Từ khởi nghĩa Tây Sơn tới cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Mãn Thanh

Lương Đàm
Phong trào khởi nghĩa chống áp bức của nông dân Tây Sơn phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chống quân xâm lược Mãn Thanh, bảo vệ nền độc lập của đất nước là sự kiện tiêu biểu hàm chứa những động thái giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình rất phức tạp.
emperor-gia-long-1704041103.jpg
Chân dung vua Gia Long (Nguyễn Ánh). Ảnh: Wikipedia

Nền hòa bình ở nước ta cuối thế kỷ XVIII là nền hòa bình gắn với sự suy tàn và mục ruỗng của chế độ phong kiến, Các tập đoàn phong kiến chia ba xẻ bảy đã vì lợi ích riêng mà sẵn sàng cấu kết với ngoại bang và điên cuồng chống lại phong trào đấu tranh của nhân dân, đi ngược lại lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập và thống nhất quốc gia. Nhà Mạc thỏa hiệp và cắt đất cho “thiên triều”. Ở Đàng Ngoài, họ Trịnh bất lực để mất nhiều dải đất biên cương phía Bắc.

Ở Đàng Trong, Nguyễn Ánh rước 5 vạn quân Xiêm vào giày xéo Gia Định, sau đó còn gửi con trai làm con tin sang cầu cứu nước Pháp để chống Tây Sơn. Về phía nhà Lê, sau khi bị truất ngôi, Lê Chiêu Thống cầu cứu nhà Thanh để chúng có cớ đem quân tràn sang cướp phá. Vận mệnh dân tộc bị cả thù trong và giặc ngoài đe doạ. Trong hoàn cảnh đó, thống nhất quốc gia và bảo vệ nền độc lập dân tộc trở thành hai nhiệm vụ quan trọng của phong trào nông dân Tây Sơn do người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ lãnh đạo.

screenshot-1-1704041484.png
Theo lệnh của hoàng đế Càn Long, Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị được giao thống lĩnh 29 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta. Ảnh: internet

Tháng 11 năm 1788, dưới chiêu bài “Phù Lê diệt Tây Sơn”, nhà Thanh cho 29 vạn quân do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy chia làm 4 đạo tiến vào nước ta: đạo chủ lực tiến qua Lạng Sơn; đạo thứ hai tiến qua Cao Bằng; đạo thứ ba tiến qua Tuyên Quang và đạo thứ tư tiến qua Quảng Ninh. Bấy giờ ở Bắc Hà, dân tình còn hướng về nhà Lê, nhất là số quan lại đã bao đời gắn bó với triều đình, còn quân Tây Sơn do tướng Ngô Văn Sở chỉ huy chỉ có độ vài vạn.

Trước thế giặc mạnh, các đồn ải biên giới bị thất thủ, Ngô Văn Sở một mặt gửi thư cho tướng địch xin “hoãn binh”, một mặt theo kế của Ngô Thì Nhậm rút khỏi Thăng Long về Tam Điệp - Biện Sơn để bảo toàn lực lượng, chờ đại quân Tây Sơn từ phía nam. Tôn Sĩ Nghị tiến vào Thăng Long, đặt đại bản doanh ở cung Tây Long, tỏ ra rất ngạo mạn, coi thường quân ta, nên đã cho quân nghỉ ăn Tết Nguyên đán và dự định sang Xuân mới tiếp tục tiến công. Vậy là Tôn Sĩ Nghị đã mắc mưu “dĩ nhược chế cường” của Ngô Thì Nhậm - một cách xử trí thông minh về chiến tranh và hòa bình trong bối cảnh ta phải lấy nhỏ chống lớn.

Tại Phú Xuân, khi được tin báo, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu Quang Trung và làm lễ xuất quân ra Bắc. Ngày 26 tháng 12 năm 1788, đại quân tới Nghệ An, dừng 10 ngày để tuyển thêm bính sĩ, tổ chức duyệt binh lớn tại Vĩnh Doanh, truyền Hịch cứu nước, biểu dương lực lượng và cổ vũ quân sĩ. Khi tiến đến Thanh Hoá, Quang Trung tổ chức Lễ Thệ sư. Đi đến đâu nghĩa quân cũng được dân chúng đón tiếp nồng nhiệt và rất nhiều trai tráng xin tham gia.

4-1704041375.jpg
Súng thần công mà nông dân Tây Sơn sử dụng trong cuộc khởi nghĩa được trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: internet

Ngày 25 tháng 1 năm 1789, Quang Trung tập kết ở Tam Điệp, uý lạo tướng sĩ, khen ngợi mưu kế của Ngô Thì Nhậm, mở tiệc khao quân và chia quân thành 5 đạo: Đạo chủ lực do Ngài đích thân chỉ huy đánh vào Hà Hồi, Ngọc Hồi; đạo thứ hai do Đô đốc Long chỉ huy đánh vào Khương Thượng; đạo thứ ba do Đô đốc Bảo chỉ huy tiến ra Đại Áng; đạo thứ tư do Đô đốc Tuyết chỉ huy theo đường thuỷ tiến vào Lục Đầu Giang; đạo thứ năm do Đô đốc Lộc chỉ huy cũng theo đường thuỷ tiến lên vùng Phượng Nhãn, Yên Thế bịt đường rút của quân Thanh.

Đêm 25 tháng 1 (tức 30 Tết), đạo chủ lực vượt sông Gián Khẩu diệt đồn tiền tiêu của địch. Đêm 28, ta bí mật vây chặt đồn Hà Hồi, uy hiếp buộc địch đầu hàng. Mờ sáng 30, ta đánh đồn Ngọc Hồi, tượng binh, bộ binh, kỵ binh liên tiếp tiến công các vị trí then chốt và đến trưa, đồn này bị san bằng, tàn quân địch chạy về Đầm Mực bị Đô đốc Bảo đón đánh tiêu diệt sạch. Cùng lúc, Đô đốc Long đánh vào Khương Thượng - Đống Đa.

screenshot-4-1704041754.png
Quân ta tấn công đồn Khương Thượng rạng sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, Sầm Nghi Đống thất bại, hoảng sợ, thắt cổ tự tử. Ảnh: internet

Một trận “rồng lửa” của quân và dân kinh thành nổi lên khiến địch bất ngờ, Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử. Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống đang vui tiệc tùng hốt hoảng cùng toán quân hộ vệ bỏ chạy, ra lệnh cắt đứt cầu phao sông Nhị để toàn mạng, khiến hàng vạn quân Thanh trong cơn hoảng loạn dồn xuống sông, ôm nhau chết. Khắp nơi, dọc theo đường chạy trốn, quân Thanh còn bị chặn đánh tơi bời, chỉ trừ một số chạy thoát, còn đều bị giết và bị bắt.

screenshot-2-1704041626.png
Cuối năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung, bố cáo thiên hạ trước khi kéo quân ra Bắc đánh dẹp quân Thanh. Ảnh: internet

Trưa mùng 5 Tết, Quang Trung cùng đạo quân chủ lực tiến vào kinh thành giữa sự hân hoan đón chào của dân chúng. Tuy giành toàn thắng trong chiến tranh, song vua Quang Trung đã có chính sách ngoại giao khôn khéo khi cho người đóng thế mình dẫn phái bộ ngoại giao sang “giảng hoà” với nhà Thanh để giữ hòa hiếu, góp phần bảo đảm nền hòa bình lâu dài cho đất nước.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến