Vấn đề chiến tranh và hòa bình trong cuộc chiến tranh thế giới thứ I (Phần 2 và hết)

Lương Đàm
Nguyên cớ của cuộc chiến tranh lại dường như hết sức ngẫu nhiên. Nhân cái chết của người thừa kế ngai vàng nước Áo vào ngày 28 tháng 6 năm 1914 tại thủ đô của Xécbia, đến ngày 28 tháng 7 năm 1914, Áo - Hung tuyên bố chiến tranh với Xécbia.
hindenburg-ludendorff-1702394091.jpg
Các chỉ huy của Đức Hindenburg và Ludendorff.

Nước Nga đáp lại hành động đó bằng cách ra lệnh tổng động viên vào ngày 31 tháng 7. Đức lấy cớ Nga tổng động viên cũng ra lệnh tổng động viên, và ngày 1 tháng 8 tuyên bố chiến tranh với Nga. Đến ngày 3 tháng 8, Đức tuyên bố trong tình trạng có chiến tranh với Pháp, Nga và sang ngày 4 tháng 8 đã cho quân đội đột nhập vào Bỉ với lý do bảo vệ nước Bỉ trung lập.

Cục diện chiến tranh lan rộng đã mang lại cho tất cả các quốc gia tham chiến những căng thẳng bất ngờ. Đặc biệt đối với Đức, việc buộc phải căng mình đối phó trên nhiều mặt trận đã làm tiêu tan mọi hy vọng có thể giành được thắng lợi chỉ trong một thời gian ngắn của họ. Và như thực tế sau đó cho thấy, các nhà nước cho đến khi bước ra khỏi chiến tranh vẫn chưa hết ngậm ngùi vì không tìm kiếm được lợi lộc lớn nào về chính trị.

treaty-of-versailles-english-version-1702393976.jpg
Trang đầu của Hòa ước Vécxây, bản tiếng Anh.

Hòa ước Vécxây năm 1919 thể hiện rõ nền hòa bình được thiết lập bởi những sự thỏa hiệp chính trị đa phương sau chiến tranh, và nước chịu thiệt thòi nhất chính là Đức. Hòa ước gồm 440 điều và một nghị định thư. Những điều khoản chính gồm Đức trả lại vùng Andaxơ (Alsace), Loren (Lorraine) cho Pháp; trao quyền quản trị vùng Xarơ (Sarre) cho Hội quốc liên; tổ chức trưng cầu dân ý ở các vùng Xlexvích (Slesvig) và Xilêdi (Silésie); thành lập hành lang Đanxích (Dantzig) để Ba Lan có đường ra biển; Đức phải bồi thường chiến tranh 30 tỷ mác Đức và bị khống chế về quân số, trang bị, vũ khí của quân đội; phi quân sự hóa vùng Rênani (Rhénanie).

Các thuộc địa của Đức được chia cho các đế quốc thắng trận, trong đó Anh, Pháp giành phần lớn nhất. Về sau này, A.Hítle đã lợi dụng triệt để các điều khoản của Hòa ước để kích động tinh thần phục thù của dân tộc Đức. Hòa ước Vécxây là hòa ước mang nền hòa bình cho cả vùng châu Âu rộng lớn, đồng thời chính thức chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ nhất, tái lập nền hòa bình trên phạm vi thế giới.

capturedmkivfemaletankingermanservice1918-1702394137.jpg
Xe tăng Mk IV của Anh bị quân Đức tịch thu và sử dụng trong cuộc Tổng tấn công Mùa xuân 1918

Một khía cạnh đặc biệt nổi lên là sự thất bại lớn của chủ nghĩa tư bản thế giới khi chính cuộc đấu đá vũ trang nhằm chia lại thị trường thế giới của họ lại tạo điều kiện, thời cơ để hệ thống chính trị đối lập ra đời - Nhà nước Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết. Hòa ước Brét - Litốp là một ví dụ điển hình về xử lý vấn đề hòa bình của nền chính trị vô sản khi chiến tranh thế giới kết thúc. Hòa ước được ký kết vào ngày 3 tháng 3 năm 1918 giữa nước Nga Xôviết và nước Đức tại thành phố Brét, thuộc Bêlarút.

Theo Hòa ước, Nga phải rút khỏi cuộc chiến tranh đế quốc với những điều kiện rất nặng nề, buộc phải cắt một bộ phận lãnh thổ với khoảng 1 triệu km và bồi thường 6 tỷ mác Đức. Song, nhờ Hòa ước mà nước Nga có thêm thời gian củng cố chính quyền Xôviết, xây dựng Hồng quân, tăng cường sức mạnh quốc gia, đưa đất nước thoát khỏi hiểm nguy và đủ sức đánh bại cuộc tấn công quân sự của các nước đế quốc. Sau Cách mạng Tháng 11 năm 1918 ở Đức, Chính phủ Nga Xôviết đã tuyên bố hủy bỏ Hòa ước.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến