Về phương diện chính trị, đó là phải tạo được khả năng đồng thuận và đồng bộ của cơ cấu xã hội - giai cấp đối với việc triển khai các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ngay khi có chiến tranh xảy ra; duy trì được sự kiên định và khả năng lãnh đạo lĩnh vực quân sự, quốc phòng, đường hướng chiến lược tiến hành chiến tranh,... của Đảng và Nhà nước đối với toàn xã hội; khơi dậy và phát huy cao độ khả năng đoàn kết và tính tích cực chính trị của quần chúng nhân dân trước các tình huống chiến tranh.
Về phương diện tinh thần, đó là giữ vững ý chí, bản lĩnh của chế độ chính trị và hệ tư tưởng chính thống; bảo đảm uy tín của hệ thống chính sách đối nội, đối ngoại về quốc phòng, về duy trì trạng thái đất nước trong điều kiện chuyển sang chiến tranh; ổn định nhận thức, niềm tin, ý chí quyết tâm, trạng thái tâm lý,... của quân và dân trước các nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ đầu chiến tranh.
Cơ cấu xã hội - giai cấp, bao gồm các giai cấp, dân tộc, tầng lớp xã hội cùng những mối quan hệ qua lại, hợp thành chỉnh thể, luôn giữ vai trò đặc biệt trong xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần cho nền quốc phòng nói chung và thời kỳ đầu chiến tranh nói riêng. Cơ cấu đó vừa là cơ sở xã hội để Đảng và Nhà nước tổ chức xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần có sự thống nhất cao giữa ý chí của giai cấp thống trị với nguyện vọng, lợi ích chính trị của nhân dân, vừa là tiêu chí quan trọng nhất để hướng toàn bộ sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước cũng như toàn bộ hoạt động chính trị của quần chúng nhân dân vào việc xây dựng, củng cố tiềm lực chính trị - tinh thần sâu rộng thời bình, năng động và bền vững khi có chiến tranh.
Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị có vai trò quan trọng hàng đầu và trực tiếp đối với quá trình xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần nói riêng và sức mạnh quân sự quốc gia nói chung. Với sứ mệnh lịch sử trước đường hướng phát triển và vận hội chính trị của cả đất nước và toàn xã hội, Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị là chủ thể trực tiếp nhận định, đánh giá xác đáng sức mạnh và tiềm lực của các thế lực thù địch, nhận thức rõ trạng thái thực các tiềm lực của đất nước, từ đó xác định mục đích, phương hướng và những giải pháp cơ bản nhằm phát triển toàn bộ sức mạnh quân sự quốc gia nói chung và mỗi tiềm lực nói riêng.
Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị cũng là chủ thể có đầy đủ tư cách và hệ thống thiết chế xã hội mạnh nhất, từ đường lối, chính sách đến hệ thống tổ chức chính trị, từ hành chính đến bạo lực, từ giáo dục đến cưỡng chế,... để tác động đến mọi giai cấp, tầng lớp, lực lượng xã hội nhằm quy tụ, tập hợp nhân dân thành khối thống nhất về ý chí và hành động. Riêng đối với xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị là chủ thể trực tiếp tiến hành mọi hoạt động: hoạch định, tổ chức xây dựng, kiểm tra, giám sát,...
Xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần bền vững và có thể chuyển hóa năng động ngay từ đầu khi chiến tranh xảy ra phụ thuộc rất lớn vào khả năng đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động của nhân dân. Tạo nên sự gắn bó thống nhất giữa giai cấp thống trị với các tầng lớp nhân dân vừa là xây dựng được một trong những nội dung quan trọng nhất cấu thành tiềm lực chính trị - tinh thần, vừa là tiền đề, cơ sở không thể thiếu để phát triển tiềm lực chính trị - tinh thần theo chiều sâu.
Đương nhiên, mức độ gắn bó giữa giai cấp, tầng lớp lãnh đạo xã hội với quần chúng nhân dân luôn phụ thuộc rất lớn vào bản chất và sức sống của chế độ chính trị - xã hội trong bối cảnh lịch sử của mỗi thời đại. Xét về nguồn gốc, bản chất chế độ chính trị - xã hội ở nước ta trong bối cảnh xu hướng phát triển của thế giới đương đại, có thể thấy việc huy động toàn thể nhân dân vào công cuộc xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần cho nền quốc phòng toàn dân, cũng như khả năng động viên chính trị - tỉnh thần ngay từ thời kỳ đầu chiến tranh nếu xảy ra, là vấn đề hoàn toàn khả thi, tất nhiên phải trên cơ sở phát huy cao độ trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị.
Tiềm lực kinh tế - xã hội là toàn bộ những yếu tố thuộc về lĩnh vực kinh tế của xã hội, cũng như khả năng tổng thể về văn hóa, xã hội, dân trí, giáo dục, y tế,... với tư cách nguồn lực phát triển, mà một quốc gia có thể huy động được để giải quyết các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong thời bình và đáp ứng nhu cầu chiến tranh nếu xảy ra.
Cấu trúc của tiềm lực kinh tế - xã hội bao gồm trình độ và khối lượng sản xuất xã hội; nhịp độ và khả năng tăng trưởng sản xuất xã hội; nguồn dự trữ tài nguyên và lao động; sự đồng bộ giữa các mặt sản xuất - trao đổi - phân phối - tiêu dùng, cơ cấu xã hội; các nguồn lực con người và cộng đồng các lợi thế về lao động, việc làm, an sinh xã hội,... Việc đánh giá tiềm lực kinh tế - xã hội của một đất nước trước hết dựa trên những chỉ tiêu kinh tế cơ bản như tổng sản phẩm xã hội, tổng thu nhập quốc dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng dự trữ quốc gia, thu nhập quốc dân tính theo đầu người..., và gắn chặt với tiêu chí đó là những chỉ số cơ bản về sự ổn định xã hội, về tính ưu việt trong giải quyết các vấn đề xã hội,... Với lĩnh vực quốc phòng, tiềm lực kinh tế - xã hội được thể hiện ở các mặt chủ yếu như: khối lượng và chất lượng các nguồn lực kinh tế và xã hội có thể động viên đáp ứng nhu cầu quốc phòng và chiến tranh; tính cơ động và sức sống của nền kinh tế - xã hội trước thử thách ác liệt của chiến tranh,...
Đặc biệt, một bộ phận quan trọng cấu thành tiềm lực kinh tế - xã hội là khả năng về kinh tế quân sự mà một quốc gia có thể huy động để đáp ứng các nhu cầu đối phó với chiến tranh và các nguy cơ khác đe dọa quốc phòng và an ninh của đất nước. Tiềm lực kinh tế quân sự bao gồm số lượng và chất lượng các cơ sở kinh tế có nhiệm vụ trực tiếp hoặc gián tiếp bảo đảm nhu cầu hoạt động của lực lượng vũ trang và chuẩn bị tư liệu sản xuất cho ngành công nghiệp quốc phòng. Đặc trưng nổi bật nhất của kinh tế quân sự là không trực tiếp tham gia quá trình tái sản xuất mở rộng tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng trên phạm vi toàn xã hội, mà tập trung vào lĩnh vực quân sự.
Tiềm lực kinh tế - xã hội có vai trò to lớn đối với sức mạnh quân sự quốc gia nói chung, cũng như sức sống của một đất nước trước bối cảnh thời kỳ đầu chiến tranh nói riêng. Đó là cơ sở vật chất xã hội làm hậu thuẫn cho toàn bộ hoạt động tư tưởng, tổ chức quân sự của bộ máy lãnh đạo, quản lý đất nước; là cơ sở để tạo nên sự thống nhất và ổn định xã hội, củng cố niềm tin và ý chí quyết thắng; là tiền đề để phát triển nền khoa học quốc phòng vững mạnh; là nhân tố bảo đảm cho sự phát triển và chiến thắng của quân đội. Xã hội càng phát triển, chiến tranh càng hiện đại thì tiềm lực kinh tế - xã hội càng đóng vai trò to lớn đối với sức mạnh quân sự quốc gia. -
Do vậy, vấn đề xây dựng tiềm lực kinh tế - xã hội, trọng tâm là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực sự năng động, phát triển bền vững,... không chỉ là nhu cầu chung của sự phát triển đất nước, mà còn là nhu cầu nội tại của việc tăng cường sức mạnh quân sự quốc gia, nhất là trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, thực tế lịch sử cho thấy, quá trình xây dựng và phát triển tiềm lực kinh tế - xã hội của một quốc gia không thể chỉ dựa vào các tiềm năng sẵn có về tài nguyên, nhân lực, vật lực..., mà còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng tổ chức, quản lý và huy động các nguồn lực đó của nhà lãnh đạo đất nước. Trong đó, đường lối, quan điểm, cơ chế, chính sách và các hoạt động thực tiễn liên quan của Đảng và Nhà nước đóng vai trò quyết định.
Xây dựng tiềm lực kinh tế - xã hội của nền quốc phòng ở nước ta hướng tới đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ đầu chiến tranh cần được tiến hành ở cả hai phương diện cơ bản có sự kết nối chặt chẽ với nhau: phương diện kinh tế và phương diện xã hội. Về phương diện kinh tế, đó là phải tạo được khả năng đồng thuận và đồng bộ của các tổ chức kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đối với việc triển khai các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng từ trước và nhất là ngay khi chiến tranh bắt đầu xảy ra. Đó là chuẩn bị chu đáo cho khả năng chuyển toàn bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là nền kinh tế, sang điều kiện thời chiến, đồng thời được duy trì và phát triển không ngừng, không bị đứt đoạn, xuyên qua các thời đoạn đầy thử thách của cuộc chiến tranh.
Về phương diện xã hội, đó là chuẩn bị mọi tiền đề, cơ sở cần thiết để cho Đảng và Nhà nước có thể huy động và phát huy cao độ mọi tiềm năng, nguồn lực xã hội và nhất là nguồn lực con người cho nhu cầu chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, ngay từ đầu và xuyên suốt cuộc chiến tranh. Đó là giữ vững sự ổn định về thể chế và kết cấu xã hội, truyền thống cộng đồng, kỷ cương, đạo lý, đời sống xã hội của người dân trong điều kiện chuyển đất nước sang chiến tranh,...
Trong tổng thể nền quốc phòng, tiềm lực khoa học - công nghệ là tổng hợp khả năng về trình độ khoa học cũng như trình độ phát triển công nghệ của một đất nước có thể huy động được để giải quyết các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong thời bình và đáp ứng nhu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nếu xảy ra.