![hieu-sach-quoc-van-o-ha-noi-xua-3771-4761-1737537943.jpg](https://nguonluc.com.vn/uploads/images/2025/01/22/hieu-sach-quoc-van-o-ha-noi-xua-3771-4761-1737537943.jpg)
Không chỉ làm báo, in tiểu thuyết, Vũ Đình Long còn mạnh dạn mở rộng sự kinh doanh sang địa hạt phê bình. Bộ sách Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan gồm 4 quyển, 5 tập, trên 1500 trang cũng được in ở nhà Tân dân ròng rã ngót 4 năm theo sự tính toán rất thực tế của Vũ Đình Long, và tất nhiên với sự thỏa thuận của tác giả.
Trong công việc kinh doanh, Vũ Đình Long cũng không quên mở rộng quy mô nhà in và trang bị mới kỹ thuật in ấn. Từ 1937 ông cho phá nhà in cũ, xây nhà in mới, mua chữ mới, máy mới ở Pháp để có thể phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và lấn át nhiều nhà in đương thời như T. B Cay (Hoa kiều) ở Sinh Từ, Minh Sang ở Bờ Hồ, Ngô Tử Hạ ở Nhà Thờ, Văn Hồng Thịnh và Lê Văn Tân ở Hàng Bông, không kể các nhà in nhỏ. Số công nhân làm việc ở Tân dân, từ con số ba chục, có lúc lên đến vài trăm. Mô hình Vũ Đình Long theo đuổi là Edition Flammarion và Librairie Hachette ở Pháp. Từ số vốn ban đầu là 800 đồng cho đến khi phát triển thành ông chủ, Vũ Đình Long đã có một tài sản lớn, chỉ riêng máy móc đã có giá 1 triệu 20 vạn đồng.
Nếu biết rằng, trước 1930, việc in sách thường là do chính các tác giả tự lo, trong tư cách các nhà xuất bản tư nhân, thì mới thấy trên 10 năm hoạt động, ở tư cách chủ bút, chủ xuất bản, Vũ Đình Long đã làm nên một sự nghiệp lớn - đó là việc góp công tổ chức nên một thị trường văn chương thật sôi động vào những năm ba mươi của thế kỷ XX; đã cho ra đời một khối lượng khổng lồ các tác phẩm gồm nhiều loại, với nhiều khuynh hướng sáng tác và với nhiều thang bậc giá trị. Tất nhiên đây là thời của xã hội thuộc địa, trong khuôn khổ của một nền báo chí và xuất bản rất có giới hạn, những hoạt động ở tư cách ông chủ của Vũ Đình Long là gồm cả hai mặt, nhưng mặt tích cực vẫn là căn bản.
Từ khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, các luồng đường giao thông huyết mạch ở Đông Dương đều bị ách tắc; và khi Mỹ ném bom vào chợ Hàng Da làm cho nhà in Tân dân ở góc Hàng Da - Quán Sứ bị sạt mái, ông đành chuyển hoạt động về quê Mục Xá, Thanh Oai. Từ 1943, hoạt động của ông chủ Tân dân tiêu điều dần.
Vũ Đình Long mất ngày 14-8-1960 ở tuổi 64. Phải chờ đến công cuộc đổi mới chúng ta mới có dịp nhận lại đầy đủ những đóng góp trên nhiều phương diện của ông. Không chỉ là tác giả của hai vở kịch có giá trị lịch sử vào những năm 1921 - 1923, qua đó khai sinh nền kịch nói hiện đại, không chỉ là người có quá trình hoạt động rất khỏe và liên tục ngót bốn mươi năm trên nhiều lĩnh vực sáng tác, phóng tác, dịch thuật, Vũ Đình Long còn là người có công tham gia tổ chức, thúc đẩy các hoạt động văn học thời kỳ 1930 - 1945 theo xu hướng phát triển của đời sống hiện đại.