Những nguyên tắc khi tác chiến phòng thủ chiến lược

Lương Đàm
Về nguyên tắc tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh, đó là sự cụ thể hóa các nguyên tắc chung của nghệ thuật quân sự Việt Nam, trực tiếp là nguyên tắc tác chiến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
2-1695744003.jpg
Chiến sĩ Tiểu đoàn 1 sẵn sàng đánh chiếm mục tiêu khi có lệnh. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Một là, chuẩn bị khẩn trương, chu đáo, toàn diện, nhanh chóng ổn định thế trận, sẵn sàng chiến đấu cao. Ngay từ đòn tiến công đầu tiên, địch sẽ huy động sức mạnh ưu thế, bất ngờ tiến công nhanh, mạnh trên các hướng chiến lược. Chỉ khi ta hạn chế được yếu tố bất ngờ, chủ động chuẩn bị lực lượng, thế trận và các mặt bảo đảm, nhanh chóng ổn định được trạng thái tâm lý, tư tưởng bộ đội thì mới bảo đảm giành thắng lợi. Do vậy, khi có tình huống chiến tranh hoặc địch thực hành tiến công hỏa lực, cần căn cứ vào diễn biến, kết quả đòn tiến công hỏa lực, xác định đúng ý đồ tiến công của địch,... để nhanh chóng bổ sung, điều chỉnh phương án, kế hoạch, khẩn trương huy động lực lượng và hoàn thành công tác chuẩn bị, ổn định thế trận phòng thủ sẵn sàng đánh bại các đòn tiến công của địch.

Hai là, sử dụng lực lượng hợp lý, tập trung đủ sức vào mục tiêu, địa bàn chủ yếu, quan trọng và thời cơ quyết định, luôn có lực lượng dự bị mạnh. Trong giai đoạn đầu của đòn tiến công hỏa lực cũng như tiến công trên bộ, địch chưa bộc lộ hết lực lượng và ý đồ tiến công, tình hình liên tục diễn biến rất phức tạp, luôn biến động. Vì vậy, cần kịp thời điều chỉnh tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng hợp lý, tập trung đủ sức ngăn chặn địch tiến công trên các hướng, khi có thời cơ, tập trung nỗ lực thực hiện đòn tiến công tiêu diệt bộ phận địch, bảo vệ, giữ vững mục tiêu trọng yếu. Đặc biệt, cần có biện pháp giữ gìn, củng cố, khôi phục lực lượng, nhất là thường xuyên có và nắm vững lực lượng dự bị mạnh, sẵn sàng chiến đấu cao, để kịp thời xử trí các tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp, vận dụng, kết hợp linh hoạt các quy mô, hình thức, loại hình, phương thức tác chiến và đấu tranh, lấy tác chiến quy mô nhỏ, vừa, phòng ngự giữ vững trọng điểm là chủ yếu. Ngay trong giai đoạn đầu tác chiến phòng thủ chiến lược, cần phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các hướng chiến trường, vận dụng, kết hợp, chuyển hóa linh hoạt các hình thức tác chiến đánh trả địch tiến công hỏa lực, cũng như thực hành phòng ngự, phản công, tiến công đánh địch đổ bộ đường không, đổ bộ đường biển,... với quy mô, hình thức, phương thức thích hợp. Tuy nhiên, do đặc điểm tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh, để hạn chế thế mạnh ban đầu của địch, ta cần lấy tác chiến quy mô nhỏ và vừa, tác chiến phòng ngự giữ vững mục tiêu trọng điểm là chủ yếu. Đồng thời, cần kiên quyết tiêu diệt, dập tắt nhanh bạo loạn lật đổ và kết hợp tác chiến với các mặt đấu tranh chống tác chiến điện tử, chiến tranh tâm lý, chiến tranh thông tin,...

Bốn là, kết hợp tiêu hao, sát thương rộng rãi, tiêu diệt từng bộ phận địch với giữ vững mục tiêu then chốt, địa bàn chiến lược trọng yếu của ta. Mục tiêu cơ bản của tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh là đứng vững trước đòn tiến công bất ngờ và rất mạnh của địch, ngăn chặn được các hướng tiến công, giữ vững thế trận chiến lược cơ bản, duy trì được thế, lực chiến lược có lợi, sức chiến đấu dài ngày có ý nghĩa quyết định thắng lợi. Vì vậy, phải bằng mọi cách tiêu hao, sát thương rộng rãi, tiêu diệt từng bộ phận quân địch, đồng thời giữ vững mục tiêu, địa bàn trọng yếu của ta.

3-1695744003.jpg
B41 thực hành diệt hỏa điểm địch. Ảnh: Quân đội Nhân dân.

Năm là, lãnh đạo, chỉ huy kiên quyết, liên tục, kịp thời, tập trung, thống nhất. Trong thời kỳ đầu chiến tranh, địch luôn tìm mọi cách tiêu diệt, làm tê liệt hệ thống lãnh đạo, chỉ huy của ta. Hơn nữa, tình huống diễn biến rất khẩn trương, khối lượng công tác chuẩn bị lớn, thời gian ngắn, môi trường chính trị - xã hội biến động phức tạp,... làm cho hoạt động lãnh đạo và chỉ huy khó phân biệt rạch ròi. Vì vậy, cần xây dựng mô hình lãnh đạo, chỉ huy hợp lý, vận dụng tốt các phương thức hoạt động, duy trì lãnh đạo, chỉ huy liên tục, kịp thời, thống nhất các lực lượng, các hướng chiến lược, nhất là trong điều kiện địch tiến hành chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao.

Khi có tình huống chiến tranh, tác chiến phòng thủ chiến lược thời kỳ đầu chiến tranh xuất phát từ nhận thức sâu sắc, khoa học những vấn đề cơ bản trên, cũng như từ tiền đề được chuẩn bị từ thời bình, cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn mang tính trọng điểm. Đó là nhanh chóng hoàn thành việc chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến và động viên thời chiến; điều chỉnh quyết tâm, hạ quyết tâm tác chiến; điều chỉnh, bổ sung các văn kiện tác chiến; giao nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng tác chiến; bổ sung công tác chuẩn bị; tổ chức thực hành tác chiến; kết thúc tác chiến phòng thủ thời kỳ đầu,...

Về vấn đề chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến và động viên thời chiến: được tiến hành trên cơ sở công tác chuẩn bị từ thời bình và kế hoạch chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến. Căn cứ vào Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước và tình hình cụ thể cơ quan chỉ đạo chiến lược cần nhanh chóng hoàn thành việc chuyển các lực lượng vũ trang vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu toàn bộ. Các hoạt động của Đảng và Nhà nước, hoạt động của các bộ, ngành, hoạt động của lãnh đạo và chính quyền các địa phương cũng hoàn thành chuyển sang điều kiện thời chiến. Đồng thời, các địa phương nhanh chóng hoàn thành việc chuyển mọi hoạt động của toàn xã hội và nhân dân sang thời chiến, sẵn sàng cùng lực lượng vũ trang tham gia tác chiến phòng thủ chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến