
Nói chẵn 25 năm vì sau thời điểm 1968, cho đến khi qua đời, năm 1988, những bài nói và viết của Trường Chinh không còn mang tính chất tổng kết và vạch đường lối cho văn nghệ mới nói chung, mà chỉ là những ý kiến trên nhiều lĩnh vực cụ thể của văn nghệ như nhiếp ảnh, điện ảnh, âm nhạc, báo chí, ngâm thơ,... Dường như, theo quan điểm của Trường Chinh và cũng là theo tiếp nhận của người đọc, trong đó có đội ngũ công tác lý luận, phê bình, nghiên cứu lúc này, một tổng kết gồm 8 mục như trong bài phát biểu năm 1968 là đã đủ và không cần nói gì thêm. Một tổng kết như là một sự hoàn thiện cả một quá trình nhận thức, theo đuổi về các vấn đề văn hóa, văn nghệ cách mạng theo quan điểm của Đảng, ở một người, trong nhiều chục năm cùng với Tố Hữu, có trách nhiệm thay mặt Đảng trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo văn học - nghệ thuật. Cần ghi vào lịch sử lý luận văn nghệ cách mạng Việt Nam những bài nói, bài viết của Trường Chinh xuất hiện khá liên tục trong thời gian ngót ba mươi năm ấy, sau này được Nhà xuất bản Văn học tập hợp và in đầy đủ trong 2 tập Về văn hóa và nghệ thuật vào các năm 1985 và 1986; và đã được tái bản vào đầu năm 2007.
Đó là các bài: Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam lúc này (1945) nhằm phát triển và cụ thể hóa Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943); Chủ nghĩa Marx và văn hóa Việt Nam trong Đại hội văn hóa toàn quốc lần thứ II (1948); Phấn đấu cho một nền văn học - nghệ thuật phong phú dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội trong Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ II (1957); Tăng cường tính Đảng, đi sâu vào cuộc sống để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng tốt hơn nữa trong Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ III (1963); và bài phát biểu trong Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ IV - năm 1968, như đã trình bày ở trên.
Tất cả những bài viết, bài nói của Trường Chinh trong các dịp quan trọng, và có giá trị văn kiện như trên, cùng với Thư của Ban chấp hành Trung ương Đảng gửi các Đại hội văn nghệ, qua các nhiệm kỳ, đều được các giới văn hóa, văn học, nghệ thuật học tập, nghiên cứu, thảo luận để thấm nhuần và thực thi trong hoạt động nghề nghiệp của mình, trong suốt một thời gian dài, ít nhất là hết nửa đầu thập niên 1980. Đó cũng là căn cứ, là tiêu chí để xem xét và đánh giá những thành tựu và những non yếu, hạn chế của văn học - nghệ thuật Việt Nam qua từng chặng phát triển của nó cho đến trước Đại hội VI - cuối năm 1986 của Đảng...

Tôi chọn mốc 1968 để thấy sự tổng kết trên 8 mục như một cấu thành hoàn chỉnh Đường lối văn nghệ của Đảng mà Trường Chinh có trách nhiệm khởi thảo và phát biểu. Thời điểm 1968 với sự kiện Tết Mậu Thân, là thời điểm quyết liệt trong sự nghiệp đấu tranh ở miền Nam; phải 7 năm sau mới có Đại thắng mùa Xuân 1975. Thời điểm 1968, tính theo sự phát triển đất nước, còn phải chờ ngót hai chục năm sau mới đến được bước ngoặt là công cuộc Đổi mới. Có nghĩa là cuộc sống còn đang diễn biến trong cả một thời gian dài với biết bao thử nghiệm và thử thách đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nói chung, trong đó có sự nghiệp văn hóa, văn nghệ. Có thể nghĩ, người có đóng góp tích cực cho thành công của Đại hội VI - 1986 trên hai khẩu hiệu lớn: Lấy dân làm gốc và Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật ở tư cách Tổng bí thư - cuối năm 1986, hẳn chắc cũng sẽ sáng suốt trong việc nhận ra những mặt còn hẹp hòi, còn hạn chế trong các vấn đề lý luận được xem là cốt lõi, là nền tảng cho sự nghiệp xây dựng một nền văn nghệ mới - văn nghệ cách mạng. Sự hẹp hòi và hạn chế đó có mặt do các nguyên nhân lịch sử khách quan quả là khó tránh, đến từ các hoàn cảnh hẹp và rộng, riêng và chung, của đất nước và của toàn phe xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam là bộ phận. Có mặt do chính những hạn chế chủ quan của chúng ta - có lúc, có nơi còn thiếu một cái nhìn rộng rãi, cởi mở trên các đặc thù riêng của văn chương, nghệ thuật; có lúc có nơi còn phạm những thiếu sót trong việc thực thi các chủ trương, chính sách trong thực tiễn. Có thể nói những mặt hẹp hòi và hạn chế đó, ở hoàn cảnh hôm nay, trong thành tựu của công cuộc Đổi mới và hội nhập quả không phải là khó thấy, trong đó có các vấn đề về văn nghệ phục vụ chính trị; về đặc trưng và chức năng của văn học - nghệ thuật; về tính Đảng và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa; về việc đánh giá văn học lãng mạn trước 1945, và việc nhìn nhận các trào lưu và khuynh hướng nghệ thuật trong thế giới hiện đại phương Tây; cùng với một số vấn đề cụ thể trong lý luận văn hóa, văn học, nghệ thuật đưa tới những vụ, những việc, hoặc những án oan trong đời sống văn nghệ, kể từ sau vụ Nhân văn Giai phẩm 1956 - 1958 cho đến hết thập niên 1990...
Tư tưởng lý luận và hệ thống lý luận bao giờ cũng chịu sự chi phối của các hoàn cảnh lịch sử. Có yêu cầu của lịch sử và cũng có quy định (hoặc áp lực) của lịch sử. Có cái đúng và cần thiết cho một thời đã không còn thích hợp với các hoàn cảnh đã biến đổi. Sự ít hoặc chậm thay đổi trên một số vấn đề lý luận quan trọng của văn hóa, văn nghệ sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng - năm 1975, quả có gây nên những hạn chế hoặc tổn thương khó tránh đối với tiến trình phát triển chung; và đó chính là trách nhiệm lịch sử được trao cho công cuộc Đổi mới, với không ít các vấn đề đã được nhận thức lại để sửa đổi, cùng một số vụ, việc cũ đã dần dần được giải tỏa, sau ngày đồng chí Trường Chinh qua đời.