Liệu Tổng thống Trump có được phép tranh cử nhiệm kỳ ba?

Những tuyên bố của Trump và đội ngũ của ông đã làm dấy lên câu hỏi về khả năng Tổng thống đương nhiệm Mỹ có thể tranh cử nhiệm kỳ thứ ba bất chấp quy định cấm từ Hiến pháp.

Kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ hai, Trump từng nhiều lần tuyên bố sẽ không tái tranh cử trừ khi người dân kiên quyết yêu cầu và tự tìm giải pháp cho việc này. Hạ nghị sĩ  bang Tennessee của đảng Cộng hòa  Andy Ogle, thậm chí đã từng đề xuất một "Tu chính án mới" cho phép Trump tranh cử thêm một nhiệm kỳ, nhưng không có hiệu lực đối với những cựu Tổng thống từng giữ hai nhiệm kỳ khác. Những nỗ lực này, mặc dù không phải chưa từng có tiền lệ, sẽ hứa hẹn một quy trình cực kỳ khó khăn.

Từng có tiền lệ

Hầu hết các tổng thống đều noi gương George Washington là không tranh cử quá hai nhiệm kỳ. Một số ít từng nỗ lực tranh cử nhiệm kỳ ba, nhưng không ai thành công cho đến khi cựu Tổng thống Franklin Roosevelt giành chiến thắng 4 nhiệm kỳ, nhưng điều đó diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng Đại suy thoái và Thế chiến II.

Sau khi giành quyền kiểm soát Quốc hội năm 1946, Đảng Cộng hòa đã lập tức đưa ra một nghị quyết nhằm giới hạn nhiệm kỳ của tổng thống. Brian Kalt, Giáo sư luật Đại học bang Michigan, người đã nghiên cứu Tu chính án 22 của Hiến pháp Mỹ, cho biết Đảng Dân chủ vào thời điểm đó không ủng hộ nghị quyết nhưng họ cũng không ngăn cản. Sau khi được phê chuẩn, Tu chính án 22 quy định: “Không ai được bầu giữ chức vụ tổng thống quá hai nhiệm kỳ”. Ngoài hai nhiệm kỳ chính thức (thông qua bầu cử), các tổng thống cũng chỉ có thể đảm nhiệm chức vụ này tối đa thêm 2 năm trong trường hợp đặc biệt khi Tổng thống được bầu không thể làm hết nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, Tu chính án này đã vấp phải một số chỉ trích kể từ khi được thông qua năm 1951, và một vài người đã kêu gọi bãi bỏ nó. Giáo sư Kalt cho biết cựu Eisenhower là Tổng thống Mỹ được yêu mến đến mức một số người đã kêu gọi ông phục vụ thêm nhiệm kỳ thứ ba, nhưng Eisenhower đã không đáp ứng. Năm 1986, Hạ nghị sĩ Guy Vander Jagt đã kêu gọi sửa đổi Hiến pháp để cho phép Tổng thống Reagan phục vụ nhiệm kỳ thứ ba. Ông từng tuyên bố: “Ronald Reagan là một trong những tổng thống Mỹ vĩ đại nhất mọi thời đại, và tôi muốn ông ấy tiếp tục cống hiến”.

Cả Reagan và Bill Clinton từng đề xuất sửa đổi Tu chính án, theo đó Clinton cho rằng giới hạn nên chỉ dừng lại ở việc một Tổng thống không được làm quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp - nhưng cả hai đều chỉ nói chung về tương lai và không đề cập chính họ.

ap24311626000252-2108-1730991580-1739765676.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Trump tiến xa thêm một bước

Mặc dù các đề xuất sửa Hiến pháp không mới, nhưng Trump đã đưa vấn đề đi xa hơn bằng cách đề cập đến chính tương lai chính trị của mình.“Điểm khác biệt là trước đây, các tổng thống luôn tỏ ra dè dặt. Cách tiếp cận của họ là để người khác nêu vấn đề và lên tiếng ủng hộ. Đó không phải là phong cách của Trump",  giáo Kalt khẳng định.

Trump đã nhiều lần nói về nhiệm kỳ thứ ba trước và sau khi tuyên thệ nhậm chức hồi tháng trước. Trong một cuộc trò chuyện với các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện hồi tháng 11/2024, Trump tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng tôi sẽ không tái tranh cử trừ khi các bạn làm gì đó; trừ khi các bạn nói ‘Ông ấy rất giỏi, chúng ta phải tìm ra giải pháp’”. Nhiều thành viên Đảng Cộng hòa khi đó cho rằng Trump chỉ đang đùa.

Trump nhắc lại điều này một tuần sau khi nhậm chức, tại cuộc họp chính sách thường niên của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện. Ông tuyên bố không chắc mình có được phép tái tranh cử hay không và hỏi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson rằng liệu ông có thể làm điều đó hay không. Một số người vẫn cho rằng Trump chỉ nói đùa, nhưng Ogles đã đề xuất một nghị quyết sửa đổi Hiến pháp vài ngày trước đó.

Tu chính án sửa đổi này sẽ cho phép Trump tái tranh cử vì ông được bầu làm tổng thống hai nhiệm kỳ không liên tiếp, nhưng sẽ không cho phép bất kỳ ai được giữ chức tổng thống tổng cộng hơn 3 nhiệm kỳ hoặc hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Ogles nhận xét: “Ông ấy đã chứng tỏ mình là nhân vật duy nhất trong lịch sử hiện đại có khả năng đảo ngược sự suy tàn của đất nước chúng ta và đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại. Và ông ấy phải được trao đủ thời gian cần thiết để hoàn thành mục tiêu đó”.

Quy trình phức tạp theo luật hiện hành

Theo Giáo sư Kalt, Tu chính án 22 không cho phép việc tranh cử nhiệm kỳ tổng thống lần ba nhưng vẫn tồn tại một số kẽ hở. Tu chính án này cấm một ứng viên được bầu làm tổng thống lần thứ ba, nhưng không nêu cụ thể rằng một người không thể trở thành tổng thống lần thứ ba, mặc dù như vậy không có nghĩa là điều đó được phép.

“Điều này thực sự làm nổi bật lên những quan điểm khác nhau về cách giải thích Hiến pháp vì kẽ hở chỉ xuất hiện nếu bạn xem xét kỹ văn bản. Nếu bạn đặt câu hỏi, mục đích của Tu chính án 22 là gì? Nó cố gắng đạt được điều gì? Mục đích của tu chính án này hướng tới là nếu bạn đã đảm nhiệm 2 nhiệm kỳ, bạn phải rười đi. Thế thôi", Giáo sư Kalt phân tích.

Điều chưa rõ ràng là liệu một người đã phục vụ hai nhiệm kỳ có thể được bầu làm phó tổng thống, hay một vị trí thấp hơn trong danh sách những chức vụ có thể nhiệm tổng thống và từ đó có thể lên làm tổng thống hay không. Tu chính án 12 quy định người không đủ điều kiện đảm nhiệm chức vụ tổng thống không thể giữ chức phó tổng thống, nhưng vẫn còn tranh cãi rằng liệu điều kiện này có áp dụng đối với giới hạn nhiệm kỳ - điều được ban hành sau này - hay chỉ áp dụng với các quy định hiến pháp khác như độ tuổi.

Victoria Nourse, Giáo sư luật tại Đại học Georgetown, người từng làm việc tại Nhà Trắng và Bộ Tư pháp, nói về việc tranh cử nhiệm kỳ ba bất chấp Tu chính án 22 như sau: “Chắc chắn là chưa ai từng thử làm việc này… vì nó là một phần trong quy định hiến pháp. Họ đang đặt câu hỏi về đủ thứ mà lâu nay không ai để ý đến”.

Những rào cản của việc sửa đổi Hiến pháp

Nếu Ogles nghiêm túc và nghị quyết của ông nhận được sự ủng hộ, khả năng việc sửa đổi Tu chính án 22 vốn gây nhiều tranh cãi, được thông qua là rất thấp.

Hiến pháp hiện có quy định rất chặt chẽ về việc thông qua một Tu chính án mới và dường như còn khó khăn hơn trong bối cảnh môi trường chính trị Mỹ đang chia rẽ sâu sắc như hiện nay.

Nghị quyết sửa đổi kiểu này phải được ít nhất 2/3 số đại biểu tại Quốc hộ chấp thuận và sau đó là ¾ trong tổng số 38 cơ quan lập pháp các các tiểu bang phê chuẩn. Một bài đăng của Trung tâm Hiến pháp Quốc gia hồi tháng trước nhấn mạnh việc thông qua một Tu chính án mới là rất khó. Theo bài viết, kể từ khi Tu chính án thứ 27 được phê chuẩn năm 1992, hơn 1.400 đề xuất sửa đổi đã được trình lên Quốc hội, nhưng không có đề xuất nào nhận được 2/3 số phiếu cần thiết để chuyển đến các tiểu bang phê chuẩn. Tuy nhiên, Giáo sư Nourse lập luận rằng những phát biểu của Trump về việc này vẫn rất đáng chú ý kể cả khi khả năng thành hiện thực là rất thấp.

Nguyễn Hoàng (Theo The Hill)