Phân tích nguyên nhân quân Mỹ thất bại trong chiến dịch Gianxơnxiti (phần 2 và hết)

Lương Đàm
Ngày 22 tháng 2 năm 1967, địch bắt đầu tiến hành cuộc hành quân Gianxơnxiti đánh phá căn cứ Dương Minh Châu. Chúng thực hiện kết hợp đổ quân bằng máy bay lên thẳng với tiến quân bằng cơ giới.

jc-1967-4-vwiv-1690586998.jpg

Gianxơnxiti được coi là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 Mỹ triển khai lực lượng lính dù quy mô tới cấp lữ đoàn. Ảnh: Tạp chí LIFE/Getty Images

Từ nhiều hướng, quân Mỹ và quân ngụy thực hành “bao vây chiến dịch” trên một khu vực rộng từ Bầu Cỏ, Đồng Pan phía tây đường 22 đến sát biên giới Campuchia để từ đó tổ chức thành nhiều mũi thọc sâu vào căn cứ. Đây là cuộc hành quân lớn nhất trong cuộc phản công chiến lược lần thứ hai, và cũng là đỉnh cao nhất trong các cuộc tiến công của quân Mỹ ở chiến trường miền Nam.

Với thế trận đã được chuẩn bị, các đơn vị tự vệ cơ quan chủ động đánh địch khi chúng vừa đổ quân. Trong ngày đầu tiên, quân ta diệt gần 200 tên Mỹ, bắn cháy 16 xe thiết giáp, bắn rơi 16 máy bay các loại. Các trung đoàn chủ lực vận động tập kích vào sở chỉ huy hành quân, cụm đóng quân, bãi pháo, bãi xe của địch ở Trảng A Lấn, Đồng Pan, Bàu Cỏ, Trảng Bàng. Sau gần một tháng hành quân càn quét, quân Mỹ bị đánh ở khắp nơi, lực lượng bị tiêu hao, mục tiêu càn quét không thực hiện được, tướng chỉ huy cuộc hành quân bị cách chức.

Đợt một của chiến dịch kết thúc, các đơn vị cùng lập chiến công. Nhưng đợt này, ta chưa có những trận đánh tiêu diệt lớn. Vì vậy, Bộ Tư lệnh Miền chủ trương tập trung lực lượng đánh một đến hai trận tiêu diệt cụm tiểu đoàn Mỹ kết hợp với đẩy mạnh đánh địch rộng khắp của các lực lượng tại chỗ. Sư đoàn 9 của ta được bố trí lại nhằm tạo thế tiêu diệt lớn.

Ngày 18 tháng 3 năm 1967, đợt hai của cuộc hành quân Gianxonxiti của địch bắt đầu với chiến thuật “lật cánh”, chuyển hướng tiến công chủ yếu sang phía đông căn cứ của ta. Chúng sử dụng thủ đoạn bao vây, thọc sâu, tiến chắc, trước đó dùng không quân oanh tạc dữ dội để dọn đường. Về lực lượng, chúng phải điều thêm một chiến đoàn lính thủy đánh bộ và chia toàn bộ lực lượng thành hai cánh: Cánh thứ nhất gồm Lữ đoàn 3 (Sư đoàn 4) và một tiểu đoàn của Lữ đoàn 173 tiến từ Suối Đá lên Chà Dơ và phát triển lên đóng cụm ở Đồng Rùm; Cùng lúc, Lữ đoàn 1 (Sư đoàn 25) từ Minh Thạnh tiến lên đóng cụm ở Đồng Kền.

Cánh thứ hai gồm Lữ đoàn 2 (Sư đoàn 1), một bộ phận của Trung đoàn 11 và Tiểu đoàn 36 biệt động quân từ Hớn Quảng tiến sang đóng cụm tại Sóc Con Trăn, đồng thời một bộ phận của Lữ đoàn 173 tiến lên chiếm Bàu Trâm nối với Sóc Con Trăn bằng cụm cơ giới và pháo binh ở ngã ba Bà Chiêm. Như vậy là địch đã hình thành một khu vực “hợp vây chiến dịch” rộng tới 450km2. Từ những cụm quân này, chúng hình thành nhiều mũi đánh rộng ra, nối với nhau thành một vòng vây khép kín. Ở giữa, chúng tung ba lữ đoàn dự bị: Lữ đoàn 3 Sư đoàn 1, Lữ đoàn 1 Sư đoàn 25, Lữ đoàn 1 Sư đoàn 9 đánh vào trung tâm hàng tiêu diệt chủ lực và cơ quan lãnh đạo kháng chiến của ta. Nhưng chúng không thực hiện được ý đồ đó, vì bị các lực lượng của ta liên tục chặn đánh, tiêu diệt những đơn vị nhỏ lẻ, tạo điều kiện cho chủ lực tập trung đánh lớn.

vn1-cgno-1690586843.jpg

Gianxơnxiti được coi là cuộc hành quân quy mô lớn nhất, dài ngày nhất trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Tạp chí LIFE

Ngày 19 tháng 3 năm 1967, Trung đoàn 3 của ta tập kích cụm quân Mỹ thuộc Lữ đoàn 1 Sư đoàn 9, loại khỏi vòng chiến đấu 400 tên lính Mỹ, phá hủy 63 xe thiết giáp. Ngày 20 tháng 3, Trung đoàn 2 và Trung đoàn 16 hiệp đồng chặt chẽ đánh thiệt hại nặng cụm quân Mỹ ở Đồng Rùm. Lữ đoàn 3 Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ bị mất sức chiến đấu, thương vong 1.200 tên, bị phá hủy 72 xe thiết giáp, 19 khẩu pháo, 10 máy bay. Ngày 31 tháng 3, Trung đoàn 1 và Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 16 của ta tập kích quân Mỹ ở trảng Ba Vũng, gây thiệt hại nặng cho một tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn pháo binh của Lữ đoàn 2 Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ. Bị đánh liên tục và thiệt hại nặng nề, ngày 1 tháng 4, địch rút khỏi Đồng Rùm. Ngày 2 tháng 4, địch rút khỏi Cà Tum. Ngày 6 tháng 4, địch rút khỏi Đồng Kền. Từ ngày 6 đến 9 tháng 4, các cụm quân Mỹ ở trảng Ba Vũng, Bàu Cột, Bàu Trâm cùng rút chạy về Sóc Con Trăn, làm nao núng lực lượng địch trên toàn tuyến. Đến ngày 13 tháng 4, toàn bộ địch ở Sóc Con Trăn phải rút khỏi chiến khu Dương Minh Châu. Cuộc hành quân Gianxơnxiti kết thúc.

Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu 14.233 tên địch (chủ yếu là quân Mỹ); phá hủy, phá hỏng 992 xe (có 775 xe tăng xe thiết giáp), 112 khẩu pháo; bắn rơi, bắn hỏng 160 máy bay (có 144 trực thăng). Thất bại của Mỹ trong cuộc hành quân Gianxonxiti không chỉ ở chỗ chúng bị thiệt hại nặng nề về lực lượng quân Mỹ, vũ khí, phương tiện chiến tranh, mà còn ở chỗ những mục tiêu của cuộc hành quân không đạt được, và điều quan trọng là sự bế tắc về chiến thuật, chiến lược của Mỹ ở miền Nam. Có thể nói đây là cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ đánh vào căn cứ kháng chiến của ta.

Nhưng đó cũng lại chính là cuộc hành quân mà Mỹ thua đau nhất, thua đậm nhất, là cái mốc đánh dấu đỉnh cao của sự thất bại của chúng trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai hòng thực hiện âm mưu tìm diệt của chúng. Không những không tìm diệt được bộ đội chủ lực và căn cứ địa kháng chiến của ta, mà chúng còn bị ta đánh cho tơi bời. Sau thất bại của cuộc hành quân Gianxonxiti, những nhân vật chóp bu ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc chưa biết sẽ phải làm gì và làm như thế nào để xoay chuyển tình thế cuộc chiến.

jc-1967-13-gvam-1690587155.jpg

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhận xét: "Cuộc hành quân Gianxonxiti là một cuộc hành quân lớn nhất của quân Mỹ vào vùng căn cứ Bắc Tây Ninh lại là cuộc hành quân thua đau nhất, là cái mốc đánh dấu đỉnh cao sự thất bại của chúng trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai trong âm mưu tìm diệt của chúng". Trong ảnh, lính thông tin đang gọi cấp cứu cho một đồng đội bị thương, ngày 4/4/1967. Ảnh: Tạp chí LIFE/Getty Images

Chiến thắng của quân và dân ta trong chiến dịch phản kích đánh bại cuộc hành quân Gianxonxiti là thắng lợi có ý nghĩa quan trọng. Với thắng lợi này, về cơ bản, ta đã bẻ gãy được gọng kìm tìm diệt thứ hai của địch trong mùa khô. Chiến thắng trong chiến dịch phản công đánh bại cuộc càn Gianxơnxiti còn cho thấy sức mạnh tổng hợp của quân và dân ta, sức mạnh của toàn dân đánh giặc trong thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp chống kẻ địch có hỏa lực mạnh, sức cơ động cao.

Sau mùa khô 1966-1967, cục diện chiến trường tiếp tục chuyển biến có lợi cho cách mạng miền Nam. Quân và dân miền Nam đã giữ vững được quyền chủ động chiến lược, đưa chiến tranh nhân dân giải phóng phát triển đều khắp trên cả ba vùng chiến lược. Thế và lực của cách mạng được tăng cường, niềm tin vào thắng lợi của chúng ta được củng cố. Quyết tâm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta được nâng lên.

Về phía địch, ngụy quyền Sài Gòn chìm trong cơn khủng hoảng ngụy quân sa sút nghiêm trọng về ý chí và tinh thần chiến đấu, kế hoạch giành thắng lợi trong 18 tháng của Mỹ thất bại thảm hại. Tuy nhiên, với bản chất phản động và có tiềm lực quân sự, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường chiến tranh, tìm mọi cách giành thắng lợi về quân sự hòng thương lượng với ta trên thế mạnh.

Chúng tiếp tục tăng quân, ráo riết mở cuộc phản công chiến lược lần thứ ba trong mùa khô 1967-1968. Không chỉ quân Mỹ mà các nước chư hầu như Nam Triều Tiên, Ôxtrâylia, Thái Lan do sức ép của Mỹ cũng buộc phải tăng thêm quân tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Đối với ngụy quyền Sài Gòn, Mỹ tăng viện trợ, quân số, thúc ép tiếp tục kế hoạch bình định, đồng thời cải tiến trang bị cho quân ngụy. Lực lượng địch ở miền Nam lúc này đã lên tới 486.000 quân Mỹ, 57.800 quân chư hầu, 650.000 quân ngụy. Cuối tháng 12 năm 1967, chúng nhận định ta nghi binh ở khu vực đồng bằng để tập trung lực lượng tạo ra một “Điện Biên Phủ” ở Khe Sanh, giải phóng hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, nên vội điều quân tăng cường phòng thủ Sài Gòn và điều thêm 12 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn kỵ binh bay số 1, Sư đoàn không vận số 101, Sư đoàn thủy quân lục chiến ngụy ra khu vực đường 9 để ngăn chặn ta.

Về phía ta, đến cuối năm 1967, quân và dân ta vẫn giữ vững và phát huy mạnh mẽ quyền chủ động chiến lược trên chiến trường. Các đơn vị chủ lực quân giải phóng miền Nam đã tạo được thế đứng chân vững chắc ở nhiều vùng ven đô thị, đặc biệt ở những đô thị lớn như Sài Gòn - Gia Định, Huế, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột,... Lực lượng vũ trang tập trung được tăng cường. Cơ sở cách mạng ở đô thị phát triển.

Ở miền Bắc, các sư đoàn chủ lực đã sẵn sàng hành quân vào Nam. Công tác vận tải, hậu cần sẵn sàng bảo đảm vận chuyển một khối lượng lớn bộ đội và phương tiện chiến đấu vào chiến trường. Trên cơ sở thế trận phát triển, tháng 10 năm 1967, Bộ Chính trị họp bàn về chủ trương và kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở miền Nam. Sau khi nghe tình hình, Bộ Chính trị nhận thấy có thể triển khai kế hoạch sớm hơn dự kiến ban đầu. Để tranh thủ yếu tố bất ngờ, Bộ Chính trị quyết định thời gian bắt đầu cuộc tổng tiến công là Tết Mậu Thân 1968.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến