Sự kiện vịnh Bắc Bộ và những chiến thắng liên tiếp của quân đội nhân dân Việt Nam (Phần 3 và hết)

Vượt lên mọi mất mát, đau thương, quân và dân miền Bắc vẫn vững chí bền lòng, đánh trả mạnh mẽ không quân và hải quân Mỹ, trừng trị đích đáng hành động leo thang chiến tranh của chúng, bảo vệ thắng lợi các tuyến giao thông quan trọng các khu công nghiệp trọng điểm.
1280px-boeing-b-52-dropping-bombs-1691073646.jpg
Pháo đài bay B-52 trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh Wikipedia.

Các lực lượng pháo binh của ta đã tập kích quyết liệt căn cứ Dốc Miếu, bắn mạnh vào Tân Lâm, Cam Lộ, Cửa Việt,... diệt hàng trăm lính Mỹ và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Quân và dân Hà Nội, Hải Phòng bằng cách đánh mưu trí, sáng tạo, dũng cảm đã giáng trả quyết liệt và hiệu quả các đợt đánh phá của không quân Mỹ, hạ nhiều máy bay, bắt sống giặc lái. Có nhiều chiếc máy bay Mỹ bốc cháy ngay trên bầu trời Hà Nội.

Chỉ riêng ngày 19 tháng 5 năm 1967, lực lượng phòng không Hà Nội đã bắn rơi 10 chiếc máy bay Mỹ, hầu hết là rơi tại chỗ. Bác Hồ đã khen thưởng quân dân Hà Nội, tặng toàn bộ số tiền tiết kiệm của Bác cho Bộ đội Phòng không - Không quân. Sự quan tâm của Bác đã làm xúc động sâu sắc cán bộ, chiến sĩ, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh chiến thắng cho lực lượng vũ trang cách mạng đang bảo vệ bầu trời và mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Đầu tháng 6 năm 1967, địch tăng cường đánh phá giao thông trọng điểm là đường 1 và đường 5. Trong các đợt đánh phá này, không quân Mỹ sử dụng nhiều thủ đoạn như đánh phá sân bay, gây nhiễu, đánh phá các đài, trạm rađa, sử dụng các loại bom mới gây thương vong cho bộ đội ta. Nhưng tại tất cả các trận địa, bộ đội ta vẫn vững vàng ở vị trí chiến đấu. Sang tháng 8 năm 1967, địch tập trung lực lượng lớn dồn dập đánh phá Hà Nội.

Quân và dân Hà Nội đã đánh trả mãnh liệt, bắn rơi nhiều máy bay, chỉ trong bốn ngày, quân dân Thủ đô đã bắn rơi 22 máy bay địch. Bước sang tháng 9 năm 1967, trong khi duy trì đánh phá toàn miền, địch dồn lực lượng đánh phá Hải Phòng, rải mìn trên biển hòng phong toả, cô lập cảng Hải Phòng. Chiến sự ở Hải Phòng diễn ra quyết liệt suốt nửa tháng 9 đến đầu tháng 10. Địch bị tổn thất nặng nề. Chỉ trong tháng 9 năm 1967, lực lượng phòng không ba thứ quân tại thành phố Hải Phòng đã bắn rơi 31 máy bay Mỹ.

7-1691074393.png
Quân và dân thành phố Hải Phòng chuẩn bị chiến đấu chống cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ. Ảnh tư liệu

Trận đánh lớn ở Hà Nội diễn ra cuối tháng 10 năm 1967. Từ ngày 24 đến 28, đế quốc Mỹ đã huy động gần 500 lần/chiếc máy bay tập trung đánh phá cầu Long Biên, Nhà máy điện Yên Phụ, sân bay Nội Bài,... Với thế trận đã được chuẩn bị kỹ, lực lượng phòng không Hà Nội đã kiên cường chiến đấu, bắn cháy 45 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái. Chiến thắng không lực Hoa Kỳ trên vùng trời Hà Nội có ý nghĩa quân sự và chính trị rất lớn, làm thất bại âm mưu của Mỹ hòng gây sức ép tối đa làm lung lay ý chí quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, buộc ta phải ngừng chi viện cho miền Nam. Chiến thắng đó làm nức lòng quân và dân cả nước, củng cố quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng.

Hòa nhịp với quân và dân Hà Nội, Hải Phòng tại nhiều nơi trên khắp miền Bắc, lực lượng phòng không ba thứ quân đều đánh giỏi, thắng to, bắn rơi hàng trăm máy bay Mỹ, bắt nhiều giặc lái. Ngày 16 tháng 6 năm 1967, Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) bắn rơi một chiếc A4D, trở thành đơn vị nữ dân quân đầu tiên trên miền Bắc bắn rơi máy bay Mỹ. Ngày 17 tháng 9, trên bầu trời Vĩnh Linh, Tiểu đoàn 84 tên lửa Trung đoàn 238 đã bắn tan xác hai máy bay B-52 của Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen. Trong hai ngày 14 và 24 tháng 10, bằng súng bộ binh, Trung đội lão dân quân Hoàng Trường (Hoằng Hóa, Thanh Hoá) bắn cháy hai máy bay địch, nêu tấm gương “tuổi cao chí càng cao” của các cụ phụ lão miền Bắc trong những năm đánh Mỹ. Tính đến cuối năm 1967, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 2.680 máy bay các loại.

1-1691073516.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đoàn pháo cao xạ. Ảnh Tư liệu.

Trên mặt trận ven biển, ngay từ tháng 3 năm 1967, lực lượng hải quân ta đã tổ chức tốt việc thực hiện nhiệm vụ tập trung bảo vệ Hải Phòng và vùng biển Đông Bắc. Phía trong, vùng bờ biển Khu IV do lực lượng pháo bờ biển và lực lượng dân quân tự vệ trên biển chịu trách nhiệm. Tính đến cuối năm 1967, thêm hàng chục lần tàu biển của Mỹ đã bị lực lượng hải quân Việt Nam và lực lượng pháo bảo vệ bờ biển của ta bắn cháy.

Buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, song từ mùng 1 tháng 4 năm 1968, đế quốc Mỹ vẫn tập trung toàn bộ lực lượng không quân, hải quân đánh phá ác liệt từ vĩ tuyến 20 trở vào nhằm ngăn chặn đến mức cao nhất luồng vận chuyển từ miền Bắc vào miền Nam, đồng thời hỗ trợ cho những nỗ lực mới của chúng trên chiến trường hòng giành thế mạnh trong đàm phán với ta trên mặt trận ngoại giao. Tính trung bình, địch sử dụng mỗi ngày từ 300 đến 350 lần/chiếc máy bay đánh sâu vào các tuyến, các trọng điểm giao thông phía trong. Hạm tàu của địch trên Biển Đông bắn phá suốt ngày đêm vào vùng ven biển, cửa lạch. Các loại vũ khí như bom từ trường, bom nổ chậm, thủy lôi được chúng thả dày đặc trên các bến sông, cửa biển nhằm ngăn chặn hoạt động vận tải của ta.

Với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, lực lượng phòng không được tăng cường cho Khu IV. Bộ đội không quân cũng phát huy được yếu tố bí mật, bất ngờ, từ những đường băng dã chiến cất cánh đánh địch, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ với bộ đội phòng không. Các lực lượng bảo vệ bờ biển đánh trả quyết liệt tàu tuần dương và tàu khu trục Mỹ. Bảy tháng liên tục chiến đấu, quân và dân Khu IV đã bắn hạ 400 máy bay, bắn cháy 32 tàu chiến Mỹ. Âm mưu đánh hạn chế nhằm tập trung vào trọng điểm của địch đã thất bại, cùng với thất bại trên chiến trường miền Nam trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 của quân và dân ta khiến đế quốc Mỹ buộc phải chấm dứt ném bom, bắn phá miền Bắc Việt Nam từ ngày 1 tháng 11 năm 1968. Cuộc chiến đấu của quân và dân ta chống chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của Mỹ đã thắng lợi.

Đây là thất bại có ý nghĩa chiến lược của đế quốc Mỹ, đồng thời là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược lớn lao của nhân dân ta. Đế quốc Mỹ tưởng rằng với sức mạnh hủy diệt của bom đạn, chúng có thể biến miền Bắc Việt Nam “trở lại thời kỳ đồ đá”, làm cho ta mất hết ý chí, phải chấp nhận điều kiện của chúng. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Với sức mạnh của cả dân tộc, với sự ủng hộ to lớn của loài người tiến bộ, với ý chí quyết thắng và tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân miền Bắc đã đập tan mọi thủ đoạn chiến tranh phá hoại của địch. Trong bom đạn ác liệt, nhân dân ta vẫn tiếp tục công cuộc xây dựng miền Bắc vững mạnh về mọi mặt.

Với tinh thần “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng” vừa sản xuất vừa chiến đấu trong bốn năm chống chiến tranh phá hoại, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi hàng ngàn máy bay, bắt sống hàng trăm giặc lái, bắn chìm và bắn cháy hàng trăm tàu chiến của địch. Không những thế, chúng ta còn duy trì được sản xuất, ổn định đời sống và sinh hoạt của nhân dân. Đó thực sự là kỳ tích lớn lao của hậu phương lớn miền Bắc.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến