
Thật là có ý nghĩa trong sự nghiệp sưu tập và nghiên cứu ấy, để khôi phục và làm sống lại một truyền thống văn hóa, văn học được khai mạc từ thời Mạc Cửu cách đây ngót 3 thế kỷ; một vùng văn chương với nét riêng đặc sắc trên cả hai khu vực Hán và Nôm, vừa là sự chứng minh cho tính thống nhất của nền văn hóa dân tộc, gồm cả và gắn liền Bắc và Nam, ở nơi được xem là vùng đất mới nhưng có cùng một nguồn cội và một tên chung: Miền Nam và Việt Nam.
Sự nghiệp biên khảo ở Đông Hồ có một lịch sử dài hơn 40 năm, nếu tính từ sách Hà Tiên Mạc Thị sử (1929) cho đến Văn học Hà Tiên (1970). Trong sự nghiệp đó, ngoài niềm say mê với Chiêu Anh Các (1736-1771), với Hà Tiên thập vịnh, với bài thơ Lư Khê nhàn điếu của Mạc Thiên Tích, còn phải kể đến truyện thơ Nôm Song tinh bất dạ của Nguyễn Hữu Hào do ông sưu tập và được chuyển ra Bắc năm 1943, đến với địa chỉ Hoàng Xuân Hãn; và từ địa chỉ Hoàng Xuân Hãn, phải đến 1987, mới trở lại được với bà Mộng Tuyết, để từ đó, ta có một bản Nôm đầy đủ duy nhất về Song tinh bất dạ trong kho tàng truyện thơ Nôm của văn học dân tộc.
Thế nhưng, nói đến Đông Hồ, trước hết là nói đến tác giả bài thơ Lệ ký khóc vợ Linh Phượng ký, báo hiệu sự ra đời của phong trào Thơ mới, đăng trên Nam Phong (số 128; 4/1928):
Chăn gối cùng nhau những ấm êm
Bỗng lam ngọc nát, bỗng châu chìm
Đầm đìa giọt thảm khăn hồng thẩm
Lạnh lẽo đêm xuân giấc mộng tìm
Hình dáng mơ màng khi thức ngủ
Tiếng hơi quanh quẩn nếp y xiêm
Bảy năm vui khổ nghìn năm biệt
Sớm gió chiều mưa lắm nỗi niềm
Bài thơ được tác giả viết ở tuổi ngoài 20, tùy ý vị, tình điệu, ngôn ngữ và giọng điệu thơ vẫn trong khí hậu thơ cũ - thơ theo cổ thể, văn du dương, ước lệ - bài Lệ ký vẫn đã trở thành một sự kiện văn học vào nửa sau những năm 20 thế kỷ XX. Lệ ký Linh Phượng của Đông Hồ khóc thương vợ có thể xem là sự tiếp nối Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, xuất bản năm 1925 than tiếc một tình yêu say đắm mà không thành; và dường như để có được một hội ngộ cân xứng mà thi đàn lại có thêm Giọt lệ thu khóc chồng của nữ sĩ Tương Phố cùng đến với bạn đọc năm 1928: Anh vui non nước tuyền đài / Cõi trần hương tỏa riêng ai lạnh lùng / Nhân gian khuất nẻo non Bồng / Trăm năm não thiếp tấm lòng bơ vơ.
Văn mạch nói về những tình cảm riêng tư, thầm kín của con người như tình yêu, tình vợ chồng rõ ràng đã được khơi thành một dòng chảy vào những năm 20. Để, với sự chuẩn bị đó, vào những năm 30, nó sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thi đàn trong hình ảnh một dàn giao hưởng gồm nhiều giọng điệu, nhằm khẳng định quyền sống, quyền yêu, quyền hưởng thụ các hạnh phúc trần thế của con người, chống với luân lý, lễ giáo phong kiến khô héo, khắc nghiệt.
Thực ra thì, trong văn học cổ điển Việt Nam cũng đã có tiếng khóc chị của Nguyễn Hữu Chỉnh, văn tế người yêu của Phạm Thái, thơ khóc chồng của Hồ Xuân Hương, thơ khóc vợ và thương vợ của Yên Đổ, Tú Xương... Nhưng phải đến những năm 20 thế kỷ XX văn mạch đó mới xuất hiện thành dòng, vì sự ra đời dồn dập cùng thời của nhiều cây bút; vì khả năng khai thác diễn biến nội tâm thật chi tiết cụ thể; vì sự đắm sâu da diết của cái buồn... Và điều cốt yếu chính là vì niềm tin của người viết, niềm tin tìm được sự chia sẻ với người đọc, tìm được vang hưởng trong đời sống tinh thần của xã hội, chứ không phải với tâm thế lẻ loi, cô tịch, “một mình mình biết, một mình mình hay” trong một thế giới còn đóng kín chưa có bất cứ ngọn gió mới nào thổi đến.
Bởi lẽ thời thế đã khác!
Đây là thời nhà văn tìm được sự cảm thông, sự chia sẻ với người đọc, và còn mong là phát ngôn, là đại diện cho tâm trạng của số đông người đọc cũng cùng có chung với họ một nỗi sầu nhân thế, một nỗi sầu thời thế. Con người cá nhân trong xã hội đã ra đời sau rất lâu gắng gỏi và vất vả thoát dần ra khỏi cái vỏ bọc của lễ giáo phong kiến khắc nghiệt. Xã hội đang chuyển sang một hình thái mới với chế độ thuộc địa và với đời sống đô thị. Cái tôi ra đời với khao khát đi tìm sự giải phóng cá nhân và hạnh phúc trần thế; nhưng trước mặt nó tương lai còn chưa mấy sáng sủa và chung quanh nó còn biết bao chướng ngại khiến cho vừa mới ra đời nó đã rơi vào bi quan và rợn ngợp. Cái buồn trở thành căn bệnh thời đại. Một nỗi buồn lớn, buồn thế sự - “Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!” đã được Tản Đà khai sinh, cùng với một “bề thảm” của Đoàn Như Khuê - “Bể bao nhiêu nước bao nhiêu thảm. Lấp chẳng đầy cho, tát chẳng vơi” - sẽ tỏa lan và hiện hình cụ thể trong nhiều chân dung, nhiều số phận, nhiều cảnh ngộ, trong đó có tiếng khóc ở Linh Phượng lệ ký.

Ta hiểu vì sao thơ Đông Hồ, qua tiếng khóc riêng tư ấy lại tạo được một dấu ấn đậm trong thơ và góp phần làm nên diện mạo văn học Việt Nam những năm 20, dẫu thơ ông lúc này, để phô diễn cái tình thực vẫn còn phải dừng lại ở các tứ cũ, lời cũ.
Nhưng là người cùng thế hệ với Nguyễn Công Hoan, Nhất Linh, Thế Lữ... Đông Hồ vẫn tiềm tàng nhiều khả năng theo đuổi cuộc hành trình cùng nhiều gương mặt trẻ vào những năm 30. Có vốn Hán học sâu, ông cũng là người sớm tiếp cận với văn học phương Tây. Là người có bản dịch bài thơ Bình vỡ (Le vase brisé) của Sully Proudhomme với lối dịch “rất thoát nghĩa” theo lời khen của Vũ Ngọc Phan. Và tập thơ Cô gái xuân xuất bản năm 1936 đã có dấu hiệu chuyển Đông Hồ vào quỹ đạo của Thơ mới; trong đó bài Bốn cái hôn, không chỉ về ý, mà cả về lời đã cho ta thấy phảng phất một gương mặt thơ khác, không còn mấy dấu vết của một Đông Hồ trong bài thơ khóc vợ.
“Bốn cái hôn” - gồm cái hôn của mẹ, của cha, và của cô giáo; cố nhiên, cái hôn đáng nhớ nhất phải là cái hôn của người tình: Một hơi thở mát qua dịu dàng | Như cơn gió biển thoảng bay ngang / Rồi luồng điện đến chạm trên má / Ân ái môi anh kể nhẹ nhàng.
Tất nhiên, đây chỉ là cái hôn trên... má. Và như vậy nhân vật trữ tình trong thơ Đông Hồ vẫn còn một khoảng cách rất xa mới đến được cái tư thế “sát đôi đầu”, “kề đôi ngực”, “quấn riết đôi vai” của cặp tình nhân trong thơ của người có tuổi đời ít thua ông 10 năm là Xuân Diệu.
Thế nhưng Đông Hồ đã không tiếp tục con đường thơ này. Trước và sau tập Thơ Đông Hồ (1932), văn nghiệp của ông đã được chuẩn bị theo một hướng khác. Đó là các tập Thăm đảo Phú Quốc (1927), Hà Tiên Mạc Thị sử (1929). Là Chuyện cầu tiên ở Phượng thành (1932); Lý Thư đọc sách (1932), và Hoài cảm (1933)... để từ sau 1950, ông thành nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu bền bỉ, trung thành về một vùng văn đặc sắc nơi mảnh đất Cực Nam Tổ quốc - đó là Hà Tiên (tên cũ) và Kiên Giang (tên mới), quê ông.