
Công cuộc giải phóng đất nước theo con đường của chủ nghĩa Marx-Lenin kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ, kể từ ngày ra đời Đảng Cộng sản Đông Dương và những chuẩn bị khẩn trương cho Cách mạng tháng Tám đến kết thúc hai cuộc kháng chiến vĩ đại năm 1975. Ở vị trí là Tổng bí thư của Đảng từ năm 1941 cho đến trước Đại hội lần thứ III của Đảng năm 1960, và ở cương vị cao nhất của chính quyền Nhà nước - Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, trước ngày qua đời, năm 1988, đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp to lớn cho Đảng và dân tộc ở tư cách nhà hoạt động chính trị.
Nhưng là một nhà chính trị có tầm bao quát nhiều mặt hoạt động xã hội, Trường Chinh còn có những hoạt động phong phú trên các lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật; không kể đồng thời ông còn là một nhà thơ trong trào lưu văn học cách mạng trước 1945, với tập Thơ Sóng Hồng, ấn hành năm 1967. Có thể nói ở phần giữa thế kỷ XX, Trường Chinh vừa là nhà lý luận, lại vừa là nhà thiết kế một đường lối văn hóa, văn nghệ cách mạng tương ứng và phục vụ cho công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân từ sau Cách mạng tháng Tám; cho đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc từ sau 1954, và trên phạm vi cả nước từ sau 1975, cho đến cuối năm 1986, năm tiến hành Đại hội lần thứ VI của Đảng. Đường lối đó, nằm trong Đường lối cách mạng Việt Nam nói chung, có khởi đầu từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 mà Trường Chinh là người có trách nhiệm thay mặt Đảng khởi thảo cho đến bài phát biểu tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ IV, tháng 12/1968: Văn nghệ phải góp phần giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến tới thống nhất nước nhà, trong đó ông tổng kết và nêu lên 8 mục, được xem là “8 quan điểm cơ bản” - “những quan điểm làm cơ sở cho đường lối văn nghệ của Đảng ta” chiếm trọn toàn bộ phần I của bài phát biểu, có tên: Về đường lối văn học, nghệ thuật của Đảng ta. 8 mục, được hiểu là “8 quan điểm cơ bản” đó là:
1. Văn nghệ là vũ khí sắc bén của giai cấp công nhân, của Đảng trong cuộc đấu tranh để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra.
2. Văn nghệ ta phải thực sự là nền văn nghệ của nhân dân.
3. Văn nghệ ta phải có tính dân tộc. Văn nghệ ta phải là văn nghệ của nhiều dân tộc ở nước ta.
4. Văn nghệ phản ánh hiện thực khách quan một cách cao đẹp, góp phần cải tạo hiện thực đó theo một lý tưởng nhất định.
5. Mục đích của văn nghệ ta là giáo dục con người mới.
6. Tiếp thu có phê phán những tinh hoa của văn nghệ dân tộc và những thành tựu tốt đẹp của văn nghệ thế giới xưa và nay.
7. Nắm vững phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa để sáng tác và phê bình.
8. Với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, chúng ta xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ cao đẹp nhất của loài người”.
Vậy là ở đây, qua 8 mục, bản báo cáo đã bao quát gần như đầy đủ những phạm vi cần quan tâm của lý luận văn nghệ (Marxist, Leninist): chức năng và vai trò, đặc trưng và tính chất, mục đích và nhiệm vụ, phương pháp sáng tác và mục tiêu xa của văn nghệ cách mạng.
Nhìn vào 8 mục này, được nêu ở thời điểm 1968, trên sự phát triển của văn học - nghệ thuật hôm nay, ta dễ thấy có mục vẫn còn nguyên giá trị, bên cạnh những mục do chỉ thích hợp với hoàn cảnh cách mạng một thời nên không thể vận dụng trong hoàn cảnh mới; lại có mục đi quá xa, hoặc không phù hợp với mục tiêu đích thực của văn chương - nghệ thuật.

Chẳng hạn mục 4: “Văn nghệ phản ánh hiện thực khách quan một cách cao đẹp, góp phần cải tạo hiện thực theo một lý tưởng nhất định”.
Với mục 4 này thì tự do sáng tác khó có đất đai cho những ai nghiêng về phát hiện những mặt tối của hiện thực, những nỗi đau nhân sinh, những bi kịch của con người. Nhưng “tai nạn nghề nghiệp” lâu lâu xảy ra như Vào đời của Hà Minh Tuân, Những người thợ mỏ của Võ Huy Tâm, Sương tan của Hoàng Tiến, Mở hầm của Nguyễn Dậu, Con nai đen của Nguyễn Đình Thi... là dành cho những ai không muốn trong minh họa chính sách, hoặc tô điểm cho hiện thực. Và quả là khó mà xác định “ý tưởng" của người viết, khi chính bản thân hiện thực cũng phải tìm ra lối đi những thử nghiệm không có hiệu quả, hoặc thất bại, khiến chính Đảng cũng phải “sửa sai” trong nửa sau thập niên 1950, và “cởi trói” trong nửa sau thập niên 1980.
Hoặc mục 7: “Nắm vững phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa để sáng tác và phê bình”, theo sự quan sát của tôi, thì gần như từ đầu thập niên 1990 đến giới lý luận phê bình không thấy ai nhắc đến.
Cuối cùng là mục 8: “Với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản chúng ta xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ cao đẹp nhất của loài người”. Đây là một khẳng định chủ quan, đúng ra chỉ là ao ước. Còn trong thực tiễn thì: Thời Lê mạt đẻ ra Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Thời đầu Nguyễn đẻ ra Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát. Xã hội thuộc địa trước 1945 đẻ ra Thơ mới và Nam Cao, Vũ Trọng Phụng.. Sinh thời L. Tolstoy không thích Shakespeare, nhưng không có nghĩa là L. Tolstoy vĩ đại hơn Shakespeare. Sáng tạo nghệ thuật có khác với khoa học, đòi hỏi sự độc đáo, sự đơn nhất, không theo quy luật sau phải hơn trước mà phải là khác trước. Nếu có một chủ nghĩa cộng sản hiện thực (không biết đến bao giờ?), thì nền văn học trong xã hội đó sẽ là khác, chứ không phải là nhất, so với mọi nơi và mọi thời.
Điều cần lưu ý là trong một thời gian khá dài, ít ra cho đến hết thập niên 1980, “8 quan điểm cơ bản” này được xem như là những chỉ dẫn bao quát và sát sao cho đời sống văn hóa - văn nghệ nói chung và cho hoạt động lý luận - phê bình - giảng dạy văn học nghệ thuật nói riêng... Bởi, đó chính là sự cụ thể hóa và hệ thống hóa những quan điểm cơ bản về văn hóa - văn nghệ của Đảng, đòi hỏi mọi người phải học tập, vận dụng và “quán triệt”. Cũng là sự phát triển tư tưởng văn nghệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt một thời gian dài, khi dân tộc còn đứng trước nhiệm vụ số 1 là giải phóng dân tộc, kể từ:
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong
(Nhật ký trong tù - 1943)
đến: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em (văn nghệ sĩ) là chiến sĩ trên mặt trận ấy” trong Thư gửi các họa sĩ nhân Triển lãm hội họa - 1951 và: “Dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn được tự do thì phải tham gia cách mạng” trong Bài nói chuyện tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ Ba - 1963...