Một số bài học tiêu biểu từ các cuộc chiến tranh giữ nước thời phong kiến (phần 1)

Chiến tranh toàn dân ở thời kỳ chế độ phong kiến phát triển theo con đường độc lập, tự chủ, đã kế thừa những tinh hoa văn hóa giữ nước của dân tộc ở thời kỳ lịch sử trước đó và có sự tiếp thu sáng tạo trí thức quân sự của nhiều nước khác. Bên cạnh đó, chúng ta cũng bước đầu rút ra những bài học quý báu từ các cuộc chiến tranh giữ nước thời phong kiến.
khang-chien-chong-nguyen-mong-1-1704816455.jpg
Với ba lần đánh thắng quân Mông – Nguyên xâm lược, quân và dân nhà Trần đã làm nên những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Ảnh: Internet

Nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình trên cơ sở thấu suốt tư tưởng cốt lõi “dĩ dân vi bản” và phát huy tính chất chính nghĩa, nhân đạo, nhân văn của nhà nước phong kiến

Là một quốc gia đất không rộng, người không đông thời đó, và kẻ xâm lược luôn là những đạo quân lớn mạnh, cho nên triều đình chỉ có thể dựa vào toàn dân đánh giặc. Đến các đời Lý, Trần, Lê... mới xây dựng quân đội chuyên biệt, song yếu tố toàn dân đánh giặc vẫn là trực tiếp, ở cả ba cấp độ: Dân nuôi quân, dân làm hậu thuẫn cho quân và dân trực tiếp làm quân. Cuộc tiến công sang đất Tống và phòng thủ sông Như Nguyệt thời Lý đều có đông đảo dân binh, thổ binh sát cánh cùng đại quân triều đình.

Sự nghiệp giữ nước thời Trần coi trọng cả hoạt động của quân đội và nhân dân. Thời Lê nêu rõ: Thành bại trong chiến tranh đều do dân “chở thuyền và lật thuyền cũng là dân”. Quảng Trung cũng khẳng định rằng có được chiến thắng chính là nhờ sự phù trợ hết lòng của dân. Những sự kiện thất bại từng diễn ra trước hết là do không thực hiện được chiến tranh toàn dân.

Để dựa được vào dân, các triều đại phong kiến tiến bộ coi trọng giáo dục và động viên dân chúng hăng hái chiến đấu. Đặc biệt, “dĩ dân” (dựa vào dân) đã gắn kết nhất định với “vị dân” (vì lợi ích của dân) và trở thành một chính sách khá nhất quán. Thời Lý, đó là tiến hành chiến tranh “cốt cứu dân khỏi nơi chìm đắm”. Thời Trần chủ trương “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”.

Sự trưởng thành và chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn gắn với tư tưởng “việc nhân nghĩa cốt ở an dân”. Quang Trung sau khi đại phá quân Thanh đã nghĩ ngay đến việc giao hảo với nhà Thanh để dân mưu sinh yên ổn. Kinh nghiệm lớn này trở thành bài học quý báu cho thời hiện đại.

Nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình gắn với thường xuyên cảnh giác trước nguy cơ bị xâm lược, nắm vững tình hình và so sánh lực lượng, xác định quyết tâm chiến lược đúng đắn

Với vị thế nước ta như “chiếc chìa khoá” mở xuống phương Nam, thì một kinh nghiệm để đời là không bị bất ngờ chiến lược. Mặt khác, cùng với việc luôn nhìn thấu tâm can kẻ thù, ông cha ta còn biết đánh giá đúng so sánh lực lượng, rằng kẻ thù thường mạnh, nhưng bao giờ cũng có điểm yếu. Tuy nhiên, phát huy cái mạnh của ta, khoét sâu điểm yếu của địch lại là vấn đề thuộc bản lĩnh, tài năng của bộ thống soái và các danh tài quân sự.

Khi nhà Tống xâm lược Đại Việt thì trong nước Tống xảy ra mâu thuẫn kịch liệt, phía Bắc lại gặp phải họa Liêu, Hạ. Thấy rõ trạng huống đó, ta quyết định “tiên phát chế nhân” đánh sang đất Tống, rồi biết quân Tống tuy đông nhưng vừa đánh vừa run và không hợp thuỷ thổ nên đã xây dựng phòng tuyến nhiều tầng để chặn giặc. Trong kháng chiến chống Mông - Nguyên, sự thay đổi ý định chiến lược sang rút lui bảo toàn lực lượng là sáng suốt trên cơ sở nắm vững địch - ta, điều kiện tác chiến.

Trong chiến tranh giải phóng chống Minh, lúc đầu phương châm phù hợp là bảo toàn và phát triển lực lượng, tiến hành chiến tranh du kích giải phóng từng phần và mở rộng dần căn cứ địa; chỉ đến khi ta phát triển đủ mạnh và thế giặc núng dần, cuộc chiến tranh giải phóng mới mở rộng quy mô ra cả nước. Trong chiến dịch đại phá quân Thanh, lúc đầu chủ trương của ta là “cho giặc ngủ trọ một đêm rồi đuổi chúng đi”; khi đại quân ra Bắc, phương sách vừa hành quân thần tốc, vừa tuyển mộ binh lính và huấn luyện chiến đấu làm cho lực lượng của ta càng đánh càng mạnh.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến