
Trong ngót mười lăm năm làm công việc phê bình, và cả lý luận (mặc dầu ông không ưa hai chữ lý luận, và cũng có lúc hiểu sai hoặc nói oan về nó; mặc dầu cũng cứ phải tham gia vào một cuộc tranh luận), ngoài các bài đăng trên nhiều báo, ông đã cho in hai cuốn sách. Hai cuốn sách trong hơn mười năm hoạt động, ở tuổi trong ngoài ba mươi kể cũng là đáng nói đối với hoạt động phê bình trong buổi đầu hình thành. Tức là ở vào thời kỳ phê bình tự khu biệt và tách biệt với hoạt động sáng tác để thành một bộ môn riêng với đối tượng, chức năng và đặc trưng riêng của nó - hoạt động mà từ những năm hai mươi trở về trước còn chưa có tư cách độc lập, còn lẫn vào trong sáng tác, còn chưa có người chuyên trách. Hai cuốn sách - đó là một kết quả rất đáng kể, nhưng đáng kể hơn là số phận của nó. Một là cuốn Văn chương và hành động in năm 1936, nghiêng về lý luận (cố nhiên là theo kiểu Hoài Thanh) bị chính quyền thực dân tịch thu; và thứ hai là Thi nhân Việt Nam, in năm 1942, nghiêng về phê bình, rồi trở thành mối băn khoăn suốt đời của ông.
Thuộc trong số những tiểu luận về văn chương và phê bình văn chương Hoài Thanh viết đầu tiên đăng trên báo là bài Thơ mới (Tiểu thuyết thứ Bảy, số 31; 29/12/1934); vậy là mối quan tâm đến Thơ mới trở thành sự mở đầu sự nghiệp phê bình của Hoài Thanh - mối quan tâm có lịch sử dài ngót tám năm, tính từ tiểu luận Thơ mới đến Hợp tuyển Thi nhân Việt Nam. Ở bài viết vào cuối năm 1934 này, Hoài Thanh đã nói đến những khởi động quan trọng rồi sẽ phát triển thành một phong trào thơ, một cuộc cách mạng trong thơ, một thời đại của thi ca. Ông đã đứng trên lập trường ủng hộ nó, rồi ca ngợi nó, dẫu Thơ mới lúc này còn đang trên đường hình thành giữa một biển thơ cũ, và cố nhiên số người phản đối nó hẳn là một lực lượng áp đảo. Ông viết: “Các ông trong làng thơ cũ thường hay có ác cảm với Thơ mới, đó là lẽ tất nhiên. Họ lại còn nói xấu nữa”... “Mấy anh trẻ con không có Nho học, không biết niêm luật thơ ca là thế nào cũng muốn kiếm một chỗ ngồi giữa đình làng thơ, nên phải bày ra lối Thơ mới. Điều này quả là một điều vu oan”. Trong một buổi giao thời, giáp ranh cũ mới, khi cái mới chưa hiện ra sừng sững và Ồ ạt như sẽ diễn ra vài năm sau, phải nói Hoài Thanh đã làm được việc tiên đoán đầy tài năng và dũng cảm.
Từ đây mối quan tâm của Hoài Thanh là tập trung vào công việc phê bình. Có lẽ những chuẩn bị cho Thi nhân Việt Nam trong tám năm sau đã được bắt đầu từ đây, khi nghe ông và Hoài Chân nói, các ông “đã đọc một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở”. Phải nói là, ở Hoài Thanh, người không muốn ai gọi là nhà phê bình lại làm chính cái việc không thể gọi gì khác ngoài phê bình. Người ngại lý luận, lại phải làm từ rất sớm công việc lý luận. Một bài viết cũng được đăng từ rất sớm của ông, ngay sau bài Thơ mới là bài Tìm cái đẹp trong tự nhiên là nghệ thuật; tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình (Tiểu thuyết thứ Bảy, số 35; 26/1/1935). Trong sự nghiệp viết của Hoài Thanh, bài này theo tôi nghĩ có giá trị một tuyên ngôn. Một tuyên ngôn không chỉ phù hợp với sự nghiệp viết của ông trước năm 1945 mà cũng có sức chi phối rất cơ bản sự nghiệp viết của ông sau năm 1945. Một tuyên ngôn rồi ông cũng có lúc tự điều chỉnh cho rộng rãi hơn, và cho thích hợp hơn với những chuyển biến và đòi hỏi của thời cuộc, nhưng trong thực tiễn áp dụng vào nghề nghiệp lại thấy ông chẳng thay đổi bao nhiêu cái định hướng đã được khởi động và xác định từ lâu. Đó là, trong phê bình, gồm phê và bình, ông chỉ bình chứ không phê. “Bình thì còn được. Nhưng phê? Sao lại phê?”. “Một đời làm văn cha chỉ tìm cái hay cái đẹp để bình. Đó là điều ham muốn của cha”. Bình có nghĩa là khen. Và khen tức là sự đi tìm và xác định cái hay trong văn chương.

Bởi, nói như ông, với văn chương, để được gọi là văn chương, cái hay mới là cái đáng giá, còn cái dở, cái nhàm thì “không tiêu biểu gì hết”. Ở bài tiểu luận có ý nghĩa tuyên ngôn này Hoài Thanh đã viết cái điều rồi ông sẽ thực hiện và trung thành với nó trong suốt đời văn của mình: “Cái khó của nhà phê bình là vừa phải xem nhiều, biết nhiều để so sánh các tác phẩm với nhau. Vừa phải giữ tâm hồn trẻ trung, không thành kiến, không thiên vị, để nhận thấy mọi cái hay, cái đẹp, dẫu những cái hay, cái đẹp ấy trái với phép tắc, khuôn khổ xưa nay”.
Bài Tìm cái đẹp.... Hoài Thanh viết vào tháng 1/1935, khi mới bước đầu vào nghề phê bình. Cuộc sống với bao là sôi nổi và chuyển động của nó, cùng những trải nghiêm riêng rồi sẽ cho ông thấy biết bao là phức tạp, là phiền muộn so với các ý tưởng và mong muốn. Có thể nói những áp lực của thời cuộc là khủng khiếp khiến sự cưỡng lại của cá nhân là không dễ, hoặc không thể được. Chẳng phải chờ lâu. Một cuộc tranh luận đã dồn ông vào cuộc. Đó là cuộc tranh luận mà ông rồi bị đẩy vào một phía. Cuộc tranh luận buộc ông phải thành nhà lý luận, hơn thế, là chủ tướng cho một chủ thuyết - chủ thuyết “Văn chương là văn chương”, nó là sự triển khai chính cái lý thuyết mà ông đã nêu trong bài viết đầu năm 1935. Cái lý thuyết được chia thành hai vế, một cho nghệ thuật và một cho phê bình. Nhưng để gộp lại cho gọn - đó là lý thuyết về cái đẹp, mục tiêu của nghệ thuật và phê bình nghệ thuật là đi tìm cái đẹp. Và cố nhiên, theo lô gích phân tích của những người thuộc phái vị nhân sinh đương thời - đó là cốt lõi của quan niệm “Nghệ thuật vị nghệ thuật”, đi ngược lại lợi ích của bình dân, cũng là đi ngược với tiến hóa của lịch sử.
Văn chương là văn chương - ấy là một quan niệm, hơn thế, một tuyên ngôn được Hoài Thanh nhắc nhờ nhiều lần. Quan niệm ấy ở Hoài Thanh tiếp tục được triển khai trong cuộc tranh luận nghệ thuật diễn ra giữa ông với Hải Triều và Phan Văn Hùm ngay vào nửa sau năm 1935. Tức là nửa năm sau bài Tìm cái đẹp... Cũng cùng một tiêu đề: Văn chương là văn chương, ông dùng chung cho hai bài, bài trước là sự trình bày với Hải Triều trên Tiểu thuyết thứ Bảy số 62 (Tràng An, số 48; ngày 13/8/1935); bài sau là dấn vào một cuộc tranh luận, với Hải Triều và Phan Văn Hùm trên Tin văn (Tràng An, số 62; ngày 1/10/1935). Ở cả hai bài, Hoài Thanh đã triển khai gần như toàn bộ những quan niệm cơ bản của mình về văn chương - nghệ thuật: “Văn chương muốn gì thì gì trước hết cũng phải là văn chương cái đã”. “Có điều chắc chắn là trong khi thưởng thúc một tác phẩm của nghệ thuật, lẽ cố nhiên phải để nghệ thuật lên trên, lẽ cố nhiên phải chú ý đến cái đẹp trước khi chú ý đến những tính cách phụ, những hình thức tạm thời của nó”.
Soi tìm cái đẹp như một giá trị thuần nhất và tối cao, Hoài Thanh đã tuyệt đối hóa và cô lập nó ra khỏi các giá trị khác: “Tùy theo sở thích của mình nhà văn muốn lấy tài liệu ở đâu cũng được, miễn là làm thế nào tạo nên cái đẹp, trao mỹ cảm cho người xem, thì thôi. Cho nên một đôi khi vì tình cờ một tác phẩm văn nghệ có thể ảnh hưởng đến chính trị, tôn giáo, đạo đức, nhưng đó chỉ là sự tình cờ, và nói cho đúng ra, nếu xét về phương diện ấy, tác phẩm văn nghệ không còn giữ cái bản chất thuần túy của nó nữa”.
Sự chia tách và tuyệt đối hóa này, để chỉ thu gom, nhìn nhận và xác nhận giá trị văn chương nơi một tác phẩm - đó chính là hệ quả của một cách nhìn, một quan niệm siêu hình ở Hoài Thanh. Bởi làm sao mà có sự chia tách đó, và làm sao mà chia tách được, khi văn chương vừa là sự phản ánh xã hội, và càng là tác phẩm hay thì sự phản ánh càng thực càng sâu; lại vừa là sản phẩm của một chủ thể sáng tạo, cùng sống trong một cộng đồng xã hội. Và, ảnh hưởng của văn chương đối với xã hội, đâu có là một sự tình cờ, dẫu người viết muốn đứng ra ngoài hoặc quay lưng với xã hội. Gắn trực tiếp với chính trị, luân lý, đạo đức, xã hội là một thái độ. Và xa rời nó, trốn tránh nó, không muốn dính dáng gì với nó, cũng là một thái độ. Con người - kể cả nhà văn sống trong xã hội phải chịu sự ràng buộc của xã hội - đó là lê tự nhiên, dầu muốn hoặc không. Cái quyết định luận này Hoài Thanh muốn không công nhận nó để giữ cho được sự độc lập tinh thần của nhà văn, để giữ cho được giá trị thiêng liêng của văn chương mà không phải dấp dính gì với các giá trị khác, quả là không dễ, và thật ra là không thể thực hiện được, ở bất cứ xã hội nào.
Nhưng đây là xã hội thuộc địa. Cái xã hội mà trong đời, Hoài Thanh phải đối mặt; và trong sự nghiệp phê bình, Hoài Thanh cũng từng nhiều lúc phải phô bày bộ mặt thực với những tối tăm, ngang trái của nó. Và như vậy, nỗi khổ của người lao động và sự sỉ nhục của một dân tộc mất nước cũng là đối tượng ông từng có lúc nói đến với một nỗi bất bình và xót xa, trong nhiều dịp. Hãy nghe ông viết trong bài Cần phải hành động - bài in trong cuốn Văn chương và hành động, Nhà xuất bản Phương Đông ấn hành năm 1936, bị chính quyền thực dân tịch thu: “Chúng tôi không muốn dài dòng mô tả cái tủi nhục của dân mình, cảnh cùng khốn của người mình. Chúng tôi chẳng vui gì nhắc lại ở đây những điều đau lòng ấy. Vả chăng nhắc lại mà làm gì? Sự thực ở trước mắt bạn, ở xung quanh bạn - nếu không phải ở ngay trong mình bạn - sẽ thay lời cho chúng tôi”.