Cách giải quyết đúng đắn vấn đề Việt Nam là phải chấm dứt sự can thiệp của Mỹ, phải rút quân đội và vũ khí Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Công việc nội bộ miền Nam do nhân dân miền Nam giải quyết theo Cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Người nghiêm khắc cảnh báo đế quốc Mỹ nếu liều lĩnh động đến miền Bắc, chúng sẽ bị trừng trị đích đáng, sẽ nhận lấy thất bại thảm hại. Người yêu cầu quân và dân miền Bắc “mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”.
Hội nghị chính trị đặc biệt chính là “Hội nghị Diên Hồng của dân tộc thời đánh Mỹ”, thể hiện ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả miền Bắc dậy lên khí thế hào hùng, sục sôi đánh Mỹ. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thể hiện rực rỡ trong mọi lĩnh vực lao động sản xuất và chiến đấu.
Đó là phong trào “Tay búa, tay súng” trong các nhà máy, phong trào “Tay cày, tay súng” trên đồng ruộng, phong trào “Ba đảm đang” trong phụ nữ, phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên. Quân và dân miền Bắc vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa sẵn sàng đánh trả máy bay Mỹ, đồng thời quyết tâm bảo đảm đủ lương thảo, vũ khí, đạn dược gửi ra chiến trường, hàng triệu thanh niên tình nguyện lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Tháng 3 năm 1964, Quân chủng phòng không - không quân nhận được lệnh chuyển “từ trạng thái thời bình sang trạng thái có tính chất thời chiến”. Khắp nơi từ nhà máy, xí nghiệp đến trường học, bệnh viện đều tổ chức thực hiện việc đào hào, hầm trú ẩn, đắp ụ chiến đấu.
Các tổ bắn máy bay của dân quân tự vệ được thành lập, nhiều nơi được trang bị cả súng máy cao xạ 12 ly 7. Các phương án bắn máy bay, chống sập, cứu sập, cứu thương, cứu hoả,... được huấn luyện chu đáo cho các đối tượng. Nhiều hoạt động của nhân dân được chuyển hướng cho thích ứng với điều kiện của thời chiến.
Mùa Hè 1964, các hoạt động khiêu khích của địch đối với miền Bắc ngày càng trắng trợn. Quân đội Mỹ đã đưa tàu sân bay tới Biển Đông, đưa thêm máy bay xuống khu vực Đông Nam Á. Chúng tiến hành ráo riết các hoạt động khiêu khích, do thám và phá hoại. Càng thua đau ở miền Nam, Mỹ càng ráo riết đẩy mạnh việc xúc tiến các kế hoạch quân sự nhằm chống phá miền Bắc nước ta, đặc biệt là kế hoạch đánh phá các tuyến vận chuyển chiến lược của ta dọc biên giới Việt - Lào.
Trước âm mưu thủ đoạn của địch, tháng 6 năm 1964, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu, phá tan âm mưu khiêu khích đánh phá miền Bắc của không quân địch”. Trong Chỉ thị đó, Bộ Chính trị nêu rõ: Các lực lượng vũ trang trên miền Bắc phải sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết tiêu diệt địch nếu chúng xâm phạm miền Bắc, đẩy mạnh chi viện miền Nam.
Các lực lượng vũ trang ở miền Nam phải đánh cho địch những đòn thất bại nặng nề hơn nữa, phối hợp bảo vệ miền Bắc. Chấp hành Chỉ thị của Bộ Chính trị, toàn thể các lực lượng vũ trang miền Bắc được lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu. Chuẩn bị chiến đấu với không quân Mỹ trở thành nhiệm vụ khẩn trương trước mắt đối với lực lượng vũ trang nhất là đối với Quân chủng phòng không - không quân và Quân chủng hải quân.
Quân chủng phòng không - không quân đã chuyển nhiệm vụ từ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu sang chiến đấu và huấn luyện với tinh thần “địch đến là phải đánh được và đánh thắng”. Lúc này, trang bị của lực lượng phòng không còn khá lạc hậu. Cả bảy trung đoàn cao xạ mới chỉ được trang bị chủ yếu là các loại pháo cũ, còn số pháo 57 ly mới chỉ chiếm từ 20 đến 30% trang bị tuỳ theo từng khu vực. Bộ đội rađa mới chỉ có ba trung đoàn. Bộ đội tên lửa mới chỉ có khung cán bộ, chưa có vũ khí. Bộ đội không quân còn phải chờ Trung đoàn không quân tiêm kích đang huấn luyện ở nước ngoài về.
Tuy nhiên, trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Quân chủng vẫn quyết định tập trung thích đáng binh lực, hỏa lực bảo vệ các mục tiêu chủ yếu, đồng thời tổ chức lực lượng dự bị cơ động mạnh, cải tiến việc huấn luyện phù hợp với yêu cầu chiến đấu nhằm mục tiêu bắn rơi máy bay phản lực có tốc độ cao của địch. Đồng thời, ta cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm thiết thực về tổ chức chiến đấu đánh máy bay Mỹ qua chiến công bắn rơi sáu máy bay địch của Trung đoàn 234 và Tiểu đoàn 24 pháo cao xạ Quân khu 4 khi phối hợp chiến đấu với bạn Lào ở đường 7.
Quân chủng hải quân chấp hành lệnh của trên đã chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến từ ngày 6 tháng 7 năm 1964. Để đối phó với các hành động khiêu khích, phá hoại ngày càng tăng của Mỹ - ngụy ở vùng biển thuộc Khu IV, Bộ Tư lệnh Quân chủng hải quân đã triển khai Sở Chỉ huy tiền phương ở sông Gianh, tăng cường lực lượng tuần tiễu ở vùng biển Khu IV và luân phiên hoạt động trên biển. Các tàu phóng lôi đều được triển khai sẵn sàng chiến đấu. Các đơn vị pháo binh bờ biển cũng ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp hai.