Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới (Phần 3 và hết)

Nhận thức, giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình phải bằng tổng thể các việc làm, các biện pháp về quốc phòng và an ninh, làm cho sức chiến đấu và khả năng giữ nước, bảo vệ an ninh hội tụ đầy đủ điều kiện cần thiết.
dien-tap1-1716977619.jpg
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương kiểm tra kết quả bắn súng AK đối với cán bộ huấn luyện Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 98. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Đó là các điều kiện cả về đối nội và đối ngoại quân sự, về chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học để công cuộc phòng thủ đất nước, giữ vững an ninh được thực hiện ngày càng chắc chắn, tạo nên sức mạnh quân sự và an ninh cân đối, toàn diện nhằm giữ vững hòa bình, đẩy lùi, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm an ninh, gây chiến của kẻ thù và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức, quy mô. Trước hết, đó là nhằm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Cùng với đó là nhằm bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, tạo môi trường hòa bình cho phát triển bền vững, đẩy lùi, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh.

Các khía cạnh trên có mối quan hệ thống nhất hữu cơ với nhau. Xuất phát từ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của quan điểm này cho thấy, giữa bảo vệ Tổ quốc với giữ vững, tăng cường và phát triển các lĩnh vực đời sống xã hội luôn có quan hệ chặt chẽ với nhau. Đó là mối quan hệ thống nhất biện chứng giữa các vấn đề, các yếu tố cấu thành của hai nhiệm vụ chiến lược là bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đó còn là mối quan hệ giữa các vấn đề, các yếu tố cấu thành bên trong của mỗi nhiệm vụ trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và Chiến lược xây dựng, phát triển bền vững đất nước thời kỳ mới. Trong đó, các yếu tố, các vấn đề thuộc nội dung, nội hàm bảo vệ Tổ quốc như: Giữ vững độc lập, chủ quyền; thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình; giữ vững môi trường ổn định được đặt lên hàng đầu, nhằm mục tiêu quan trọng trước hết của sự nghiệp phát triển bền vững.

Về bản chất, đây là mối quan hệ giữa cái riêng với cái chung, giữa cái đơn nhất với cái phổ biến trong mối quan hệ chỉnh thể, thống nhất chặt chẽ. Tất cả các yếu tố trong nội hàm của bảo vệ Tổ quốc liên kết chặt chẽ với nhau nhằm thực hiện bằng được cái chung, cái phổ biến của phát triển bền vững đất nước một trong những mục tiêu, xu thế chung đang nổi lên không chỉ của từng địa phương, mà còn là đối với cả đất nước, khu vực và thế giới hiện nay. 

Trong tính toàn vẹn và chỉnh thể của nó, phát triển bền vững bao hàm cả tính chất của nhiệm vụ chiến lược bảo vệ và xây dựng đất nước cùng những nội hàm và thuộc tính của các nhiệm vụ ấy. Chính vì vậy, nội dung, tính chất, quy mô và nhịp điệu phát triển bền vững là mục tiêu cao nhất, quy định và chỉ đạo nội dung, tính chất, quy mô và nhịp điệu của các thuộc tính: Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Còn trong tính đơn lẻ và riêng biệt của nó, các yếu tố thuộc nội hàm bảo vệ Tổ quốc, tăng cường quốc phòng và an ninh trên từng địa phương trong khi nhằm mục tiêu cao nhất là sự phát triển bền vững đất nước vẫn quan tâm tới mục tiêu tự thân, được triển khai thực hiện một cách đồng thời, đồng bộ, tương thích với nhịp độ ngày càng tăng theo tính chất phát triển bền vững.

vu-trang-4-1716977619.jpg
Trung đội đại liên phối hợp với lực lượng thiết giáp làm chủ trận đánh. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Mặt khác, trong khi nhắm tới mục tiêu cao nhất là phát triển bền vững đất nước, giữa các yếu tố, các vấn đề thuộc nội hàm bảo vệ cũng thể hiện những mối quan hệ chặt chẽ, quy định và quyết định lẫn nhau tùy theo nội dung bản chất của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, giữ vững độc lập, chủ quyền; thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là những mục tiêu không thể thiếu của bảo vệ Tổ quốc xét về phương diện tự nhiên của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Chỉ có tăng cường quốc phòng, an ninh ở nội dung này thì thuộc tính tự nhiên của một tổ quốc nói chung, của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói riêng mới trở thành hiện thực. Thiếu vắng sự tăng cường quốc phòng, an ninh để bảo vệ Tổ quốc về phương diện tự nhiên thì sẽ không thể thực hiện được bảo vệ Tổ quốc về phương diện chính trị xã hội, và theo đó đất nước cũng không thể phát triển bền vững và ổn định trong trước mắt cũng như về lâu dài. '

Bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa là thuộc tính bản chất nhất của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời là mục tiêu đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự còn mất của Tổ quốc với tính cách là chủ nghĩa xã hội. Đúng như V.I. Lênin định nghĩa: “Tổ quốc, nghĩa là hoàn cảnh chính trị, văn hóa và xã hội”; và cùng với đó là yêu cầu “bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là Tổ quốc”.

Chính vì vậy, trong khi tăng cường quốc phòng, an ninh nhằm các mục tiêu quan trọng của cả nước, cần đặc biệt lưu tâm tới tăng cường, giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa, cụ thể là bảo vệ bằng được các cơ quan lãnh đạo của Đảng, bộ máy chính quyền của Nhà nước, hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Cần coi đây là những mục tiêu bảo vệ hàng đầu, quyết định sự phát triển bền vững. Việc tăng cường quốc phòng, an ninh cho phát triển bền vững sẽ trở nên vô nghĩa và thất bại nếu không thực hiện được mục tiêu bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.

dt-04-1-1716977619.jpg
Các lực lượng diễn tập vận động đội hình trên biển. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Giữ vững môi trường hòa bình và ổn định vừa là mục tiêu lâu dài vừa là điều kiện, thời cơ thuận lợi cho phát triển bền vững đất nước mà nhiệm vụ tăng cường quốc phòng và an ninh cần phải hướng đến. Trước sự bất ổn của thế giới, khu vực, sự tác động nhiều chiều của quan hệ quốc tế hiện nay, nhất là các nguy cơ gây mất ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội còn tiềm ẩn, thì việc tập trung tăng cường quốc phòng, an ninh cần quan tâm đúng mức đến việc coi hòa bình, ổn định là một mục tiêu đặc biệt quan trọng của mình.

Các mục tiêu, nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh không chỉ đơn thuần là tăng cường sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang, là tăng cường tiềm lực, xây dựng thế trận quốc phòng và an ninh... mà còn là tăng cường, giữ vững hòa bình, ổn định, đồng thời là tích cực, chủ động phòng, chống, ngăn ngừa và triệt tiêu những nhân tố bất ổn định, không để bị động, bất ngờ trên từng địa bàn.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến