Danh nhân Hồ Chí Minh hiện tượng liên văn hóa tiêu biểu, đặc sắc (Phần 1)

Đinh Thảo
I. Liên văn hóa - Lược sử, khái niệm: Cả thế giới đang bước vào kỷ nguyên cách mạng 4.0 với sự phát triển chóng mặt về kinh tế, khoa học, y tế,... Là thời của vi điện tử, của kết nối vạn vật, của người máy...nên con người đứng trước cơ hội được thụ hưởng những văn minh mới mẻ nhưng cũng phải đối mặt với những thử thách ghê gớm: Nạn thất nghiệp, ô nhiễm môi sinh, dịch bệnh... Trước sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế ngày càng lớn, con người càng phải cần đến nhau hơn, để đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ, san sẻ.
hcm-1682669356.jpg
Danh nhân Hồ Chí Minh hiện tượng liên văn hóa tiêu biểu, đặc sắc, độc đáo (Ảnh: TTXVN)

Như trong Đại dịch covid 19 càng thấy rõ sự chi phối giữa các quốc gia càng trở nên mạnh mẽ và cũng gay gắt hơn bao giờ hết. Đó là tiền đề cho sự giao lưu văn hóa diễn ra như một tất yếu và ngày càng sâu sắc. Do vậy nghiên cứu liên văn hóa được đặt ra như là một nhu cầu tự thân. Vì là thành tố cơ bản của văn hóa nên trong văn học, liên văn hóa biểu hiện tập trung và sinh động nhất. Đó cũng là một quy luật phát triển của văn chương luôn có sự kế thừa, tiếp nối, phát triển và nâng cao.

Như một cây xanh cắm sâu chùm rễ khỏe khoắn vào các mảnh đất truyền thống dân tộc và nhân loại rồi vươn cao lá cành quang hợp ánh sáng tư tưởng của thời đại, nên lẽ tự nhiên, những trái cây tác phẩm của nhà văn hóa đã kết tinh trong nó những giá trị tinh hoa để tỏa ra hương vị tư tưởng đặc sắc. Quá trình ấy chính là liên văn hóa được biểu hiện cụ thể trong tác phẩm. Cũng tất nhiên mức độ liên văn hóa đậm nhạt, giàu có, phong phú... khác nhau tùy thuộc vào cái tôi chủ thể nhà văn hóa. Như cấu trúc một tòa lâu đài có nền móng vững chắc là văn hóa dân tộc, cái thân lầu là tư tưởng, tâm hồn, trí tuệ được trổ nhiều cửa sổ ngôn ngữ để đón các luồng gió văn hóa bốn phương, có nhiều cửa chính đón độc giả từ khắp nơi ghé thăm, chiêm ngưỡng, học tập…. thế nên càng là nhà văn lớn tính liên văn hóa càng rõ.

Thuật ngữ “đa văn hóa” gần gũi nhưng không đồng nhất với “liên văn hóa”. Đa văn hóa là sự tiếp xúc của nhiều nền văn hóa, là sự cộng gộp mang tính số học giản đơn, bên ngoài. “Liên văn hóa” không chỉ là sự tiếp xúc mà còn là sự xuyên thấm, tương tác, đối thoại lẫn nhau giữa các nền văn hóa, chú ý tới sự phân tích, chọn lựa, hiệu quả giao tiếp, tiếp thu những tri thức mới tạo ra các giá trị văn hóa”. Về điểm này ta thấy “điển cổ” mà văn chương trung đại hay dùng một “liên văn hóa”. Đây không phải là câu chuyện “nệ cổ” hay “sùng ngoại” như từng hiểu một cách cực đoan hẹp hòi mà là kết quả của một sự giao thoa văn hóa.

Hiện nay người ta khuôn các dạng tác giả cơ bản tham gia vào quá trình liên văn hóa, gồm:

- Tác giả nhập cư (đến từ nước khác).

- Tác giả viết bằng ngôn ngữ nước khác không phải ngôn ngữ mẹ đẻ.

- Tác giả sống, trải nghiệm nhiều nền văn hóa

- Tác giả chịu ảnh hưởng mạnh từ văn hóa nước ngoài.

- Tác giả là người dân tộc thiểu số viết bằng cả hai ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ và tiếng phổ thông.

Vì giao tiếp làm nên văn hóa, cũng đồng thời văn hóa làm nên giao tiếp, do vậy thuật ngữ liên văn hóa (intercultural) thực chất là giao tiếp liên văn hóa (Intercultural communication). Nó còn được gọi tên khác là giao tiếp giao thoa văn hoá (Cross-cultural communication). Người đầu tiên sử dụng khái niệm liên văn hóa là nhà nhân học Edward Hall trong công trình The Silent Language (1959)(147).

Hướng nghiên cứu liên văn hóa phát triển mạnh từ những năm 70 của thế kỷ XX để lý giải sự kết hợp, giao lưu, tiếp biến giữa các cộng đồng có những phương thức, tập quán, thói quen sống và quan niệm, nhân sinh quan khác nhau biểu hiện ở các khía cạnh quan hệ truyền thống và hiện đại, dân gian và bác học, bản địa cụ thể và nhân loại phổ quát. Liên văn hóa trong một tác phẩm cụ thể biểu hiện ở việc học tập, kế thừa, phát triển và nâng cao văn hóa dân tộc, ở tiếp nhận văn hóa có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu có văn hóa nước nhà. Nó được thể hiện ở cả nội dung và hình thức nghệ thuật, ở nhiều cấp độ nhưng biểu hiện tập trung ở biểu tượng, nhân vật, ngôn ngữ.

Bước vào thời toàn cầu hóa, liên văn hóa được mở rộng, khái quát thành trào lưu triết học liên văn hóa (The Intercultural Philosophy) hướng đến những điểm tương đồng trên nền tảng của những khác biệt văn hóa. Trong nghệ thuật, liên văn hóa cũng là một xu hướng tất yếu, không chỉ là nhận thức đời sống từ cái nhìn dân tộc, mà đa chiều hơn, hướng đến những giá trị phổ quát, nhân loại, hay được gọi là mẫu số chung của văn hóa toàn cầu. Hiện nay ở nhiều nước ra đời môn học Phân tích giao tiếp liên văn hoá (Intercultural Communication Analysis gọi tắt là ICA) có ở nhiều môn học khoa học xã hội. Môn này rất chú tới hiệu quả giao tiếp thể hiện thành các giá trị văn hóa, như một “phần mềm tinh thần” (mental software), là những tiêu chuẩn, những điều mong muốn tác động đến sự lựa chọn văn hóa.

Xét theo nghĩa hẹp, liên văn hóa có trong một nền văn hóa (quan hệ chiều dọc truyền thống/hiện đại), còn gọi là giao tiếp nội văn hoá (intracultural communication). Theo nghĩa rộng là sự mở ra giao tiếp với các nền văn hóa khác. Vì quá nhiều vấn đề như vậy nên liên văn hóa hiện nay chủ yếu hiểu theo quan niệm là sự giao tiếp giữa những nền văn hóa khác nhau.

Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa kiệt xuất, một hiện tượng liên văn hóa kết tinh những tinh hoa giá trị văn hóa của phương Đông và phương Tây, của dân tộc và nhân loại, của truyền thống và hiện đại... nên chúng tôi cũng chủ yếu xem xét những biểu hiện của sự giao tiếp với các nền văn hóa khác. Đối chiếu với các dạng nhà văn liên văn hóa ở trên thì Bác Hồ có ở cả 4 dạng: là tác giả nhập cư (đến từ Việt Nam); là tác giả viết bằng ngôn ngữ nước khác không phải ngôn ngữ mẹ đẻ (tiếng Pháp, Hán, Anh, Nga...); là tác giả sống, trải nghiệm nhiều nền văn hóa (Bác đi 30 năm, tới 54 nước, trải nghiệm sâu sắc nhiều nền văn hóa của phương Đông, phương Tây); là tác giả chịu ảnh hưởng mạnh từ văn hóa nước ngoài (văn hóa Pháp, Trung Quốc, Nga...).

(Còn tiếp)


(147) E.T. Hall. The silent language, New York: Doubleday, 1959

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú (Viện Trí Việt)