Tính chất xã hội của chiến tranh (Phần 2 và hết)

Lương Đàm
Tính chất xã hội của chiến tranh còn được đánh giá về nhiều mặt khác. Về mặt pháp quyền là dựa trên cơ sở luật pháp và công ước quốc tế để đánh giá tính hợp pháp hay không hợp pháp của chiến tranh.
top-10-bo-phim-hay-nhat-ve-chien-tranh-the-gioi-thu-2-nhat-dinh-nen-xem-mot-lan-202105282253179657-1697637383.jpg
Tác động xã hội của chiến tranh là khía cạnh liên quan trực tiếp đến tính chất xã hội của chiến tranh. Ảnh: Internet.

Chiến tranh phù hợp với công ước quốc tế, bảo vệ quyền bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền con người, bảo vệ hòa bình và tiến bộ xã hội... là chiến tranh chính nghĩa, và ngược lại. Về mặt đạo đức là xem xét cuộc chiến tranh có phù hợp với giá trị đạo đức, phù hợp với lương tri nhân loại hay không, mang lại hạnh phúc hay đau khổ cho nhân dân, được dư luận lên án hay tán thành. Về mặt thẩm mỹ là xem xét cuộc chiến tranh có chứa đựng cái vĩ đại, cái cao cả, cái hào hùng... hay không. Ngoài ra, những cuộc chiến tranh mà lực lượng tham gia là đa số tín đồ tôn giáo thì còn bao hàm sự đánh giá về mặt tín ngưỡng tôn giáo. Xem xét tính chất xã hội của chiến tranh sẽ không đầy đủ nếu không đề cập mặt quân sự, đương nhiên phương thức, phương tiện, nghệ thuật quân sự được sử dụng trong chiến tranh bao giờ cũng phục vụ mục đích chính trị nhất định.

Như vậy, phần định tính chất xã hội của chiến tranh là chính nghĩa hay phi nghĩa phải dựa trên đánh giá tổng hợp về chính trị, pháp quyền, đạo đức, thẩm mỹ…, trong đó sự đánh giá về chính trị là quan trọng nhất. Tuy nhiên, đánh giá tính chất xã hội của chiến tranh có thể đúng hoặc sai. Hơn nữa, tính chất xã hội của một cuộc chiến tranh cụ thể có thể biến đổi do sự biến đổi mục đích chính trị quy định.

Điển hình là Chiến tranh thế giới thứ hai, lúc đầu là chiến tranh phi nghĩa của hai tập đoàn đế quốc tham chiến; về sau, do ảnh hưởng cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc đang bị quân phátxít chiếm đóng, nên xét từ phía khối đồng minh đấu tranh chống phátxít thì đó là chiến tranh chính nghĩa. Trong điều kiện hiện nay, chỉ có thể đánh giá đúng tính chất xã hội của chiến tranh khi đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, giai cấp cách mạng triệt để nhất, được vũ trang bằng lý luận thực sự khoa học về phát triển xã hội.

Tác động xã hội của chiến tranh là khía cạnh liên quan trực tiếp đến tính chất xã hội của chiến tranh. Mọi cuộc chiến tranh đều làm toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội bị đảo lộn. Tuy nhiên, tác động của chiến tranh đến xã hội mang tính hai mặt. Một mặt, chiến tranh gây thương vong cho sinh mạng con người, phá hủy nền kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái... Mặt khác, chiến tranh kích thích nhu cầu phát triển một số ngành kinh tế liên quan trực tiếp với sức mạnh quân sự nhà nước, là môi trường để tiềm lực quân sự của quốc gia phát triển cả về lực lượng quân đội, khoa học công nghệ quân sự, nghệ thuật tác chiến, tri thức và kinh nghiệm đối phó của người lãnh đạo, người dân.

january-suchodolski-ochakiv-siege-1697637441.jpg
MInh họa chiến tranh Nga–Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Wikipedia.

Chiến tranh phơi bày cả ưu điểm và khuyết tật của cá nhân, tổ chức xã hội, quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội và của cả quốc gia, dân tộc. Chiến tranh hằn sâu vào đời sống tinh thần, tạo nên những trạng thái tâm lý và phong cách tư duy, hành động bất ổn, song cũng rèn giũa bản lĩnh chịu đựng gian khổ, vượt qua khó khăn, xử lý tình huống nguy hiểm…

Ảnh hưởng của chiến tranh đến xã hội xuất phát từ những tác động mang tính quy luật chung và những tác động mang tính lịch sử cụ thể. Quy mô chiến tranh càng lớn, thời gian tiến hành càng dài, mức độ sử dụng vũ khí, trang bị hiện đại càng nhiều, thì càng làm cho xã hội bị ảnh hưởng sâu sắc. Sự vận hành hệ thống bộ máy chính trị và chính sách đối nội, đối ngoại của các nhà nước; sự phát triển của các thể chế kinh tế và các chính sách kinh tế; đời sống văn hóa, tinh thần; các mối quan hệ xã hội, vị thế con người trong cộng đồng và trách nhiệm con người trước cộng đồng... đều mang đặc trưng rất khác so với trong môi trường hòa bình, đối với các bên tham chiến và cả “kẻ ngoài cuộc”.

Sự tác động, ảnh hưởng của chiến tranh đến xã hội phụ thuộc rất lớn vào tính chất và kết quả của cuộc chiến tranh. Về phía các quốc gia bị tiến công xâm lược, có thể thấy chiến tranh luôn là sự thử thách toàn diện đối với sức sống của bất kỳ nước nào khi bị cuốn vào vòng xoáy khốc liệt của nó. Những cuộc chiến tranh chính nghĩa, dù phải chịu tổn thất nặng nề, vẫn là động lực to lớn thúc đẩy lòng tự hào dân tộc, củng cố mối đoàn kết bền chặt giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, góp phần to lớn nâng cao nhân phẩm của người dân, vị thế của quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế, ghi dấu mốc cao đẹp trong lịch sử dân tộc và thế giới. Những cuộc chiến tranh phi nghĩa ngay cả khi giành thắng lợi đều là những vết nhơ trong lịch sử quốc gia, dân tộc, mang lại sự tủi hổ, nhục nhã cho những người tham chiến dù được che đậy, bào chữa đến mức nào.

Cùng với sự phát triển của vũ khí, phương tiện quân sự thì sự tàn phá và di họa của chiến tranh đối với con người ngày càng tăng. Điều đó buộc từng dân tộc, từng con người đã, đang và sẽ tham gia chiến tranh đều phải đặt ra và trả lời hàng loạt câu hỏi mà không ít trường hợp rất khó tìm ra đáp án. Đó là: cuộc chiến tranh mà mình tham gia có chính đáng, chính nghĩa không; sự chịu đựng gian khổ hy sinh của mình có cần thiết không và nhằm mục đích gì...

Vì thế, tính chất xã hội của chiến tranh không chỉ liên quan đến người đã tham gia chiến tranh mà còn liên quan đến người sẽ tham gia chiến tranh; không chỉ liên quan đến nhân tố chính trị của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường, mà còn liên quan đến trạng thái tinh thần của các tầng lớp nhân dân đang nằm trong vòng xoáy chiến tranh; không chỉ liên quan đến việc khơi dậy, phát huy tiềm lực mọi mặt khi chiến tranh xảy ra, mà còn liên quan đến xây dựng và tạo lập sức mạnh quốc phòng từ thời bình; không chỉ liên quan đến khả năng tập hợp, đoàn kết các lực lượng trong nước mà còn liên quan đến việc tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới. Cũng do đó, không có gì lạ khi sau rất nhiều năm chiến tranh đã lùi xa vào lịch sử, các thế lực từng tiến hành chiến tranh phi nghĩa đều muốn lật lại hồ sơ chiến tranh, nhằm tìm ra lý do để bào chữa, thậm chí đổi trắng thay đen hòng “lật ngược thế cờ” cho những sai lầm của họ.

Hiện nay, trong xu thế đang tạm thời thoái trào của cách mạng thế giới, chủ nghĩa đế quốc không chỉ ngày càng gia tăng tiềm lực trong nước về kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ mà còn có khả năng thao túng các tổ chức quốc tế, trong đó có tổ chức Liên hợp quốc. Do đó, đối với các quốc gia, dân tộc nhỏ yếu, việc công khai bày tỏ quan điểm đánh giá tính chất và tác động xã hội của các cuộc chiến tranh trở nên hết sức hệ trọng và nhạy cảm.

Để giảm thiểu những nguyên cớ mà chủ nghĩa đế quốc có thể lợi dụng hòng tiến hành chiến tranh xâm lược, cần vận dụng sáng tạo các công ước quốc tế vào việc xử lý những vấn đề nhạy cảm như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo... Đồng thời, cần kiên định quan điểm về đánh giá tính chất và tác động xã hội của chiến tranh, kiên quyết ủng hộ các cuộc chiến tranh chính nghĩa của các dân tộc nhằm bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình, phản đối chiến tranh xâm lược và các cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến