Học thuyết Mác - Lênin về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa

Học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một trong những cơ sở lý luận và là cơ sở lý luận nền tảng quan trọng nhất để Đảng, Nhà nước ta xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, đó chính là định hướng chiến lược để xác định hệ thống quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay gắn với lý luận và thực tiễn nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình.
van-dung-quan-diem-cua-lenin-dau-tranh-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-hien-nay-1-1716827693.jpg
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã sống, đang sống và mãi mãi là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam dân tộc Việt Nam đang từng bước vững chắc đi lên chủ nghĩa xã hội và góp phần vào sự nghiệp giải phóng toàn thể nhân loại cần lao. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trên phương diện lý luận, những tư tưởng cách mạng và khoa học của C. Mác và Ph. Ăngghen về bảo vệ thành quả cách mạng của giai cấp vô sản đã được V.I. Lênin bổ sung, phát triển, không ngừng đổi mới, hoàn thiện và nâng lên thành Học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hệ thống lý luận này đã phát huy tác dụng to lớn của nó trong đời sống chính trị, xã hội của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa trong những thời kỳ trước đây.

Đồng thời, Học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa có sức sống mãnh liệt, định hướng, chỉ đạo mọi đường lối, chiến lược, sách lược quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc của giai cấp vô sản và nhân dân lao động các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam hiện nay.

Học thuyết Mác - Lênin về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa vạch rõ tính tất yếu phải bảo vệ Tổ quốc và thành quả cách mạng của giai cấp vô sản. Đây là quy luật khách quan của cách mạng xã hội chủ nghĩa. V.I. Lênin đã nhấn mạnh: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”. Khi nào còn chủ nghĩa đế quốc thì còn nguy cơ chiến tranh xâm lược; còn chiến tranh đế quốc tất yếu còn chiến tranh cách mạng; chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là chiến tranh chính nghĩa và tự vệ. “Không cầm vũ khí bảo vệ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa, thì chúng ta không thể tồn tại được... giai cấp bị trị phải chứng minh trên thực tế rằng họ không những có khả năng lật đổ bọn bóc lột, mà còn có khả năng tự tổ chức, huy động hết thảy để tự bảo vệ lấy mình”, “Chỉ có sau khi đã tước vũ khí của giai cấp tư sản rồi, thì giai cấp vô sản mới có thể vứt vào đống sắt vụn tất cả vũ khí nói chung, mà không phản lại nhiệm vụ lịch sử thế giới của mình”.

Học thuyết Mác - Lênin về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa xác định mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách Tổ quốc, bảo vệ nhà nước và thành quả cách mạng, bảo vệ thể chế chính trị. Về phương thức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, để chống lại sự tấn công bằng vũ trang của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động mưu toan hòng khôi phục lại “thiên đường” đã mất thì phải tiến hành một cuộc chiến tranh bằng vũ trang, vì “chỉ có dùng những phương tiện quân sự mới đập tan được sự phản kháng bằng quân sự”.

Về lực lượng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, cùng với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và nhân dân với lực lượng vũ trang là nòng cốt, còn có nguồn vật chất và tinh thần của nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình, phong trào cách mạng quốc tế. Trong đó, lực lượng bên trong có vai trò quyết định thắng lợi. Về sức mạnh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đó là sức mạnh tổng hợp, cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần; là sự huy động và sử dụng tối ưu mọi tiềm lực của đất nước về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội, khoa học và công nghệ, quân sự và an ninh...; là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

huan-luyen-1716827756.jpg
Nâng cao chất lượng huấn luyện của lực lượng dân quân. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Học thuyết Mác - Lênin về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa xác định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản, vai trò quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và vai trò nền tảng của quần chúng nhân dân đối với toàn bộ sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đảng vạch ra cương lĩnh, đường lối quốc phòng và lãnh đạo Nhà nước cùng các tầng lớp đông đảo nhân dân “tham gia tích cực vào công cuộc phòng thủ đất nước”. Vai trò tổ chức và quản lý của Nhà nước là chăm lo phát triển kinh tế để tăng cường khả năng quốc phòng, xây dựng quân đội hùng mạnh, thực hiện các chức năng đối ngoại phục vụ đắc lực cho bảo vệ đất nước và chế độ chính trị. Sự nghiệp xây dựng và củng cố quốc phòng là sứ mạng của Nhà nước xã hội chủ nghĩa trong tổ chức, quản lý xây dựng và bảo vệ xã hội mới, đồng thời, “nghĩa vụ tuyệt đối của toàn thể quần chúng lao động là đem hết sức mình ra để khôi phục và tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước”.

Trong xác lập những điều kiện, cơ sở và khả năng phòng thủ đất nước, Học thuyết Mác - Lênin về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa xác định tính chất của nền quốc phòng, của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là tự vệ, do đó đòi hỏi xây dựng và củng cố quốc phòng cả về tiềm lực và thế trận. V.I. Lênin khẳng định rằng, “chính vì chúng ta chủ trương bảo vệ tổ quốc, nên chúng ta đòi hỏi phải có một thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà”. Bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa dưới hình hài Tổ quốc đặt ra yêu cầu cao về xây dựng nền quốc phòng, bởi nguồn gốc sâu xa quyết định sức mạnh bảo vệ Tổ quốc chính là ở việc thực hiện thắng lợi công cuộc cải tạo, xây dựng và không ngừng phát triển nền kinh tế, tạo cơ sở vật chất kỹ thuật mới để không ngừng hiện đại hóa nền quốc phòng, hiện đại hóa lực lượng vũ trang, quân đội. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa có quan hệ mật thiết và phải đi đôi, gắn liền với nhau.

Học thuyết Mác - Lênin về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa xác định hệ thống lý luận xây dựng quân đội kiểu mới, nhất là những vấn đề về bản chất giai cấp, tính chất, chức năng, nhiệm vụ của quân đội kiểu mới; về những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và xây dựng quân đội... Đó là cần xác lập một cách đầy đủ, chặt chẽ, từ tính tất yếu phải xây dựng quân đội của giai cấp vô sản, tăng cường xây dựng, huấn luyện quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, không ngừng bảo đảm và nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, chăm lo giáo dục chính trị, nâng cao bản chất cách mạng của giai cấp vô sản trong quân đội, đến xác lập vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản trong quân đội. Vai trò to lớn của hậu phương chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng được xác định rõ trong Học thuyết.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến