Ngày 2 tháng 2 năm 2001, Ksor Kok lấy cớ chính quyền bắt giữ người trái phép đã chỉ đạo các đối tượng FULRO nội địa đồng loạt biểu tình, bạo loạn quy mô lớn, trên phạm vi rộng với hơn 10 nghìn người tham gia ở ba tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum. Mục đích bạo loạn chính trị của FULRO là đòi thành lập “Nhà nước Đề ga độc lập”.
Do công tác phân tích, đánh giá xử lý ban đầu thiếu thống nhất về tính chất vụ việc nên ta chỉ triển khai lực lượng ngăn chặn, giải thích, vận động là chính, chưa áp dụng các biện pháp trấn áp, để chúng có điều kiện tấn công vào trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai cùng một số trụ sở cơ quan chính quyền và các ngành cấp huyện, xã...
Sang ngày 3 tháng 2 năm 2001, Phó Thủ tướng Thường trực họp với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.., đã xác định các cuộc biểu tình này là bạo loạn chính trị. Ngày 4 tháng 2 năm 2001, Bộ Chính trị chỉ thị cần có biện pháp trấn áp mạnh, kể cả bắt giữ, xử lý số cầm đầu, cốt cán.
Bộ Công an triển khai các lực lượng truy bắt số cầm đầu chỉ đạo cuộc biểu tình bạo loạn và số cực đoan quá khích, đồng thời truy bắt những tên cầm đầu các khung chính quyền “Nhà nước Đề ga” ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Kon Tum. Tình hình trở lại ổn định.
Đến đầu năm 2004, lực lượng FULRO lưu vong liên tục chỉ đạo các đối tượng FULRO nội địa biểu tình, bạo loạn vào các ngày 18 tháng 2, 20 tháng 3 và 28 tháng 3. Ta đã bắt, khai thác một số tên đầu sỏ và kết hợp thông tin qua kiểm soát liên lạc, phát hiện FULRO có kế hoạch tổ chức biểu tình vào dịp Lễ Phục sinh từ ngày 10 đến ngày 17 tháng 4 năm 2004.
Trước tình hình ấy, Bộ Công an nhận định có khả năng xảy ra biểu tình và chủ động báo cáo Bộ Chính trị, thông báo tới Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên; chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường chi viện cho công an các tỉnh Tây Nguyên. Bạo loạn xảy ra từ ngày 10 đến ngày 11 tháng 4 năm 2004 ở các buôn làng thuộc Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông với khoảng trên 11 nghìn người tham gia.
Tuy quy mô, phạm vi nhỏ hơn, thời gian ngắn hơn nhưng vụ bạo loạn lại phức tạp hơn so với năm 2001 bởi các hoạt động quá khích, manh động như chiếm giữ, đập phá trụ sở chính quyền, tài sản của người dân, gây thương vong cho lực lượng cảnh sát... Lực lượng công an các tỉnh đã bắt tạm giữ những tên quá khích, cầm đầu gây rối.
Song, sau sự kiện này, số đối tượng FULRO lẩn trốn vẫn tiếp tục hoạt động phục hồi tổ chức, xây dựng hàng nghìn cơ sở ngầm ở các buôn, làng, kích động đồng bào trốn sang Campuchia.
Tại một số nơi, chúng còn khống chế, đe dọa cán bộ, cài cắm lực lượng vào nội bộ ta; tổ chức lôi kéo, kích động quần chúng tụ tập khi có các đoàn nước ngoài đến địa phương để đưa kiến nghị, yêu sách... Trước tình hình đó, công an các tỉnh Tây Nguyên đã mở đợt cao điểm tấn công truy quét, gọi hàng số FULRO còn lẩn trốn; bóc gỡ, vô hiệu hóa cơ sở ngầm của chúng ở các buôn, làng; ổn định lại tình hình.