
Vua Khải Định tên khai sinh Nguyễn Phúc Bửu Đảo, sinh năm 1885, mất năm 1925, trị vì đất nước trong suốt 9 năm (từ 1916 đến 1925), là con trai trưởng của vua Đồng Khánh, cha của vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn.
Theo sách “Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn”, ngay từ khi còn nhỏ, Bửu Đảo nổi tiếng chơi bời, chẳng chịu học hành, chỉ thích bài bạc. Năm 22 tuổi, khi được phong làm Phụng Hóa Công, Bửu Đảo vẫn ngày đêm “đốt tiền” ở các sòng bạc, tụ điểm ăn chơi.
Cuốn “Kinh thành Huế và triều Nguyễn” cũng ghi chép ông đánh bạc thường xuyên bị thua, có khi phải cầm bán cả những đồ dùng và người hầu hạ. “Khải Định rất chuộng trang điểm, ăn mặc lòe loẹt, lố lăng nhiều màu sắc thay vì nguyên màu vàng của hoàng bào như các vị vua trước đây. Ông tự sáng chế ra những bộ y phục mới cho mình và cho cả quan hộ vệ. Do không tuân theo y phục hoàng bào truyền thống của các vua chúa, ông thường bị đả kích trên báo chí đương thời. Ông cũng cho xây dựng nhiều công trình xa hoa, nổi tiếng nhất là lăng của chính ông - bị nhiều người chê là có kiến trúc lai căng".
Ngoài thói ăn chơi, ‘“vung tay quá trán”, Khải Định còn là “con rối” trong tay người Pháp. Ông từng bị nhà yêu nước Phan Chu Trinh gửi thư trách Khải Định 7 tội (Thất điều trần), kể bảy tội nhà vua đã làm, buộc vua phải thoái vị nhường quyền lại cho quốc dân.
Chưa hết, sử sách còn ghi lại, ông nổi tiếng là người thích nịnh nọt, đặc biệt là nịnh người Pháp. Câu ca dao mỉa mai: “Tiếng đồn Khải Định nịnh Tây/Nghề này thì lấy ông này tiên sư” cũng ra đời từ đây.