Phân tích tiềm lực của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam (phần 1)

Lương Đàm
Theo Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, quốc phòng là công cuộc giữ nước của một quốc gia, gồm tổng thể các hoạt động đối nội và đối ngoại của nhà nước và nhân dân để phòng thủ đất nước, tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, nhằm giữ vững hòa bình, đẩy lùi, ngăn chặn các hoạt động gây chiến tranh và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược của kẻ thù dưới mọi hình thức, quy mô. Quốc phòng là hoạt động của cả nước, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, được kết hợp chặt chẽ với an ninh để bảo vệ chế độ, đồng thời kết hợp chặt chẽ với kinh tế - xã hội để gắn kết giữa bảo vệ và xây dựng đất nước.
tu-ve-nha-may-in-tien-bo-1691751189.jpg
Tự vệ Nhà máy in Tiến Bộ luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: TTXVN.

Như vậy, quốc phòng với chức năng bảo vệ Tổ quốc có nhiệm vụ trực tiếp chống lại mọi hoạt động xâm phạm, xâm lược của các thế lực thù địch nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, vùng trời, giữ vững nền hòa bình, độc lập, tự chủ của đất nước. An ninh cũng có chức năng bảo vệ Tổ quốc, song nhiệm vụ trực tiếp là chống lại mọi hoạt động của các thế lực thù địch từ trong nước nhằm bảo vệ vững chắc chế độ chính trị và trật tự an toàn xã hội. Muốn giữ vững hòa bình, đòi hỏi nước ta phải tăng cường sức mạnh quốc phòng để có sức mạnh phòng ngừa, răn đe, đối phó thắng lợi với các thủ đoạn, hình thức tiến công xâm lược của địch.

Theo đó, lý luận và thực tiễn thời kỳ đầu chiến tranh hiện nay đang đặt ra cho quốc phòng Việt Nam những vấn đề rất cơ bản về xây dựng tiềm lực quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng, xây dựng lực lượng quốc phòng, xây dựng phương thức, cơ chế vận hành quốc phòng và nhất là chuẩn bị tác chiến phòng thủ chiến lược. Quan điểm nhất quán của Đảng ta là xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, quốc phòng là hoạt động của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và nhân dân dưới sự tổ chức, quản lý, điều hành của Nhà nước.

Sức mạnh quốc phòng của đất nước là sức mạnh tổng hợp của thực lực và tiềm lực quốc phòng, là sức mạnh của thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, là hệ quả của sự kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền của Tổ quốc và nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Theo tư duy mới của Đảng, tiềm lực của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là tiềm lực tổng hợp bao gồm nhiều lĩnh vực như chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, ngoại giao,... được xây dựng ngay từ thời bình và được khai thác, động viên, sử dụng, phát huy cao độ trong thời chiến. Tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa còn nhấn mạnh vấn đề khẳng định lợi ích quốc gia, dân tộc; vấn đề xây dựng và giữ gìn môi trường hòa bình; vấn đề kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với an ninh và đối ngoại; vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực để xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Bảo vệ Tổ quốc, dù trong điều kiện hòa bình hay trong trạng thái chiến tranh, đều cần dựa trên nguồn sức mạnh tổng hợp bao gồm nhiều tiềm lực vừa có sự phân định tương đối, vừa có quan hệ chặt chẽ với nhau trong một chỉnh thể thống nhất. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, đó là tiềm lực chính trị - tinh thần, tiềm lực kinh tế - xã hội, tiềm lực khoa học - công nghệ, tiềm lực quân sự. Từ lý luận và thực tiễn thời kỳ đầu chiến tranh trong bối cảnh thế giới đương đại cho thấy, từ trước khi sử dụng hình thức gây chiến tranh xâm lược bằng quân sự, các thế lực thù địch với nước ta thường xuyên sử dụng nhiều thủ đoạn tiến công trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội,... hòng lái nước ta vào quỹ đạo chịu sự chi phối của chúng.

Chiến tranh về thực chất là sự kế tục các hình thức, thủ đoạn ấy lên đỉnh điểm mâu thuẫn đối kháng, đồng thời trực tiếp thực hiện thủ đoạn vũ trang xâm phạm độc lập, chủ quyền và phá hoại toàn diện các lĩnh vực đời sống xã hội. Để chống lại những hình thức, thủ đoạn nguy hiểm ấy, hoạt động quốc phòng không chỉ đơn thuần xây dựng sức mạnh quân sự đủ sức đối phó các cuộc chiến tranh xâm lược của địch, mà còn bao gồm tổng thể hoạt động trên các mặt trận quân sự, chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội,...nhằm xây dựng chỉnh thể thống nhất của tiềm lực quốc phòng ngay từ thời bình.

Trong hệ thống các tiềm lực cấu thành cơ sở sức mạnh của nền quốc phòng, tiềm lực chính trị - tinh thần là toàn bộ những yếu tố thuộc về lĩnh vực chính trị của xã hội cũng như về mặt tinh thần của nhân dân, quân đội mà một quốc gia có thể huy động được để giải quyết các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong thời bình và đáp ứng nhu cầu chiến tranh nếu xảy ra.

Xét theo cấu trúc nội dung thì tiềm lực chính trị - tinh thần bao gồm các giá trị chính trị - tinh thần cơ bản, các mối quan hệ và hoạt động chính trị - tinh thần, các thiết chế, thể chế xã hội giữa các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tổ chức chính trị quần chúng,... thành một kết cấu chính trị - tinh thần bền vững, phản ánh và dựa trên nền tảng kinh tế - xã hội của đất nước trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Xét theo cấp độ thể hiện, có thể xem tiềm lực chính trị - tinh thần bao gồm hai lớp khác nhau nhưng có quan hệ tương hỗ với nhau: lớp tư tưởng và lớp tâm lý xã hội. Trong đó, lớp tư tưởng (bao gồm hệ thống quan điểm lý luận và tri thức khoa học chính thống về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc) luôn giữ vai trò quyết định so với lớp tâm lý xã hội (bao gồm những kinh nghiệm, tập quán, thái độ, tâm trạng,... của quảng đại quần chúng trước các nhiệm vụ, vấn đề quân sự, quốc phòng của quốc gia, dân tộc).

2022-12-07-00-46-272-1691751239.jpg
Hàng ngàn lượt máy bay đã thay nhau trút bom xuống Hà Nội. Ảnh tư liệu.

Tiềm lực chính trị - tinh thần là cơ sở quan trọng hàng đầu của sức mạnh quân sự quốc gia, vừa thể hiện bản chất giai cấp vừa giữ vai trò chủ đạo định hướng sự vận động, phát triển sức mạnh quân sự quốc gia cũng như sự vận động, phát triển các tiềm lực khác trong sức mạnh quân sự quốc gia. Riêng đối với bối cảnh thời kỳ đầu chiến tranh, tiềm lực chính trị - tinh thần thể hiện vai trò nổi trội của nó trên các mặt chủ yếu như: Số lượng và chất lượng nguồn lực con người có thể động viên đáp ứng nhu cầu chiến tranh; khả năng, kinh nghiệm của người cầm quyền trong việc giải quyết các nhiệm vụ của chiến tranh; trình độ nhận thức, mức độ sẵn sàng và ý chí, bản lĩnh của quần chúng khi đối mặt với các tình huống của chiến tranh.

Từ tầm quan trọng đặc biệt của tiềm lực chính trị - tinh thần đối với nền quân sự, quốc phòng nói chung, đối với thời kỳ đầu chiến tranh nói riêng, có thể thấy việc xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần là vấn đề cần thiết hàng đầu. Thực tế lịch sử cho thấy, trong mỗi cuộc chiến tranh, sức sống của toàn bộ đất nước và chế độ chính trị, trước hết là vượt qua được thử thách khốc liệt của thời kỳ đầu chiến tranh, phụ thuộc rất lớn vào tiềm lực chính trị - tinh thần đã được chuẩn bị.

Song đến lượt nó, việc động viên tiềm lực chính trị - tinh thần vào mỗi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của thời kỳ đầu chiến tranh lại phụ thuộc trực tiếp vào mục đích, tính chất của cuộc chiến tranh và nhiệm vụ quân sự, phòng thủ đất nước cần được tiến hành, vào bản chất chế độ chính trị - xã hội, vào năng lực lãnh đạo của chính đảng và phương cách quản lý của nhà nước, vào trình độ dân trí, văn hóa, quan niệm đạo lý của người dân đối với chiến tranh và hòa bình,...

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến