Sự nghiệp bảo vệ tổ quốc Việt Nam từ sau năm 1975 đến hiện nay (Phần 3 và hết)

Lương Đàm
Nhìn tổng quát, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, kế thừa kinh nghiệm của tổ tiên và lịch sử hào hùng của hai cuộc kháng chiến, Đảng và Nhà nước ta trên nền tảng sự phát triển mới về lý luận đã coi xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân là một trong những quan điểm cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình.
quan-khu-3-1705935671.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 513, Quân khu 3 trong huấn luyện. Ảnh: Quân khu 3

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân gắn với phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt. Sức mạnh toàn dân không chỉ tạo nên “thiên la địa võng” để giữ vững hòa bình của đất nước, mà còn trực tiếp tạo nên sức mạnh quân sự răn đe và sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi cuộc tiến công quân sự của kẻ thù.

Nếu kẻ địch phát động chiến tranh xâm lược trên bất kỳ hướng nào, địa bàn nào thì chúng đều nhất định vấp phải và không dễ dàng vượt qua được sức kháng cự hết sức quyết liệt của nhân dân ta. Các khu vực phòng thủ dựa trên sức mạnh tổng hợp của nhân dân sẽ biến mọi miền đất nước thành những pháo đài bảo vệ Tổ quốc.

Phản ánh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, việc nhận thức và giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình hiện nay luôn gắn bó trong tổng thể những giá trị văn hoá giữ nước tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà toàn Đảng, toàn dân đang ra sức xây dựng. Kế thừa và phát huy những giá trị đó sẽ làm cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay thấm đậm tinh thần “cả nước chung lòng, toàn dân đánh giặc”. đặc trưng nổi bật của quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, đồng thời cho phép nâng tầm giá trị của toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Trong xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân, sự kế thừa và phát huy cao độ truyền thống yêu nước trong tổ chức và hoạt động quân sự đã đi vào chiều sâu của sự phát triển chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chính nhờ đó mà các lực lượng vũ trang của ta vừa quyết tâm giữ vững độc lập dân tộc, vừa làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Đó là một sự nghiệp cách mạng mang tính nhân văn cao cả.

Khi nhân dân nước bạn có yêu cầu, quân đội ta đã kịp thời có mặt sát cánh cùng quân đội và nhân dân nước bạn chiến đấu, hy sinh quên mình để cứu giúp họ thoát khỏi họa diệt chủng, xây dựng chính quyền cách mạng. Nghe theo lời dạy của Bác Hồ “Giúp bạn là tự giúp mình”, cán bộ, chiến sĩ ta đã luôn chấp nhận khó khăn, gian khổ, xa gia đình, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.

caysom-1705935452.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào - đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn. Ảnh tư liệu.

Thực tiễn nhận thức và giải quyết vấn đề chiến và hòa bình ở Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cũng đã thể hiện rõ nét ở cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đây là một trạng huống rất khó để vượt qua tâm thức mơ hồ về phân biệt bạn - thù. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta không thể chấp nhận “hòa bình” bằng mọi giá. Tất cả những nguy cơ có thể xâm hại đến độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đều cần được cấp bách giải toả, dù phải sử dụng đến hình thức đấu tranh vũ trang và tiến hành chiến tranh.

Thắng lợi trong các cuộc chiến tranh hai đầu biên giới chính là minh chứng cho sự đúng đắn của quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và sẵn sàng tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời đại mới.

Cùng với các hoạt động vũ trang bảo vệ Tổ quốc, một mặt trận khác không kém phần gian khổ, ác liệt để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ là mặt trận đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Chúng ta đã có kinh nghiệm xương máu từ sự sụp đổ đau đớn của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Chúng ta cũng đã cảm nhận sự nhức nhối của các sự kiện Tây Nguyên, Thái Bình, Hà Tây, Mường Nhé...

Song vượt trên tất cả là những kinh nghiệm lớn về nhận thức và giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình ở nước ta hiện nay. Đó là không chỉ cần cảnh giác trước nguy cơ chiến tranh, xung đột vũ trang, mà còn cần cảnh giác với “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến