Đến với danh nhân Hồ Chí Minh qua bức chân dung tự họa trong "Ngục trung nhật ký" (Phần 1)

Đinh Thảo
Với bài viết này tôi muốn minh chứng một chân lý về sự nhất trí giữa tác phẩm và tác giả, giữa văn và người; một nhất trí làm nên bản lĩnh, cốt cách, tầm vóc và sự trường cửu các giá trị nhân văn ở một Con người đã trở thành Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa nhân loại.
nhat-ky-trong-tu-15-20-44-264-1680164423.png
Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

1. 135 bài thơ chữ Hán trong Ngục trung nhật ký, được Hồ Chí Minh viết trong khoảng thời gian từ tháng 8-1942 đến 9-1943, nơi các nhà ngục ở Quảng Tây Trung Quốc là một sự kiện rất đặc biệt, và cũng có thể là bất ngờ đối với tác giả. Đặc biệt, bởi, theo tôi hiểu, tác giả dường như chưa có một chuẩn bị gì cho sự kiện này. Nói theo Giáo sư Đặng Thai Mai, đây là tập thơ Hồ Chí Minh ngẫu nhiên mà hái lượm được. Có nghĩa là một tập thơ bỗng dưng mà có; bởi - ít nhất có bốn khả năng khiến cho tập thơ không chào đời; và do vậy sẽ không có trong danh mục tác phẩm của Hồ Chí Minh, và trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX.

Đó là:

- Thứ nhất, Bác không có công việc gì để sang Quảng Châu vào thời gian đó.

- Thứ hai, Bác có việc sang Trung Quốc nhưng không bị bắt.

- Thứ ba, Bác có bị bắt, nhưng thời gian giam giữ là ngắn, chứ không phải là 14 tháng; nghĩa là người tù có thể làm thơ, nhưng lượng bài là ít hơn, hoặc rất ít.

- Thứ tư, Ngục trung nhật ký được viết xong nhưng Bác đã không giữ được bản thảo; có biết bao lý do để bản thảo không trở về với chủ - là tác giả, sau ngót mười năm kháng chiến đã trở về thủ đô. Và như vậy cũng sẽ không có sự hiện diện của bản thảo trong Viện Bảo tàng cách mạng, rồi chuyển sang Viện Văn học (thành lập năm 1959); để từ địa chỉ này mà có sự bận rộn của Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nam Trân - những người tổ chức việc dịch và in ấn rất khẩn trương sự ra đời Nhật ký trong tù vào tháng 5-1960, kịp đón sinh nhật lần thứ 70 của cho tác giả.

Khả năng cuối cùng này, may mắn đã không xây ra. Thế nhưng, cho đến nay hành trình của nguyên tác vẫn còn nhiều chỗ chưa sáng tỏ. Ai đã giữ hộ cho Bác theo những con đường nào? Đến với Triển lãm Cải cách ruộng đất ở phố Bích Câu tập thơ? Ai đã gửi tập thơ về Hà Nội? Từ Hà Nội hành trình của nguyên tác là đi theo những con đường nào? Đến với Cải cách ruộng đất ở phố Bích Câu? Trở về kho lưu trữ của Trung ương Đảng? Rồi chuyển về Bảo tàng cách mạng? Tất cả hành trình đó là do chủ ý của Bác hay của một tổ chức nào? Đã có một số bài báo và luận án Tiến sĩ về đề tài này, báo và luận án Tiến sĩ về đề tài này, nhưng tất cả theo tôi vẫn chỉ là các giả thuyết sau 1960, khi bản dịch Nhật ký trong tù ra đời; hoặc giả Bảo tàng Hồ Chí Minh có một công trình chính thức về câu chuyện này mà tôi chưa được đọc, thì cho phép tôi được xin lỗi, để trình bày lại.

Trong ý tưởng thứ hai này tôi chỉ muốn khẳng định: Ngục trung nhật ký là một tập thơ ngẫu nhiên mà có trong một hoàn cảnh đặc biệt: Bác sang Trung Quốc và bị giam giữ ở nhiều nơi trong 14 tháng. Nếu không có hoàn cảnh đó, chắc chắn sẽ không có tập thơ. Một tập thơ Bác làm từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1943; nhưng phải 17 năm sau bản dịch tiếng Việt mới đến được với công chúng rộng rãi trong nước, và qua các bản dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài mà đến được với công chúng thế giới. Với điểm dừng cuối cùng là Bảo tàng cách mạng, như được nỗi trong Lời nói đầu bản dịch Nhật ký trong tù, in lần đầu năm 1960; và với khoảng cách 17 năm trong im lặng của nó, chứng tỏ người viết không quá quan tâm đến một sản phẩm do chính mình làm ra; nói cách khác, phải chăng Hồ Chí Minh đã không xem đó là một áng văn chương, hoặc có giá trị văn chương thực sự?

2. Trong 14 tháng bị giam giữ và giải tới giải lui qua nhiều huyện thị của tỉnh Quảng Tây; trong hoàn cảnh sinh hoạt rất mực gian khổ của người tù mà nhờ vào hình thức thơ - nhật ký ta được biết, Hồ Chí Minh đã làm 135 bài thơ. Đó là cả một kỷ lục!

Điều tôi quan tâm ở đây là Hồ Chí Minh đã chọn chữ Hán và thể thơ Đường luật bảy chữ - bốn và tám câu, sau 23 năm viết bằng chữ Pháp và chữ Việt. Vì sao có một chọn lựa như thế? Câu trả lời nên chăng là, việc làm thơ, việc bộc lộ các ý tưởng và cảm xúc của mình, đối với Bác, chỉ chữ Hán mới là phương thức chuyên chở và thể hiện thích hợp nhất. Bởi nguồn gốc xuất thân, môi trường đào luyện nhân cách và học vấn của Bác là nằm trong truyền thống Nho học có lịch sử hàng ngàn năm cho kẻ Sỹ ở xứ ta, mà gia đình Bác là thuộc giòng chân Nho. Ở tuổi ngoài 50, dẫu có 30 năm xa xứ, nói và viết bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài, khi trở về với riêng mình, thì chữ Hán vẫn là phương tiện cô đọng và hàm súc nhất cho việc phô diễn và tự sự. Vậy thì, sau khai mở là bài Thượng sơn - năm 1941, ngay sau ngày về nước, bây giờ là lúc mạch nguồn ấy được khơi dậy, để thành một giòng chảy cho con người thơ trong trạng thái tự nhiên có dịp soi vào và nhận diện.

Lý do thứ hai, theo tôi hiểu, với Ngục trung nhật ký, khác với tất cả các tác phẩm viết trong 23 năm về trước, đó là tập thơ Bác chỉ viết cho riêng mình. Không phải cho công chúng của tiếng Pháp khi ở phương Tây, hoặc của tiếng Việt sau khi về nước, ở đây là một nhu cầu ghi chép thực tại, và các trạng huống của nội tâm, mà người đọc không có ai khác ngoài bản thân mình. Để hiểu bốn câu trong bài Khai quyển:

Ngâm thơ ta vốn không ham

Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây

Ngày dài ngâm ngợi cho khuây

Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do

(Nam Trân dịch)

Hiện tượng tìm đến chữ Hán, trong thể Đường luật, theo tôi hiểu là với các lý do như thế, chứ không phải vì bất cứ lý do gì khác, như là phải “giữ bí mật” đối với kẻ thù là bọn quản giáo của Quốc dân đảng! Bác ở trên đất Tàu, và viết bằng chữ Tàu thì có gì là bí mật đối với họ?

(Còn tiếp)

GS. Phong Lê (Nguyên Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)