Ông sinh ra và lớn lên ở 24 phố Hàng Hòm, Hà Nội, nơi bà mẹ có cửa hàng bán đồ sơn, tráp quả. Đến năm 1936 nhờ nhuận bút tập thơ Dòng nước ngược, gia đình mới tậu đất làm nhà ở Láng - chỗ cuối đường tàu điện Bờ Hồ - Cầu Giấy bên bờ sông Tô Lịch. Một ngôi nhà có vườn rộng bao quanh, đầy cây và hoa, bốn mùa rực rỡ các sắc hoa, những là thược dược, bông mõm chó, chân chim, lênh, loa kèn... Ngôi nhà ở Láng, cả đại gia đình Tú Mỡ sống ở đấy từ năm 1936 cho đến ngày toàn quốc kháng chiến 1946. Sau ngày hòa bình lập lại 1954 gia đình lại trở về tu tạo và xây dựng lại ngôi nhà cũ bị tàn phá trong khu vườn hoang phế.
![001a-me1bb99t-kie1bb83u-lc3a0ng-an-nam-mc3adt-de1bb8dc-theo-be1bb9d-sc3b4ng-he1bb93ng-1737550854.jpg](https://nguonluc.com.vn/uploads/images/2025/01/22/001a-me1bb99t-kie1bb83u-lc3a0ng-an-nam-mc3adt-de1bb8dc-theo-be1bb9d-sc3b4ng-he1bb93ng-1737550854.jpg)
Nói đại gia đình, bởi lẽ Tú Mỡ có rất đông anh em con cháu. Ông sinh năm Canh Tý, 1900. Thuở nhỏ có học chữ nho với bố, rồi học trường tiểu học Hàng Vôi, Trường Hàng Vôi nổi tiếng vì có một lớp học trò như ông và Hoàng Ngọc Phách và về sau là Vũ Trọng Phụng... Tốt nghiệp tiểu học Hàng Vôi, ông vào học trường Bưởi. Năm 1918, ông học xong bậc trung học nhưng lại không thể tiếp tục theo lên cao đẳng, vì phải sớm vào nghề để kiếm sống giúp đỡ gia đình. Nghề ông theo đuổi, rồi có ngót ba mươi năm thâm niên là một nghề có lẽ ít gần gũi với thơ phú văn chương - đó là nghề kế toán ở Sở Tài chính Đông Dương:
Ở sở “phi năng” có một thầy
Người cao dong dỏng lại gầy gầy
Mặc thường xoàng xĩnh ưa lành sạch
Ăn chỉ thều thào, thích tịnh chay.
Ý vị hài hước theo lối tự trào nhưng lại vẫn thật, vẫn rất chân thật trong cách tự vẽ chân dung. Suốt từ 1918 qua Cách mạng tháng Tám cho đến năm 1948, Tú Mỡ không hề rời cái nghiệp “phi năng” ấy, hẳn chẳng có lý do gì khác là phải có tiền để nuôi sống gia đình. Trước là bố mẹ, anh em; sau là gia đình riêng, khi đã có vợ con. Ông lấy vợ sớm, hình như cũng là năm 1918; rồi từ đấy cái gia đình nhỏ ấy cứ sinh sôi mãi lên cho đến 8 người con:
Năm trai ba gái bát tiên
Trung, Hiền, Thảo, Dũng, Hùng, Chuyên, Vỹ, Cường.
Và cố nhiên đông đúc còn là ở cháu, cả nội lẫn ngoại. Cho đến năm 1968 là năm bà Tú mất:
Con khôn lớn năm trai ba gái Nội ngoại vừa hăm bảy cháu ngoan
Theo sự tính toán của người con út Hồ Quốc Cường, nếu tính cả số anh em kết nghĩa thì cho đến nay gia đình đã có đến con số trăm.
Ở thời điểm hôm nay mà nghe chuyện “con đàn cháu đống” như thế ở đại gia đình Tú Mỡ thì quả là ngợp và ngại. Nhưng vào lúc sinh thời nhà thơ thì đó lại là biểu hiện của phúc và lộc, của hạnh phúc hiếm có, ít ai mà không mơ ước cho đời mình.
Như sau này con cháu nhớ lại, không khí gia đình lúc sinh thời của ông bà Tú Mỡ là rất đầm ấm, đồng vui; ông bà, cha mẹ, dâu rể, con cháu rất hòa thuận, thương yêu nhau. Nhưng ở tuổi trẻ và tuổi thanh niên, Tú Mỡ lại phải chăm chỉ đóng vai một công chức ăn lương để có tiền nuôi gia đình. Tự lực văn đoàn là nhóm văn học ngay từ khi thành lập năm 1932 đã nhận ông làm thành viên sáng lập; và ông chủ văn đoàn là Nhất Linh rất mong ông chuyên tâm hoạt động cho nhóm và cho báo, nhưng ông đã phải từ chối vì cái gánh nặng gia đình ấy.
Thuở là học sinh trường Hàng Vôi và trường Bưởi, Tú Mỡ đã nổi tiếng là học trò “tinh nghịch, vui tính, hay đùa nhả, thích pha trò và thích châm chọc. Cũng vì nghịch tinh mà có lần ông bị bạn đánh gẫy nửa răng cửa, nhưng rồi cùng với anh bạn này ông đã thành lập một trường thơ “thối” - tức là loại thơ chế châm chọc, để đối lập với trường thơ “thơm” của hai ông bạn lớn tuổi và nghiêm trang là Hoàng Ngọc Phách và Nguyễn Văn Pho (gọi tắt là Phách - Pho). Cái khiếu trào phúng sớm nảy nở từ bé này đã khiến ông nổi bật trong đám học trò - “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Nhưng điều thú vị là hai trường phái thơ ở trường Bưởi rồi sẽ hòa thuận với nhau và Hồ Trọng Hiếu đã vui vẻ nhận Hoàng Ngọc Phách làm bậc đàn anh và chính tác giả Tố Tâm là người thầy đầu tiên dạy Tú Mỡ các phép tắc làm thơ.
Tốt nghiệp trường Bưởi về làm ở Sở Tài chính ít lâu Tú Mỡ gặp Nguyễn Tường Tam lúc này cũng đã học xong trung học và đang tìm một chỗ làm, trong khi chờ một chuyến đi Tây. Trong thời gian đôi bạn sống và làm việc với nhau, Nguyễn Tường Tam đã sớm phát hiện năng khiếu trào phúng của Hồ Trọng Hiếu. Tác phẩm dài hơi đầu tay của Hiếu là bài Phú thầy phán, Tam đọc rất thích, bèn chép gửi cho báo Nam phong và được in ngay dưới tên ký Khuyết danh, về sau nhà Nam Ký trích in đề là của Tú Xương. Việc bài phú được in ở Nam phong quả là một vinh dự lớn cho Hiếu lúc này; và quả Phú thầy phán là một trong số bài rất hay trong sự nghiệp thơ của Tú Mỡ. Bài phú đặc tả thần thái, phong độ, nếp sống, cung cách sinh hoạt, nghĩ suy, ứng xử của một lớp công chức nhà nước thời Bảo hộ; một lớp người “cạo giấy” nơi công sở mà tính cách đã sớm định hình đến thành điển hình. Bài phú gồm 44 câu, câu nào cũng hay, đáng tiếc không thể đăng trọn ở đây, chỉ xin trích vài đoạn:
Trong đóm ngoài đuốc, trông bề ngoài màu mỡ riêu cua; Tiếng cả nhà thanh, xét kỹ thực thân hình pháo xác. Cuối tháng ba mươi ba mốt, giấy bạc rung rinh; Qua ngày mười một, mười hai, ví tiền rỗng toác. Sổ tiêu tính phác, hy hoay cộng cộng trừ trừ; Lương tháng thấy vèo, tiu nghỉu ngơ ngơ ngác ngác.
![tulucvandoan-nguonanhsaigonneer-sgny-1737551060.jpg](https://nguonluc.com.vn/uploads/images/2025/01/22/tulucvandoan-nguonanhsaigonneer-sgny-1737551060.jpg)
Tiếng Lang sa thoắng trơn nước chảy, những “uẩy” cùng “nông”; Câu Hán tự dốt đặc cán mai, đọc “tộ” hóa “tác”.
Giở những chuyện văn chương xốc nổi, “tam tổ thánh hiến”; Bàn những điều nghĩa khí viển vông, “thiên hô bát sát”; Lỡ buổi đi trưa, nhìn trước nhìn sau lấm lét, rụt rè như rắn ráo mồng năm; Lỡ khi lầm lỗi, đứng lên ngồi xuống băn khoăn, ủ rũ như diều hâu tháng chạp; Chuyện nào có ra chuyện, dở dại dở không; Đùa nào có ra đùa, nửa mỡ nửa nạc.
Sau tình bạn với Hoàng Ngọc Phách đã đến với Hồ Trọng Hiếu tình bạn với Nguyễn Tường Tam. Tình bạn và hơn thế, còn là mối tình tri âm tri kỷ cho đến cuối đời. Chính với con mắt tinh đời của Nguyễn Tường Tam, sau này là Nhất Linh, ông chủ Tự lực văn đoàn, chủ báo Phong hóa, Ngày nay, chủ Nhà xuất bản Đời nay từ những năm hai mươi cho đến suốt những năm ba mươi sẽ là nhân tố quyết định đưa Tú Mỡ vào sự nghiệp thơ trào phúng và tạo cho Tú Mỡ một tên tuổi vẻ vang. Chuyên giữ mục Dòng nước ngược trên Phong hóa, Tú Mỡ có cả một khoảng rộng đất đai để thi thố tài thơ của mình. Được tập hợp trong hai tập Dòng nước ngược, thơ Tú Mỡ những năm ba mươi là cả một tập biếm họa chân dung những ông quan cai trị xứ thuộc địa, cả lớn lẫn bé (cố nhiên quan Tây thì phải tránh) gồm những quan thị, quan trạng... mẹo, quan trùm nghị viên:
Trời cho cái mã bên ngoài
Để che đậy cái... sơ sài bên trong
Và trong sự đối lập giữa quan với dân:
Quan được tăng lương, dân cũng tăng; Tăng sưu, tăng thuế đến nhăn răng; Còn manh khố rách càng thêm rách; Đời sống lầm than ai thấu chăng?
Dòng nước ngược còn là cả một bức tranh đời, gồm những chuyện đời vừa đáng cười, vừa đáng khóc trong cảnh sống nông thôn và thành thị...
Có thể nói những năm ba mươi đã phát lộ trọn vẹn tài năng trào phúng của Tú Mỡ, người muốn tiếp tục khiêm tốn sự nghiệp Tú Xương, mặc dầu ông chưa bao giờ có văn bằng tú tài, để có danh xưng là cậu Tú hoặc cụ Tú, nghĩa là chưa từng lều chõng một lần nào; và về thân hình thì xem ra chẳng có chút mỡ nào. Không Tú và cũng chẳng Mỡ, cái tên Tú Mỡ vẫn cứ là một hình dung quen thuộc và thân thuộc trong nhiều thế hệ độc giả Việt Nam suốt từ những năm ba mươi cho đến cuối thế kỷ.
Nhưng cái thời kỳ đắc ý làm nên một sự nghiệp thơ trào phúng của Tú Mỡ đã phải tạm ngừng từ năm 1939 khi ông nhận được bức thư của tên Giám đốc Sở Tài chính Cazaux cho biết Sở Liêm phóng đã báo cho lão hay rằng Hồ Trọng Hiếu chính là Tú Mỡ, người “đã viết những bài thơ châm biếm đả kích ngầm chế độ Pháp”. Và lão “cảnh cáo” Tú Mỡ “không có quyền viết báo” và “phải làm tờ cam đoan từ nay trở đi không được cộng tác với một tờ báo nào nữa”.
Cố nhiên là Tú Mỡ phải làm “tờ cam đoan” vì gánh gia đình còn nặng.
Cũng vào thời kỳ này, khi thế giới vào cuộc đại chiến và Nhật vào Đông Dương, nhóm Tự lực văn đoàn cũng dần dần tan rã, và mấy người lãnh đạo nhóm đã chuyển sang hoạt động chính trị.