phạm vi toàn thế giới, giữa hai giai cấp, hai ý thức hệ, hai con đường dường như không lúc nào ngưng nghỉ, trên miền Bắc và trong cả nước, cố nhiên sự vận dụng các ý kiến trên của Trường Chinh chưa thể là triệt để. Chủ nghĩa lãng mạn trong văn học thế giới và văn học Việt Nam nhìn chung vẫn là đối tượng phê phán, với mức độ khác nhau. Phải đến công cuộc đổi mới thì sự nhận thức lại về chủ nghĩa lãng mạn (bao gồm phong trào Thơ mới và Tự lực văn đoàn) mới mang định hướng khẳng định; và do đó mà dần dần đủ sức vượt qua các thành kiến và thiên kiến còn khá nặng nề không chỉ trong giới nghiên cứu mà cả trong tâm thế một phần công chúng xã hội. Xét như vậy để thấy dẫu đã có cái nhìn ít nhiều cởi mở, ý kiến của Trường Chinh vẫn không làm lay chuyển được cục diện chung; và xét cho cùng sự đánh giá của Trường Chinh vẫn còn dè dặt, và đó là điều có thể hiểu được, giải thích được.
Nói đến Trường Chinh, còn phải kể đến tư cách một nhà báo - người có một sự nghiệp viết báo sôi nổi từ thời Mặt trận Bình dân (1936-1939); người chủ trì báo Cờ giải phóng, với những bài viết cổ vũ toàn dân xốc tới cao trào Tổng khởi nghĩa thật chấn động và đúng lúc như Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta... Hoạt động báo chí của Trường Chinh trước 1945 là rất phong phú nhiều mặt; ở đây tôi chỉ muốn trở lại giá trị của riêng tác phẩm Vấn đề dân cày, ông viết cùng Võ Nguyên Giáp (dưới bút danh Qua Ninh và Vân Đình), trong Tủ sách Dân chúng, Nhà xuất bản Đức Cường ấn hành năm 1937. Cuốn sách có giá trị một điều tra xã hội học, một phóng sự nhiều kỳ, một bút ký chính luận về các mặt của đời sống nông thôn dưới chế độ phong kiến - thực dân. Cuốn sách với các con số, các mẩu chuyện, các sự kiện nhằm chứng minh tình thế bức xúc hướng tới cách mạng trong tình cảnh người dân cày. Cuốn sách xuất hiện cùng thời với Tắt đèn, Bước đường cùng, Vỡ đê... góp phần làm sáng tỏ một thực trạng xã hội có ý nghĩa tố cáo chế độ phong kiến thực dân; đồng thời tạo một nhận thức cơ bản cho sự nghiệp cách mạng dân tộc - dân chủ - nhân dân ở Việt Nam là nơi có trên 95% số dân là nông dân. Cho đến đầu thế kỷ XXI, trong sự nghiệp đổi mới mà nhìn lại thì các chương nói về phong tục và giáo dục, về cách thức sinh hoạt ăn ở, về các hủ tục làng xã... vẫn là những chương có giá trị, gợi cho ta nhìn kỹ, nhìn rõ vào những vấn đề của chính bản thân mình, của đất nước và dân tộc mình, trong một sự nghiệp hoàn toàn mới mẻ: Sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa để đưa dân tộc thoát ra khỏi tình thế phong bế, nghèo nàn, lạc hậu. Vấn đề dân cày, đúng như tên sách, không chỉ là một tiếng kêu bức xúc hướng tới cách mạng, rồi sẽ được giải quyết ở thời điểm tháng Tám năm 1945, mà còn là vấn đề xuyên suốt thế kỷ: Vấn đề người nông dân tự cải tạo, tự vươn lên trên một tầm mới của cách mạng văn hóa, của cách mạng khoa học kỹ thuật; vấn đề người nông dân cần những hành trang gi đó chuyển vào một hình thái xã hội mới, một tình thế lịch sử mới, khi đất nước bước vào kỷ nguyên Toàn cầu hóa, cách mạng thông tin và hội nhập quốc tế.
Nói đến nhà báo Trường Chinh, cần phải kể thêm: Đó là một người viết luôn có ý thức trau dồi và mong mọi người làm báo, viết văn cũng chăm lo trau dồi về chữ dùng, về câu văn, về ngôn ngữ tiếng Việt; là người từ rất sớm đã viết: Mười tám điều tự răn trong khi viết văn (1947), và Hãy gây một phong trào làm trong sáng lời và văn của chúng ta (1948).